"Tôi kêu gọi Hội đồng Bảo an xem xét tất cả các công cụ hiện có để thực hiện các hành động tập thể và làm những gì đúng đắn để giúp người dân Myanmar, ngăn chặn thảm họa", AFP dẫn lời Đặc phái viên Liên hợp quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener cho hay.
Đặc phái viên Christine Schraner Burgener cho hay, Liên hợp quốc vẫn mở cửa đối thoại với chính quyền quân sự Myanmar, song cũng nhấn mạnh: "Nếu chúng ta chỉ chờ đợi khi họ sẵn sàng đối thoại, tình hình trên thực tế sẽ chỉ tồi tệ hơn. Một cuộc ‘tắm máu’ có thể xảy ra".
Trong một diễn biến leo thang bạo lực ở Myanmar, cuối tuần qua, chính quyền quân sự nước này tiến hành các cuộc không kích ở bang Karen sau khi một nhóm phiến quân chiếm giữ một căn cứ quân sự - làm dấy lên lo ngại về sự quay trở lại xung đột vũ trang ở Myanmar.
“Các lực lượng vũ trang đang có quan điểm chống đối rõ ràng, làm tăng khả năng xảy ra nội chiến ở quy mô chưa từng có ở Myanmar. Nếu không ngăn chặn sự leo thang các hành động bạo lực, về lâu dài thế giới phải trả giá đắt", Đặc phái viên Christine Schraner Burgener cho hay.
Các cường quốc trên thế giới nhiều lần lên án bạo lực ở Myanmar và trừng phạt các nhân vật quân sự, nhưng cho đến nay áp lực vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả. Linda Thomas Greenfield, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, đã nêu ra khả năng hành động nếu quân đội không từ bỏ quyền lực.
"Chúng tôi hy vọng rằng tình hình cuối cùng sẽ được giải quyết và quân đội sẽ quay trở lại với nhiệm vụ của họ, thay bằng chính phủ được bầu cử dân chủ. Nhưng nếu họ không làm điều đó, và tiếp tục các cuộc tấn công đối với dân thường thì chúng tôi phải xem xét cách chúng tôi có thể làm nhiều hơn", bà Linda Thomas Greenfield nói.
Kể từ hôm 1/2, hơn 520 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính quân sự tại Myanmar.
Bình luận