(VTC News) - Không thể phủ nhận sự phát triển của Đà Nẵng sau 15 năm trở thành TP trực thuộc Trung ương. Nhưng dưới góc nhìn phong thủy, TP Đà Nẵng còn nhiều vấn đề cần suy ngẫm. Trong những ngày đầu năm, VTC News có cuộc trao đổi với KTS Hồ Huy Diệm, nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch TP Đà Nẵng về vấn đề này
Đà Nẵng, vùng đất “địa linh” !
- Ngày nay, phong thủy được hiểu dưới nhiều quan điểm. Vậy phải hiểu phong thủy như thế nào mới đúng?
- Phong thủy ngày nay, không chỉ đơn giản là những nghiên cứu về thông gió, dòng nước của người xưa. Xa hơn, rộng hơn, phong thủy là việc sử dụng, khai thác lợi thế từ địa hình, thế đất, dòng nước...nhằm mang lại lợi ích, sự thịch vượng cho chủ nhân vùng đất đó. Nên có thể nói, phong thủy là trường phái triết lý mang đầy đủ tính khoa học đã được kiểm chứng.
Theo giới chuyên gia, nếu nhìn dưới góc độ phong thủy, Đà Nẵng được xem là vùng đất tụ linh, hội tụ nhiều yếu tố khác biệt |
- Với quan điểm đó, Đà Nẵng có khác biệt gì so với các địa phương khác nếu nhìn dưới góc độ phong thủy?
- Trước tiên phải nói đến truyền thuyết hình thành nên vùng đất Đà Nẵng này. Có thể có nhiều truyền truyền thuyết về Đà Nẵng, từ truyền thuyết về vùng đất với sự ra đời của con giao long, sự ra đời của núi Ngũ Hành Sơn và dòng sông Hàn. Nhưng truyền thuyết về vùng đất của Thần Kim Quy thì người Đà Nẵng gốc nào cũng biết đến.
Tương truyền, trong thời khắc sinh ra của trời và đất, khi Đà Nẵng vẫn còn hoang sơ. Một con rùa biển lớn từ biển Đông bò vào bờ và chọn vùng đất nay là địa danh Ngũ hành Sơn làm nơi đẻ trứng. Khác biệt là con rùa lớn này chỉ đẻ duy nhất 1 quả trứng rồi trở lại biển.
Vết trườn vào bờ của Thần Kim Quy để lại là một rãnh nước kéo dài từ chân núi Ngũ hành Sơn ra đến biển. Theo thời gian, quả trứng nở ra một con rùa thần, con rùa này cũng bò ra biển rồi để lại dấu tích là dòng sông Hàn. Vỏ trứng rùa để lại biến thành 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn ngày nay.
- Đó là truyền thuyết, còn về khoa học, địa chất thủy văn có tác động gì khiến Đà Nẵng khác biệt hơn các địa phương khác?
- Theo giới địa chất, kiến trúc và nghiên cứu của tôi, Đà Nẵng là một trong hai địa phương của Việt Nam nằm trong nền địa chất đới khâu với những đặc tính riêng biệt. Đới khâu có nghĩa là hình thành từ rãnh nối giữa các lớp vỏ trái đất đã tồn tại trên hai mảng kiến tạo khác nhau và đã tiếp giáp nhau do sự chuyển động hội tụ của các mảng thạch quyển cổ. Đặc điểm này được ví như tinh hoa trái đất trên một chiếc chiếc “sàng” lớn, khi trái đất vận hành, vạn vật biến đổi…mọi vật trên “sàng” trái đất “tụ” về đới khâu này.
Điều khác biệt tiếp theo của Đà Nẵng so với các TP biển khác là dưới tác động của sức hút mặt trời (dương) và mặt trăng (âm), TP này nằm trong khu vực có chế độ thủy triều bán nhật lên xuống 2 lần/ngày. Trong khi hầu hết các vùng biển khác chỉ có một lần. Theo đó, việc lên xuống của thủy triều gắn liền với sự phát triển, đi lên của vạn vật. Đây là điều kiện góp phần thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt của vùng đất này.
- Đó mới dưới góc độ về địa chất. Vậy dưới góc độ kinh dịch, Phật giáo thì Đà Nẵng có lợi thế gì?
- Nếu theo kinh dịch và Phật giáo, thì Đà Nẵng là nơi hòa hợp âm dương ngũ hành với vị trí địa lý đắc địa đối với trong nước và cả trong khu vực. Đi từ Bắc vào Nam ta có núi Tam Đảo (ba), đến Đà Nẵng (trung điểm) có núi Ngũ Hành Sơn (năm) với chùa Linh Ứng cùng truyền thuyết phật giáo nơi đây, tiếp đến vào phía nam có núi Thất Sơn (bảy). Nhìn ra thế giới theo Thuyết Lưỡng Nghi thì Đà Nẵng là tâm điểm của âm dương vũ trụ khi dùng compa xoay một vòng từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái.
Sở hữu địa thế đa dạng hiếm có gồm: Núi, đồng bằng, sông, biển xen kẽ nhau. Nếu quan sát kỹ, địa hình Đà Nẵng như lòng bàn tay ngửa ra, vuông vức với đầy đủ các nhân tố của của vùng đất linh thiêng. Tính từ đông sang tây, năm đỉnh núi gồm: Ngũ Hành Sơn, Phước Tường, núi Chúa (Bà Nà), Hải Vân và Sơn Trà được ví như 5 đầu ngón tay bao bọc xung quanh che chở lòng bàn tay (TP.Đà Nẵng). Hơn thế nữa, Đà Nẵng có địa thế lưng dựa núi, mặt hướng ra sông và xa hơn là biển Đông với rất nhiều vị trí tụ thủy, tụ linh. Thuyết này đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm dịch ra từ học thuyết Nho giáo và kinh dịch Trung Hoa.
Chưa hết, Đà Nẵng có thế đất theo thuật phong thủy gọi là “Rồng chầu hổ phục” với “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” (trái núi Sơn Trà, phải núi Ngũ Hành Sơn). Nhìn ra xa là đảo Cù Lao Chàm án ngữ. Chính vì vậy, không phải vô cớ mà trong quá trình Nam tiến, vua Minh Mạng lại dừng chân tại Đà Nẵng, đặt tên cho ngọn núi là Ngũ Hành Sơn với các địa danh Vọng Giang đài, Vọng Hải đài…Cùng với quá trình tu tập gắn liền với địa danh Chùa Linh Ứng tại đây ngày càng linh nghiệm.
Và càng không vô cớ khi các cường quốc từ xa xưa đều tìm cách xâm chiếm nước Việt, kể cả khu vực Đông Dương qua cửa ngõ Đà Nẵng. Nên để TP có thể phát triển, con cháu đời sau ngày càng thịnh vượng, việc tìm ra những vị trí địa linh là cần thiết và xây dựng nơi đây những công trình xứng tầm càng cần thiết hơn”.
Theo KTS Hồ Huy Diệm, địa hình của Đà Nẵng giống như bàn tay với đầy đủ những yếu tố của vùng đất "địa linh" mang tính khoa học và thực tiễn |
Những dự án nhìn từ phong thủy
- Vậy Đà Nẵng đã làm gì để khai thác yếu tố “địa linh” này?
- Với địa hình mang lại cho Đà Nẵng một điều kiện địa lý kinh tế vượt trội. Nhưng trong thực tiễn quy hoạch và phát triển TP, Đà Nẵng chưa vận dụng tốt ưu thế là một vùng đất “tụ linh”. Về vĩ mô, do chưa chọn được chiến lược khai thác đúng tiềm năng địa lý kinh tế hay đúng hơn là theo đúng phong thủy nên Đà Nẵng vẫn chưa phát triển xứng tấm với những gì mà TP được thiên nhiên ưu đãi.
- Xin ông có thể nói cụ thể hơn?
- Đơn cử dễ thấy nhất là quy hoạch cảng biển. Với bề dày hơn 300 năm hình thành cảng biển cùng các dịch vụ đóng tàu, khai thác hàng hải…nhưng cảng Đà Nẵng chỉ mới khai thác nhân tố bên ngoài mà không đi sâu phát triển thành cảng trung chuyển của khu vực. Khối lượng hàng hóa thông quan tại cảng Đà Nẵng chỉ đạt 3,3 triệu tấn (năm 2010), bằng 1/4 (15,69 triệu tấn) khối lượng tại cảng Hải Phòng, bằng 1/3 (11,82 triệu tấn) so với cảng Sài Gòn và chỉ bằng 3/4 (4,5 triệu tấn) cảng Quy Nhơn (Bình Định).
Nhiều tuyến đường mở về hướng biển là cần thiết, nhưng việc quy hoạch cần được tính toán hợp lý, tránh phá vỡ thể thống nhất “long mạch” của cụm núi Ngũ Hành Sơn, địa linh hiếm có này. Một loạt các dự án du lịch biển Đà Nẵng cùng tuyến đường ven biển quá sát mặt nước trở thành bức tường “chặn thủy”, cản trở sự “lưu thủy” của biển với đất liền đã gây lãng phí đối với phần diện tích đất phía Tây. Hay đường Trần Đại Nghĩa (Q.Ngũ Hành Sơn) với quy mô hàng chục mét mặt cắt, đi ngang qua cụm núi Ngũ Hành Sơn làm phá vỡ tổng thể của cụm di tích.
- Nhưng với những gì trong suốt 15 năm qua, Đà Nẵng đã làm cũng đáng để ghi nhận, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông?!
- Để phù hợp với sự phát triển của Đà Nẵng, việc xây hạ tầng, dựng nhiều cây cầu bắc qua sông Hàn là rất cần thiết. Nhưng xây sao, dựng thế nào cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng. Cầu Tuyên Sơn và Thuận Phước là một điển hình. Cầu Tuyên Sơn cách xa cảng Tiên Sa gần 20km lại làm nhiệm vụ trung chuyển hàng hóa, trong khi đó cầu Thuận Phước xây sát “bên hông” cảng Tiên Sa thì chỉ để “làm cảnh”. Đầu tư nhiều nhưng hạn chế giá trị về kinh tế cũng là sai phong thủy.
Chưa hết, cách đối xử của Đà Nẵng đối với nhiều công trình được xem là dấu ấn, truyền thống, lịch sử…trong thời gian qua đã “phạm” triết lý phong thủy. Thành Điện Hải, di tích Ngũ Hành Sơn, Tượng đài liệt sĩ TP…là những điển hình khiến dư luận không khỏi quan ngại.
Vẫn còn nhiều “dương cơ”
- Nếu như vậy có thể nói Đà Nẵng đã khai thác và xây dựng nhiều vị trí tụ linh không hợp phong thủy. Vậy để làm sao để “cải” được nhưng gì đã “phạm” phong thủy trong thời gian vừa qua?
- Đà Nẵng được nhiều lời ngợi khen nhìn từ góc độ khối lượng xây dựng, bộ mặt bên ngoài. Nhưng nếu nhìn vào bên trong, hiệu quả kinh tế mang lại dựa trên bản chất giá trị cốt lõi vẫn lộ ra bất cập.
Để sửa những sai phạm về phong thủy chúng ta phải trả giá rất đắt. Thậm chí chỉ có những biến cố thiên nhiên mới có thể “cải” được”. Và điều này thì thật không đơn giản. Tuy nhiên, việc khắc phục những gì đã “phạm” theo thuyết phong thủy cũng vẫn có thể thông qua việc vận dụng các “dương cơ” còn lại. Điều này giống như điểm huyệt các huyệt đạo còn lại vậy.
Ngũ Hành Sơn, một trong những danh thắng được xem là "dương cơ" của Đà Nẵng nhưng bị phá vỡ bởi tốc độ phát triển của đô thị hóa. |
- Vậy Đà Nẵng có còn “dương cơ” và liệu có thể “cải” được những gì đã “phạm” phong thủy như ông đã nói?
- Đà Nẵng còn nhiều vị trí tụ linh được gọi là “dương cơ” phù hợp với việc xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng thông qua triết lý phong thủy. Hiện hữu thì vẫn còn nhiều vị trí được giữ lại và định hướng đúng phong thủy.
Thư viện tổng hợp Đà Nẵng là một trong những vị trí địa linh của Đà Nẵng. Thư viện còn tồn tại thì cái sự học của người Đà Nẵng sẽ “phát”, còn nếu làm trung tâm thương mại sẽ là “mua một, bán mười”. Đây là các công trình sẽ mang lại sự phồn vinh, phát đạt cho hậu thế. Song việc chọn xây dựng công trình gì, tính chất ra sao cần được xem xét và cân nhắc thấu đáo. Nếu là công trình công cộng, người hưởng lợi là con cháu đời sau, còn nếu là công trình tư nhân thì người hưởng lợi là các ông chủ kinh tế vị trí đó.
Chính vì vậy, việc lựa chọn các “dương cơ” để “trấn” hay xây cất các công trình rất cần cái nhìn toàn cảnh để người hưởng lợi là con cháu đời sau
Cảm ơn ông !
Bửu Lân
Bình luận