Cách đây tròn một năm, tháng 10/2017, Trung ương kỷ luật cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, cho thôi Uỷ viên Trung ương Đảng.
Lúc đó, người đứng đầu Đà Nẵng được xác định có các vi phạm nghiêm trọng liên quan đến nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo chủ chốt...
Bên cạnh việc Bí thư Thành ủy phải rời ghế, Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng bị kỷ luật cảnh cáo.
"Bây giờ nhìn lại, đó là những ngày tháng dư luận thành phố xôn xao, thậm chí nhiều người thấy rúng động, đi đâu cũng râm ran bàn chuyện lãnh đạo bị kỷ luật", ông Nguyễn Trí Tổng (cán bộ hưu trí, hội viên Câu lạc bộ Thái Phiên) nói.
Hai tháng sau khi Bí thư Nguyễn Xuân Anh bị cách chức, Bộ Công an phát lệnh truy nã Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm", 43 tuổi, đại gia bất động sản có tiếng ở Đà Nẵng); bắt ông này ở Singapore và di lý về Việt Nam.
Vũ "Nhôm" chính là người đứng tên doanh nghiệp tặng xe và nhà cho ông Nguyễn Xuân Anh sử dụng.
Mở rộng điều tra vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, đến thời điểm hiện tại, 13 cán bộ về hưu hoặc đương nhiệm ở Đà Nẵng đã bị khởi tố, trong đó có hai cựu Chủ tịch thành phố là ông Văn Hữu Chiến và ông Trần Văn Minh.
Chuyển động nhân sự lãnh đạo
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, việc nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của thành phố bị kỷ luật, khởi tố đã khiến không ít cán bộ, công chức hoang mang tư tưởng, "sao lãng, phân tâm trong công việc, thậm chí không dám tham mưu cho lãnh đạo". Đặc biệt thời điểm cuối năm 2017, khi Đà Nẵng dồn dập công việc chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC.
Chuyển động đáng chú ý nhất ở Đà Nẵng lúc đó là việc Trung ương điều động Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa về thay ông Nguyễn Xuân Anh.
Từng có thời kỳ làm Phó bí thư Thành uỷ Đà Nẵng và đã kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau như Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La, Phó trưởng ban kinh tế Trung ương, thành viên Chính phủ..., ông Nghĩa có nhiều thuận lợi và được kỳ vọng không chỉ giúp Đà Nẵng "sửa sai" mà còn đưa địa phương miền Trung này đi lên tương xứng với khẩu hiệu "thành phố đáng sống".
Gần một năm Đà Nẵng dưới thời ông Trương Quang Nghĩa, một số chức danh mà thành phố từng điều động "có biểu hiện áp đặt" trước đó đã được bổ nhiệm quay lại vị trí cũ.
Cụ thể, ông Đặng Việt Dũng từ Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ quay trở lại phòng làm việc của Phó chủ tịch UBND thành phố.
Tháng 6/2015, ông Dũng được bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng, sau khi trải qua nhiều vị trí lãnh đạo như Giám đốc Sở Giao thông, Bí thư Quận ủy Hải Châu. Một năm sau, trên cương vị Phó chủ tịch thường trực phụ trách mảng văn hóa - xã hội, ông Dũng đã có nhiều chỉ đạo và hành động quyết liệt ở lĩnh vực mình phụ trách, trong đó có an toàn vệ sinh thực phẩm, viết thư cảm ơn người dân,...
Tháng 2/2017, ông Nguyễn Xuân Anh khi đang giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã ký quyết định điều động ông Dũng sang làm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy. Tháng 7/2017, kỳ họp thứ 4 HĐND Đà Nẵng khóa IX đã miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch UBND thành phố với ông Đặng Việt Dũng với tỷ lệ 100%.
Một năm sau, tháng 7/2018 cũng tại HĐND Đà Nẵng, 44/48 đại biểu có mặt đồng ý bầu ông Dũng làm Phó chủ tịch UBND thành phố (tỷ lệ 96,7%).
Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Quang, Uỷ viên Ban thường vụ Thành uỷ, trước đây bị điều động từ Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ về làm Bí thư Quận uỷ Thanh Khê, đã được bổ nhiệm về làm Bí thư quận Hải Châu - ở trung tâm thành phố theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Nho Trung được bầu làm Chủ tịch HĐND thành phố (thay vị trí của ông Nguyễn Xuân Anh ở cơ quan dân cử), đồng thời bổ sung một nhân sự cấp phó cho ông Trung.
Đà Nẵng cũng đã điều động, luân chuyển hàng loạt cán bộ, như thay Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, bổ nhiệm mới Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ, Chánh văn phòng Thành ủy...
Tái thiết không gian công cộng
Dải bãi biển từ bán đảo Sơn Trà vào giáp Điện Bàn (Quảng Nam) vốn chỉ là vùng cát trắng, dân cư thưa thớt.
Khi tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc hoàn thành, lãnh đạo Đà Nẵng trước đây đã "quy hoạch" bãi biển này thành hai khu vực. Đoạn trước công viên Đức Mẹ Sao Biển về bán đảo Sơn Trà làm bãi tắm công cộng. Nửa còn lại trở vào phố cổ Hội An dài 12 km cho xây dựng các khu resort. Đất đã được cấp cho các nhà đầu tư và các dự án nằm san sát nhau.
Nhờ quy hoạch trên và nhiều nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng phát triển du lịch, Đà Nẵng sớm hình thành chuỗi resort với những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Đây được cho là một trong những lý do để Đà Nẵng đăng cai thành công APEC 2017.
Nhưng vấn đề chính quyền thành phố phải đối mặt, là chuỗi các dự án nêu trên đã bít hết lối xuống biển của người dân.
Chuyện đòi lối xuống biển cho dân ở Đà Nẵng không phải mới. Tại kỳ họp HĐND thành phố đầu tháng 12/2016, nhiều đại biểu chất vấn và ngành xây dựng cho biết thành phố đã phê duyệt quy hoạch 5 lối xuống biển chủ yếu nằm giữa ranh giới các dự án.
Tuy nhiên trong gần hai năm qua, ngoài việc lấy thêm đất để mở rộng và hoàn thiện hai bãi tắm Sơn Thuỷ, Tân Trà, (quận Ngũ Hành Sơn), việc đòi lối xuống biển ở Đà Nẵng chững lại. Trong khi đó, người dân Nam Ô (quận Liên Chiểu) ở phía Nam thành phố hồi tháng 3 đã phản ứng dữ dội khi dự án nghỉ dưỡng của Công ty cổ phần Trung Thuỷ bít lối xuống biển của cư dân.
"Không gian ven biển phải dành cho công cộng. Không thể mặc định đất của dự án là đi thẳng xuống mặt biển. Cộng đồng phải có quyền tiếp cận biển bất cứ lúc nào", Bí thư Thành uỷ Trương Quang Nghĩa khẳng định khi trực tiếp đi thị sát dự án ở Nam Ô.
Ông Nghĩa sau đó đã hành động quyết liệt khi yêu cầu chính quyền phải làm việc với chủ đầu tư để điều chỉnh lại quy hoạch, mở thêm các lối xuống biển theo hướng hài hoà lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Theo ý kiến chỉ đạo của ông Nghĩa, ở khu vực tiếp giáp giữa các dự án và bãi biển sẽ có một con đường cho dân đạp xe, đi bộ.
Chính quyền thành phố cũng nhiều lần làm việc với các doanh nghiệp để họ nhượng lại một phần diện tích dự án, phục vụ việc mở lối xuống biển; đồng thời tính đến việc thu hồi 11 khu vực của các dự án ven biển để có đất tạo cảnh quan, làm công viên phục vụ cộng đồng.
Ông Vũ Quang Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, lối xuống biển ở khu vực giữa khu nghỉ dưỡng Furama và quần thể du lịch quốc tế Ariyana sẽ được khởi công trong tháng 10/2018 với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng, hoàn thành vào cuối năm. Còn lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương đã được phê duyệt quy hoạch, họp các hộ dân, cắm mốc triển khai và bố trí vốn 1,5 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 1/2019.
Không chỉ mở lại lối xuống biển, lãnh đạo Đà Nẵng cũng khởi động việc thu hồi nhiều dự án treo ở vệt đất vàng trước Nhà hát Trưng Vương (quận Hải Châu) để làm quảng trường, đàm phán đổi đất với doanh nghiệp để mở rộng công viên APEC,...
Trả tiền lấy lại "chảo lửa" Chi Lăng
Sân vận động Chi Lăng vốn là công trình gắn liền với đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người dân Đà Nẵng. Một thời, đây là "chảo lửa" tạo khí thế cho đội bóng sông Hàn giành thứ hạng cao trong làng bóng đá nước nhà.
Tuy nhiên năm 2010, UBND TP Đà Nẵng dưới thời cựu Chủ tịch Trần Văn Minh đã giao sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh để làm dự án khu phức hợp thương mại - dịch vụ. Chính quyền hoàn tất thủ tục chuyển nhượng gần 6 ha đất một năm sau đó, thu về ngân sách khoảng 1.400 tỷ đồng. Giá đất được tính là 24,3 triệu đồng/m2.
Thành phố Đà Nẵng cũng chi tiền giải tỏa đền bù vệt dân cư trên đường Lê Duẩn, Hùng Vương và Ngô Gia Tự tiếp giáp với sân vận động để giao đất cho dự án.
Tuy nhiên, chủ đầu tư đã "xẻ thịt" sân vận động Chi Lăng thành 14 dự án để thế chấp ngân hàng. Tháng 7/2014, ông Phạm Công Danh bị bắt để điều tra về nhiều tội danh. Sân vận động Chi Lăng trở thành tài sản liên quan vụ đại án.
Tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ có văn bản giao các sở Tư pháp, Tài nguyên Môi trường, Xây dựng nghiên cứu và đề xuất phương án để thu hồi sân vận động Chi Lăng, phục vụ mục đích chung của thành phố.
Đà Nẵng đã tính đến việc sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền sử dụng đất mà Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh đã nộp vào ngân sách thành phố, có tính lãi suất theo lãi ngân hàng tại thời điểm thanh toán thực tế. Tuy nhiên, theo bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng, qua hai cấp xét xử, về nguyên tắc bản án (gồm cả nội dung liên quan đến sân vận động Chi Lăng) đã có hiệu lực pháp luật nên tất cả các cơ quan, ban ngành phải tôn trọng, thực hiện đúng quy định. "Thành phố đã giao đơn vị chức năng nghiên cứu, tham mưu phương án phù hợp", bà Hoa thông tin.
Cũng trong một năm qua, quá trình rà soát các dự án trên địa bàn, chính quyền thành phố phát hiện ra nhiều dự án "ma" và lên kế hoạch thu hồi. Tại kỳ họp HĐND thành phố tháng 7 vừa qua, Đà Nẵng đề xuất số tiền 5.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để thu hồi 7 dự án lớn trên địa bàn. Tuy nhiên ba dự án liên quan đến Vũ "Nhôm" sau đó được đưa ra khỏi danh sách vì cần dựa trên cơ sở quy hoạch điều chỉnh có hiệu lực pháp lý.
Liên quan đến kết luận về thanh tra đất đai ở Đà Nẵng (năm 2013), ông Huỳnh Đức Thơ nói địa phương này đã nỗ lực khắc phục các sai phạm, đến cuối năm 2017 đã truy thu được hơn 402 tỷ đồng (trong tổng số hơn 2.353 tỷ đồng) mà Thanh tra Chính phủ kết luận phải thu về ngân sách thành phố; cấp đổi sổ từ đất lâu dài sang có thời hạn cho khoảng 60 trường hợp.
Mặc dù có những vướng mắc cần ý kiến của cấp có thẩm quyền, tuy nhiên theo ông Thơ, "Đà Nẵng tiếp tục triển khai công việc liên quan đến kết luận này".
Theo ông Nguyễn Trí Tổng, sự thành công của APEC 2017, trong đó có phần đóng góp từ nỗ lực của chính quyền và người dân thành phố Đà Nẵng đã "tiếp thêm tự tin" cho địa phương này.
"Cùng với Trung ương xử lý tốt các tồn tại trước đây, trong đó có việc thanh tra đất đai, giảm mật độ xây dựng trên bán đảo Sơn Trà, tôi nghĩ Đà Nẵng sẽ vẫn giữ được thương hiệu của mình", ông nói.
Bình luận