• Zalo

Đà Nẵng dẹp tình trạng loạn các ban chỉ đạo

Thời sựChủ Nhật, 05/04/2015 08:15:00 +07:00Google News

Việc lãnh đạo TP Đà Nẵng chủ trương giải tán khoảng 70-80 ban chỉ đạo hoạt động không hiệu quả được dư luận hoan nghênh, ủng hộ

Việc lãnh đạo TP Đà Nẵng chủ trương giải tán khoảng 70-80 ban chỉ đạo hoạt động không hiệu quả được dư luận hoan nghênh, ủng hộ.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng, cho biết hiện TP này có trên 100 ban chỉ đạo (BCĐ) được thành lập nhưng hiệu quả điều hành công việc thấp. Công việc của các BCĐ thường chồng lấn với chức năng của các sở - ngành.

Khó mấy cũng phải dẹp


Theo ông Trần Thọ, sự tồn tại của quá nhiều BCĐ khiến bộ máy tổ chức phình to, tốn kém, hội họp mất thời gian, gây lãng phí. Họp hành nhiều thì sẽ không có thời gian để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân. Hơn nữa, BCĐ thường có nhiều ban, ngành tham gia nhưng khi xảy ra vụ việc gì lại không có người chịu trách nhiệm chính.
 Theo Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Trần Thọ (bên phải), họp hành nhiều thì sẽ không có thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Ông Thọ cho biết đã chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy TP Đà Nẵng và Sở Nội vụ triển khai kiểm tra, rà soát tất cả BCĐ trên địa bàn, sắp tới sẽ giải tán ít nhất 70-80 BCĐ hoạt động không hiệu quả. Công việc của các BCĐ sau khi giải tán sẽ đưa về các sở - ngành chức năng giải quyết.

“Trong quá trình giải quyết công việc, chuyện gì cần xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên thì làm việc với cấp trên, chuyện nào cần phối hợp với các sở - ngành thì liên hệ sở - ngành. Cái gì cũng vậy, đẻ ra thì dễ, dẹp lại khó nhưng khó mấy vẫn giải quyết cho được vì lợi ích chung” - ông Thọ khẳng định.

Sau khi biết được chủ trương của lãnh đạo Đà Nẵng, nhiều người dân TP đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ. Ông Nguyễn Tấn Trung - ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng - cho rằng thời gian qua, có rất nhiều BCĐ được lập ra, như BCĐ phòng chống dịch cúm gia cầm. “BCĐ này có nhiều đơn vị tham gia, như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế...

Khi dịch cúm xảy ra, cán bộ các sở này đương nhiên phải vào cuộc xử lý công việc. Vì vậy, công việc sở này lại chồng lên công việc sở khác, nên khi xảy ra sự cố thì không ai đứng ra chịu trách nhiệm về mình. Tôi ủng hộ chủ trương giải tán các BCĐ không cần thiết của Thành ủy Đà Nẵng. Cần phải dẹp gấp để đỡ mất thời gian cũng như tiền bạc nhà nước”.


Bà Trần Thị Hạnh - ngụ quận Thanh Khê,  TP Đà Nẵng - cũng cho rằng giải tán các BCĐ hoạt động không hiệu quả là đúng. “Đà Nẵng phải mạnh dạn làm, bởi cái gì có lợi cho nước, cho dân thì cứ quyết tâm làm, đừng chần chừ gì nữa. Giải tán các BCĐ để các lãnh đạo sở - ngành đỡ phải hội họp và có thời gian vi hành để hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân thì tốt hơn nhiều” - bà Hạnh nêu nguyện vọng.

Phát huy trách nhiệm người đứng đầu

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Đình Hồng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cho biết bên khối Đảng chỉ có 9 BCĐ, còn khối chính quyền mới nhiều.

Hiện nay, Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng đã có thống kê các BCĐ nhưng thường trực chưa họp nên chưa báo báo. Ông Hồng cho biết sắp tới, phần lớn các BCĐ sẽ được ông đề xuất giải tán, đưa về các cơ quan trách nhiệm. Tuy nhiên, một số BCĐ quan trọng, cần thiết thì phải giữ lại.

Về các BCĐ thuộc chính quyền, ông Võ Công Chánh, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho biết sở đang tiến hành rà soát để trình Thường trực Thành ủy ra quyết định giải tán, sáp nhập lại cho phù hợp với thực tiễn. Theo ông Chánh, hiện Đà Nẵng có 104 tổ chức phối hợp liên ngành. Trong đó, 58 tổ chức được thành lập theo quy định của trung ương và 46 tổ chức thành lập theo yêu cầu của TP Đà Nẵng. Xét theo hình thức hoạt động thì có 81 BCĐ, 21 hội đồng và 2 tổ chức.

Ông Chánh cho rằng qua nghiên cứu rà soát sơ bộ cho thấy nhiều BCĐ hoạt động không hiệu quả, chồng chéo nhau, hội họp làm mất thời gian nên cần sắp xếp lại cho hợp lý. Mục tiêu là nhằm phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP; nâng cao hiệu quả hoạt động của các BCĐ; giảm số lượng tổ chức liên ngành một cách hợp lý và giảm các cuộc họp hành...

Giảm hàng trăm cuộc họp

Thực tế ở Đà Nẵng, trung bình mỗi năm một BCĐ tổ chức 2 cuộc họp. Như vậy, nếu giải tán 70-80 BCĐ thì sẽ bớt đi 140-160 cuộc họp. Đặc biệt, việc giải tán các BCĐ sẽ khắc phục được vấn đề chồng chéo phạm vi nhiệm vụ giữa các tổ chức liên ngành, góp phần thực hiện cải cách công vụ theo hướng chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và hiệu quả, qua đó giảm kinh phí hoạt động.

“Sở Nội vụ sẽ đề xuất giải tán, sáp nhập khoảng 70 BCĐ, hội đồng, tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng” - ông Võ Công Chánh cho biết.

Nguồn: Hoàng Dũng - Kim Ngân(Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn