• Zalo

Đà Nẵng cấm Uber, Grab, TS.Nguyễn Đức Thành: 'Tôi ngạc nhiên vì cách hành xử này...'

Kinh tếThứ Ba, 12/09/2017 15:00:00 +07:00Google News

Chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Đức Thành nói: "Tôi rất ngạc nhiên trước phản ứng của chính quyền Đà Nẵng đối với loại hình mới này...''.

''Phép thử'' đối với Chính phủ kiến tạo

Tại buổi tọa đàm “Chính sách quy hoạch giao thông đô thị trong kỷ nguyên số, góc nhìn của các nhà kinh tế” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức mới đây tại Hà Nội, TS.Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có cái nhìn nhiều chiều và khách quan hơn đối với hoạt động của Uber, Grab.

Video: TS.Nguyễn Đức Thành: Người Việt khép lại giấc mơ được mua ô tô giá rẻ

“Trước đây, taxi được coi là loại hình tiện lợi nhất, nhưng nhờ công nghệ có khả năng cho phép làm hợp đồng nhanh nhất, đó là hợp đồng điện tử và Uber, Grab đã đi đầu trong lĩnh vực này. Uber và Grab cung cấp thêm lựa chọn mới, đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Loại hình dịch vụ này cũng rẻ hơn taxi vì nó đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, giúp giảm chi phí”, TS.Nguyễn Đức Thành nói.

TS.Nguyễn Đức Thành cho biết, sau khi Uber, Grab có mặt tại Việt Nam thì tại các thành phố lớn của Việt Nam, đang xuất hiện xu thế đưa ra các quy hoạch hay chính sách mang tính phản ứng đối với các hiện tượng mới này. Trong đó, có quan điểm như cấm hoạt động, hạn chế số lượng (cấp hạn ngạch) đối với xe ứng dụng công nghệ này.

vepr

Các chuyên gia kinh tế nhận định: Thái độ ứng xử đối với loại hình kinh doanh mới của Uber, Grab chính là "phép thử" đối với Chính phủ kiến tạo. 

Nhiều người băn khoăn làm sao quản lý loại hình Uber, Grab hiệu quả, công bằng, các chuyên gia đề xuất những nhà quản lý, hoạch định chính sách cần có cái nhìn khách quan và đa chiều về vấn đề này, đảm bảo sự công bằng khách quan và yếu tố thị trường.

“Nguồn gốc của sự phát triển đến từ việc tối ưu hóa chi phí, chứ không phải bán phá giá hay nhận trợ giá. Nhờ giao dịch tốt hơn nên việc vận chuyển hiệu quả hơn, cùng phương tiện nhưng chở được nhiều người hơn, đó cũng là bản chất mà nhiều doanh nghiệp đang hướng tới, làm cách nào để tận dụng hiệu quả nguồn lực”, TS.Nguyễn Đức Thành nói.

Theo TS.Nguyễn Đức Thành, thái độ ứng xử của cơ quan chức năng đối với hoạt động của loại hình Uber, Grab cũng đồng thời là sự thể hiện thái độ đối với việc chấp nhận cái mới trong vận hành nền kinh tế.

“Tôi cho rằng, đây chính là một phép thử đối với Chính phủ kiến tạo hiện nay. Thái độ của Chính phủ đối với Uber, Grab cũng sẽ thể hiện thái độ của Chính phủ trong điều hành kinh tế có dám chấp nhận cái mới hay không”, TS.Thành nói.

Đà Nẵng không nên làm xấu hình ảnh của mình

TS.Nguyễn Đức Thành cho biết, ông rất ngạc nhiên trước sự phản ứng gay gắt của một số địa phương đối với Uber và Grab trong thời gian vừa qua.

“Việc các địa phương cần làm là phải rà soát lại các hãng taxi truyền thống, chứ không phải là Uber, Grab. Việc TP Đà Nẵng phản ứng gay gắt đối với Uber, Grab trong thời gian qua là một hiện tượng đặc biệt. Tôi đặt câu hỏi liệu việc này có xuất phát từ lợi ích nhóm hay không?”, TS.Thành nói.

TS.Nguyễn Đức Thành nhận xét: “Tôi rất ngạc nhiên trước phản ứng của chính quyền Đà Nẵng đối với loại hình mới này. TP Đà Nẵng còn cho người cải trang để đi xe ô tô, tìm bắt những lái xe Uber, Grab, rất lạ lùng. Tôi được biết hiện nay, có những vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà nước vẫn đi làm bằng xe Uber, Grab và họ nói rằng dịch vụ này rất tiện lợi và hiệu quả. Thực tế thì những người lái xe Uber, Grab cũng chỉ là tận dụng nguồn lực nhàn rỗi thôi”.

“Trên thế giới, Uber, Grab đã được công nhận và hoạt động ở nhiều nước. Ngay trong một số hiệp định FTAs song phương và cả TPP cũng công nhận loại hình này.

Sắp tới, Hội nghị cấp cao APEC sẽ diễn ra ở Việt Nam mà Đà Nẵng là thành phố đăng cai tổ chức. Tôi cho rằng, Đà Nẵng cần phải thay đổi chính sách kinh tế sao cho phù hợp, không nên làm xấu đi hình ảnh của mình trong mắt bạn bè quốc tế. Trước thềm Hội nghị APEC, Đà Nẵng không nên tự làm xấu mình”, TS.Thành nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS.Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, đối với vấn đề Uber, Grab, quan điểm quản lý nhà nước cần hạn chế đúng chỗ, chứ không nên “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”. Đồng thời, nên cởi bỏ bớt những quy định, điều kiện, cho phép tự do hóa vận tải taxi để các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, tuy nhiên quy định an toàn cần đảm bảo.

“Xu hướng chung là nền kinh tế chia sẻ nhưng hiện ở Việt Nam còn nhiều điều kiện kinh doanh không đáng có, cản trở tư duy đổi mới sáng tạo.

Nền kinh tế chia sẻ đòi hỏi cách thức quản lý, khai thác nguồn lực mới để tận dụng tối đa trong khi chúng ta quản lý cơ học về mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, đây là rào cản cần sửa đổi để tự do sáng tạo, thử nghiệm mô hình kinh doanh mới để nền kinh tế chia sẻ phát triển được ở Việt Nam”, TS.Vinh nói.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn