Theo số liệu mới công bố tại Kỳ họp chuyên đề HĐND TP Đà Nẵng tháng 10/2023, thành phố hiện còn hàng trăm khu đất lớn, hàng chục nghìn lô đất tái định cư (TĐC) để trống, gây lãng phí nguồn lực đất đai, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, nhiều dự án mới triển khai lại thiếu quỹ đất bố trí TĐC.
Nghịch lý thừa - thiếu đất tái định cư
Qua rà soát, Đà Nẵng hiện còn 14.286 lô đất TĐC để trống, chưa sử dụng. Tuy nhiên, nhiều khu vực triển khai dự án mới lại thiếu quỹ đất xây dựng khu TĐC phục vụ giải tỏa.
Theo ông Phạm Nam Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Đà Nẵng, tổng quỹ đất TĐC theo quy hoạch 318 dự án trên địa bàn Đà Nẵng là 131.438 lô. Tháng 8/2023, thành phố giao ngành TN-MT rà soát lại hiệu quả sử dụng đất với toàn bộ quỹ đất TĐC.
Về nguyên tắc, giải tỏa ở đâu thì bố trí TĐC tại đó. Tuy nhiên, quá trình giải tỏa thực hiện các dự án, có thực tế là nơi có dự án thì không có quỹ đất TĐC hoặc chưa có đất thực, nơi đã hoàn thành dự án thì còn quỹ đất TĐC.
Vì vậy, để giải bài toán thừa - thiếu cục bộ đất TĐC, Đà Nẵng đã cho chủ trương điều chỉnh nhận đất TĐC từ huyện Hòa Vang về quận Cẩm Lệ tại một số dự án như Dự án đường ĐH2, Dự án đường vành đai phía Tây.
Theo ông Sơn, với chính sách này, thành phố áp dụng cụ thể cho từng trường hợp trên cơ sở đề xuất của hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện. “Giải pháp để triển khai là quận, huyện công khai quỹ đất TĐC để người dân có thể lựa chọn TĐC tại chỗ hoặc vị trí hoán đổi”, ông Sơn cho biết.
Vấn đề này, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, những dự án mới, đặc biệt như Dự án mở rộng QL14B không có quỹ đất TĐC tại chỗ, phải tính toán sử dụng nguồn đất trên địa bàn huyện Hòa Vang nhưng hiện nay Hòa Vang cũng đang thiếu.
“Vì vậy, vừa qua các sở làm việc với Hòa Vang lên phương án cụ thể về TĐC cho Dự án QL14B. Từng người một sẽ TĐC ở đâu, tại chỗ hay xuống Cẩm Lệ. Có như vậy mới giải quyết được bài toán này. Chưa kể, sắp tới triển khai Dự án mở rộng cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan, nhu cầu đất TĐC cũng lớn”, ông Chinh nêu.
Trong khi đó, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, đề nghị nghiên cứu, sớm ban hành quy định xác định hệ số mặt cắt đường khi người dân có nhu cầu chuyển địa điểm bố trí TĐC (chuyển đổi từ lô đất tại đường mặt cắt khác nhau cũng như chuyển đổi vị trí đất ở các quận, huyện) để sử dụng hiệu quả quỹ đất TĐC đã có thực tế nhưng chưa bố trí.
“Phải nghiên cứu phương án hoán đổi để sử dụng hiệu quả quỹ đất TĐC, đảm bảo không để dôi dư chỗ này, thiếu thốn chỗ kia. Làm sao phải đưa thành phương thức chung chứ không phải riêng cho từng dự án, vì liên quan tới từng dự án riêng lẻ phải xin ý kiến, rồi tư vấn, đấu giá, đấu thầu… chắc không ai muốn tham gia”, ông Triết cho biết.
Đấu giá khai thác tạm thì 10 năm chưa xong
Trước thực trạng hàng loạt lô đất trống trong khu dân cư để hoang nhiều năm gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị hiện vẫn chưa được quản lý, khai thác hiệu quả, ông Phạm Nam Sơn cho biết, sắp tới sẽ đề xuất thành phố phương án quản lý, khai thác quỹ đất TĐC.
Cụ thể, đất TĐC ở địa phương nào thì giao về địa phương đó thay vì để hết ở Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố. Các quận, huyện được giao quản lý, khi nào sử dụng phải có phương án cụ thể.
“Địa phương có thể đề xuất phương án sử dụng các lô đất này để phục vụ TĐC cho dự án giải tỏa trên địa bàn hoặc đề xuất phương án đấu giá tạo nguồn thu, phát triển dịch vụ thương mại. Nếu khu vực đó khó đấu giá thì đề xuất khai thác tạm (đấu giá quyền khai thác tạm) nhưng đồng thời đảm bảo hai yếu tố về an ninh trật tự và môi trường”, ông Sơn nêu phương án.
Cụ thể, với 324 khu đất lớn để trống, trong năm 2023 thành phố đã có kế hoạch đấu giá khai thác tạm 31 khu, trong đó đã trình phương án giá 5 khu. Qua đấu giá thí điểm 3 khu gồm Khu đất số 1 đường Trương Chí Cương (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu),
Khu A-13 khu cuối tuyến Bạch Đằng Đông (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) và Khu đất 5.2 Khu dân cư An Cư 5 (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) thì có 2 khu đất lớn đã đấu giá thành công.
“Đấu giá khai thác tạm các khu đất mang lại nhiều lợi ích như đảm bảo cảnh quan môi trường, quản lý và thu được nguồn lực tạm thời ban đầu cũng như tạo căn cứ, cơ sở để xác định mức giá triển khai cho các khu đất lân cận, tạo thành chuỗi dịch vụ kích thích phát triển khu vực”, ông Sơn đánh giá.
Tuy nhiên, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP cho rằng, hiện trong khu dân cư có rất nhiều lô đất trống để hoang cả chục năm nhưng không ai tới nhận.
“Người dân muốn mượn sử dụng tạm để trồng cây cảnh chẳng hạn, khi cần thì trả lại nhưng cũng chẳng biết của ai, mượn ai”, ông Triết nói và cho biết thêm cần phải có giải pháp xử lý chứ đấu giá khai thác tạm, cả thành phố hàng chục nghìn lô, chờ đấu giá thì 10 năm nữa cũng chưa đưa vào sử dụng được.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng gợi mở giải pháp là thành phố ban hành hướng dẫn khung, từ đó các quận, huyện có căn cứ pháp lý để trực tiếp quản lý, sử dụng. Trong đó, việc sử dụng tạm làm công viên, bãi đỗ xe, vườn dạo cũng rất cần thiết và nên xem xét.
Bình luận