Nơi đây được kỳ vọng là vùng đất “lành” cho HTX, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần hình thành chuỗi giá trị nông sản gắn với chế biến nông sản, tạo động lực cho “thủ phủ” nông nghiệp công nghệ cao cất cánh.
Kinh tế tập thể giữ vai trò tiên phong
Trước đây, bà con ở TP Đà Lạt chủ yếu trồng rau theo phương thức truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, năng suất kém, chất lượng thấp, vì thế, cứ “đến hẹn lại lên” nông sản lại rơi vào điệp khúc “được mùa, mất giá”, thậm chí bị thua lỗ nặng nề.
Năm 2003, với mong muốn mở ra hướng đi mới cho người dân trồng rau, ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX đã thành lập HTX Dịch vụ Tổng hợp Anh Đào (phường 8) với 7 thành viên và 12ha đất. Đến nay, HTX đã tăng lên 22 thành viên và 100 hộ liên kết sản xuất với diện tích 270ha đất, trong đó có 127ha rau của thành viên đã được chứng nhận VietGAP.
“Tính trên 1.000 m2, vốn đầu tư cho nhà lưới và hệ thống tưới tự động khoảng 30 triệu đồng, còn lại chi phí đầu tư ban đầu giữa trồng rau theo kinh nghiệm truyền thống và ứng dụng công nghệ cao là ngang nhau. Tuy nhiên, năng suất rau trồng theo kiểu truyền thống chỉ đạt 1,5-1,8 tấn/vụ, mỗi năm làm được 3 vụ thì, rau ứng dụng công nghệ cao sẽ đạt từ 2-2,2 tấn/vụ, mỗi năm làm được ít nhất 6 vụ”, ông Thừa chia sẻ.
Bên cạnh đó, rau ứng dụng công nghệ cao còn đảm bảo các tiêu chí rau an toàn, vì lẽ đó từ năm 2003 thành lập HTX đến nay, có hàng chục doanh nghiệp đến tìm hiểu việc sản xuất rau và bao tiêu sản phẩm với giá bán cũng cao hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg, từ đó, lợi nhuận của người trồng rau cao hơn.
Để tiếp cận thị trường, từ năm 2012 HTX Anh Đào đã bắt đầu sử dụng nhãn hiệu “Anh Đào” độc quyền trên các sản phẩm. Do có thể truy xuất được nguồn gốc nên sức tiêu thụ mặt hàng rau của HTX lên đến hơn 110.000 tấn mỗi năm, doanh thu năm 2021 ước tính đạt hơn 100 tỷ đồng.
Sự thành công của mô hình kinh tế tập thể nhìn thấy rõ khi các thành viên HTX Anh Đào được trả lãi đúng hẹn và 100% trả được gốc sau từ 3-5 năm.
Sau 18 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay 70 chủng loại rau VietGAP mang thương hiệu Anh Đào đã có mặt trên toàn quốc, trong hệ thống các siêu thị Metro, Co.opmart, Maximark…
Cùng lựa chọn hướng đi với HTX Anh Đào, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Tiến (phường 12) đã không ngừng nỗ lực phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ kỹ thuật, tìm đầu ra ổn định cho các thành viên và hộ liên kết.
Có dịp thăm khu vườn công nghệ cao của HTX, chúng tôi không chỉ ấn tượng bởi những dãy nhà kính rợp trời mà còn choáng ngợp bởi 40 ha rau xanh mướt, san sát nhau.
Hiện nay, HTX có đến 60% diện tích ứng dụng công nghệ cao. Hầu hết diện tích đất nông nghiệp của HTX đều được sản xuất trong nhà kính, nhà lưới và được áp dụng cơ giới hóa từ các khâu làm đất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm.
“Cũng nhờ sản xuất theo hướng công nghệ cao, nhiều thành viên đã có mức thu nhập 1 tỷ đồng/năm, các hộ dân liên kết sản xuất theo mùa vụ cũng đạt 200 triệu đồng/ha/năm, ước tính doanh thu bình quân trên 1ha rau lên tới 500 triệu đồng/năm”, Ông Mai Văn Khẩn, Giám đốc HTX Tân Tiến cho hay.
Nhằm hỗ trợ nông dân tối đa, HTX đã liên kết với các công ty cung ứng vật tư nông nghiệp, mua được với giá thấp hơn 10 – 15% so với giá thị trường; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các công ty và HTX khác như Công ty TNHH Thảo Mộc, HTX Anh Đào,…
Mặc dù, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến thị trường tiêu thụ nông sản của các HTX TP Đà Lạt. Tuy nhiên, với những bước đi đúng đắn, HTX Tân Tiến vẫn “sống khỏe” cung cấp ra thị trường với sản lượng 13.000 tấn rau, củ, đạt doanh thu năm dự kiến năm 2021 hơn 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 350 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5,5 – 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Sẵn sàng gia tăng hàm lượng công nghệ
Nằm trên cao nguyên Lâm Viên, thuộc vùng Tây Nguyên, nhờ lợi thế về điều kiện tự nhiên, TP Đà Lạt đã có bước phát triển đột phá về năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm rau, hoa... Sản phẩm không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn vươn ra thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng Phòng Kinh tế cho biết, để TP Đà Lạt xứng đáng với sự kỳ vọng là mảnh đất lành cho kinh tế tập thể, HTX, doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao, phát triển ngành nông nghiệp Lâm Đồng bền vững, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Theo đó, TP Đà Lạt xác định doanh nghiệp là nòng cốt, kinh tế tập thể là trung tâm, nông dân là chủ thể trong chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Mục tiêu đến năm 2025, ngành Nông nghiệp thành phố Đà Lạt tiếp tục xác định những nhóm giải pháp mới để tăng tốc, sẵn sàng gia tăng hàm lượng công nghệ đột phá khoảng 8.500 ha diện tích ứng dụng công nghệ cao, chiếm tỷ lệ 85% trên tổng diện tích đất canh tác, đạt giá trị thu hoạch sản phẩm bình quân 500 triệu đồng/ha/năm...
Cùng với đó, giải pháp xuyên suốt của ngành nông nghiệp Đà Lạt là cơ cấu lại sản xuất theo hướng toàn diện, bền vững, hiện đại theo quy hoạch, từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo quy hoạch.
Cụ thể giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp Đà Lạt tập trung 5 chương trình, dự án công nghệ sinh học lai tạo, nuôi cấy giống cây trồng mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, quảng bá, phát triển thương hiệu và xúc tiến thương mại; nhân rộng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; hình thành 2 trung tâm sau thu hoạch gắn với dịch vụ sơ chế, bảo quản nông sản chủ lực tại các vùng chuyên canh rau, hoa, chè, cà phê.
“Bên cạnh đó, phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trở thành thương hiệu mạnh trong nước, đồng thời đăng ký bảo hộ đối với các thị trường nước ngoài tiềm năng. Và cũng phấn đấu đến năm 2025, toàn thành phố Đà Lạt đạt tỷ lệ 80% sản lượng nông sản được tiêu thụ thông qua hợp đồng với 20 - 25 mô hình chuỗi liên kết doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân”, Trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt thông tin.
Bình luận