Nhiều trường có điểm sàn xét tuyển quá thấp
Nhiều trường đại học ở các tỉnh công bố điểm sàn dựa trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2019 chỉ từ 12 đến 13 điểm cho 3 môn thuộc các tổ hợp xét tuyển, bao gồm cả điểm ưu tiên.
Điển hình, Đại học Bạc Liêu thông báo nhận hồ sơ từ 13 điểm trở lên với tất cả ngành không thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên. Đại học Cửu Long có tới 19 ngành lấy điểm sàn mức 12,5 điểm (tổng điểm 3 môn gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng).
Tương tự, cả 9 ngành của phân hiệu tại Kon Tum của Đại học Đà Nẵng cũng lấy điểm sàn các ngành ở mức 12,5. Tất cả các ngành của Trường Đại học Nông lâm và Trường Đại học khoa học (Đại học Thái Nguyên) đều xét 13 điểm theo kết quả thi.
Đại học Xây dựng miền Tây cũng xác định điểm tối thiểu nhận hồ sơ ở mức 13 điểm cho 7 ngành. Nhiều ngành của Đại học Quảng Nam cũng lấy mức sàn là 13 điểm...
Như vậy, điểm sàn xét tuyển các trường trên chỉ 12-13 điểm/3 môn, nếu trừ điểm ưu tiên tối đa theo quy định năm nay là 2,75 điểm (điểm ưu tiên đối tượng tối đa 2 điểm và ưu tiên khu vực tối đa 0,75 điểm) thì thí sinh chỉ cần đạt 9,25 điểm cho 3 môn là có cơ hội xét tuyển đại học.
Một số trường tăng điểm sàn
Tính đến thời điểm hiện tại, một số trường điều chỉnh mức điểm xét tuyển theo chiều hướng tăng lên, sau khi báo chí và dư luận lên tiếng về chất lượng đầu vào cũng như uy tín của các trường khi lấy điểm đầu vào quá thấp.
Trong đó, điểm sàn của Đại học Đồng Tháp trên trang web của trường từ 13,5 điểm trước đó được nâng lên 14 với các ngành ngoài sư phạm.
Tương tự, Đại học Phú Yên cũng thay đổi mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển điểm sàn các ngành là 13 điểm (trừ các ngành đào tạo sư phạm) lên thành 14 điểm.
Đại học Đà Nẵng cũng điều chỉnh điểm nhận đăng ký xét tuyển vào Phân hiệu tại Kon Tum là 14 điểm đối với tất cả các ngành, riêng ngành giáo dục tiểu học là 18 điểm.
Lý do được lãnh đạo các trường đưa ra là chất lượng đầu vào sẽ không đảm bảo nếu đưa ra mức điểm sàn quá thấp.
"Khi nhà trường xem xét mức điểm của năm nay, ví dụ với mức điểm 14, trường có thể tuyển được 500 thí sinh, việc để ngưỡng 13 cũng không tuyển được nhiều hơn bao nhiêu, lại ảnh hưởng chất lượng đầu vào. Do đó, trưa 24/7, nhà trường quyết định thay đổi điểm sàn các ngành ngoài sư phạm", TS Trần Lăng - Phó hiệu trưởng Đại học Phú Yên trả lời Zing.
Chia sẻ về nguyên nhân điểm sàn thấp, trả lời Zing, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Đại học Đồng Tháp cho hay, nhiều năm nay, trường gặp khó khăn về nguồn tuyển. Theo ông Đệ, đây là vấn đề chung của nhiều trường đại học ở các tỉnh, không riêng gì Đại học Đồng Tháp.
Năm 2017, trường chỉ tuyển được 41% chỉ tiêu. Con số này ở năm 2018 khoảng 39-40%.
Điểm sàn thấp là thừa nhận vị trí kém?
VOV mới đây dẫn lời TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, không phải tất cả những trường lấy điểm sàn thấp đều là những trường kém chất lượng. Nhưng mặt khác, chúng ta phải xác định giáo dục đại học là giáo dục bậc cao, dù trong hoàn cảnh nào thì các trường cũng không nên đánh đổi chất lượng để lấy số lượng nguồn tuyển.
Theo quy định, điểm sàn của các trường do các trường tự chủ quyết định nhưng phải đưa vào đề án tuyển sinh và công khai trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ để thanh kiểm tra và xã hội giám sát. Các thông tin này cũng phải khai báo trên trang nghiệp vụ tuyển sinh để phần mềm theo dõi, lọc các thí sinh không đủ điểm sàn ra khỏi nguồn xét tuyển của các trường.
Theo bà Phụng, điểm sàn quá thấp cũng đồng nghĩa với việc các trường tự xác định vị thế chất lượng của mình trong hệ thống.
Tình trạng điểm sàn thấp xảy ra trong hai năm trở lại đây, kể từ khi Bộ GD&ĐT không quy định điểm sàn chung như trước đây, trừ ngành đặc thù là sư phạm và sức khỏe. Năm ngoái, lần đầu tiên được tự chủ xác định điểm sàn xét tuyển, một số trường đưa ra mức nhận hồ sơ khá thấp, chỉ 10 - 11 điểm, chênh lệch nhiều với sàn chung trước đó. Ngay sau đó, Bộ cảnh báo sẽ đưa ra chế tài nếu đưa sàn quá thấp và yêu cầu các trường điều chỉnh ngưỡng nhận hồ sơ.
Bình luận