(VTC News) - "Suốt 4 năm qua, có nhiều sự cố nảy sinh xoay quanh cuộc sống Hào Anh như bị nghi oan, được minh oan… Vậy đã bao lần Hào Anh được chăm sóc về mặt tinh thần?", chuyên gia tâm lý trăn trở.
Dư luận đang xôn xao thông tin Nguyễn Hoàng Anh (tên thường gọi Hào Anh, thường trú xóm 4, phường 8, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) có hành vi ngược đãi cha mẹ. Điều đáng nói, Hào Anh bắt đầu thay đổi tính cách, chửi bới cha mẹ, ăn chơi lêu lổng từ khi chính thức được cầm trong tay số tiền gần 900 triệu đồng mà các nhà hảo tâm đã cho trước đó.
Điều gì đã làm thay đổi tính cách cậu bé này, hay tâm lý Hào Anh bị ảnh hưởng bởi những vụ tra tấn dã man từ chủ trại tôm trước đây?
Điều gì đã làm thay đổi tính cách cậu bé này, hay tâm lý Hào Anh bị ảnh hưởng bởi những vụ tra tấn dã man từ chủ trại tôm trước đây?
PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn: 'Hào Anh có thể vẫn còn những rối nhiễu hành vi nhất định về mặt tinh thần hay tâm lý'. |
Tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Trưởng Bộ môn Tâm lý học, Khoa Tâm lý - giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP. HCM.
- Ông nhìn nhận như thế nào về vụ việc Hào Anh đuổi mẹ và cha dượng ra khỏi nhà mà dư luận đang bất bình mấy ngày nay?
Trước hết, phải nhận thấy hành vi đuổi cha mẹ ra khỏi nhà là việc rất đau lòng. Sự việc càng đáng buồn hơn khi chính Hào Anh đã từng bị bạo hành. Giờ cậu ta lại có hành vi ngược đãi cha mẹ mình.
Hào Anh nhận được “tổ ấm” từ cộng đồng và sở hữu nó riêng cho mình như trong cơn say với suy nghĩ mình là “ông chủ”.
- Theo ông những đứa trẻ bị bạo hành như Hào Anh khi lớn lên thường sẽ có những biểu hiện tiêu cực về tâm lý như thế nào?
Theo diễn tiến thông thường, Hào Anh có thể vẫn còn những rối nhiễu hành vi nhất định về mặt tinh thần hay tâm lý. Hơn nữa, suốt chặng đường hơn 4 năm từ khi Hào Anh được phát hiện bị bạo hành đến giờ, có nhiều sự cố nảy sinh xoay quanh cuộc sống: bị nghi oan, được minh oan… Vậy đã bao nhiều lần trong từng ấy năm, Hào Anh được chăm sóc về mặt tinh thần?
Đặc biệt, Hào Anh có được học tập để thay đổi nhận thức về cuộc sống, để trưởng thành đúng nghĩa, để sống nhân ái hay không… là câu hỏi lớn!
Việc trẻ em từng bị bạo hành sẽ dễ dàng có những hành vi có liên quan đến bạo hành trong cuộc sống sau này. Nguy cơ trẻ sẽ vào đời bằng sự tự ti, mặc cảm sẽ dễ đẩy trẻ trượt dài trên nhu cầu tự vệ. Trẻ dễ dẫn đến bảo thủ, nóng nảy, tự vệ quá đáng.
Có những trẻ sẽ mặc định việc bạo hành là điều nhất thiết phải xảy ra trong cuộc sống và đó cũng chỉ là một cách giải quyết mâu thuẫn mà không phải là điều gì đó khủng khiếp.
- Phải chăng việc giúp đỡ của cộng đồng chỉ đơn thuần về tiền bạc là chưa đủ và chưa đúng cách, thưa ông?
Trách nhiệm trả lời câu hỏi này thuộc về nhiều cá nhân và tổ chức. Nếu ai đã từng thương Hào Anh, sẽ tiếp tục lo cho Hào Anh, sẽ nhận ra trách nhiệm của mình trong đó.
Trách nhiệm này phần nhiều thuộc về gia đình, các trung tâm bảo trợ xã hội, các chuyên viên công tác xã hội và cả phường nơi Hào Anh ở.
Kế đến, chúng ta cũng dễ nhận thấy, Hào Anh được sự trợ giúp của xã hội – cộng đồng. Đây là một món quà lớn nhưng đồng thời đó cũng là một áp lực. Hào Anh bỗng dưng trở thành người sở hữu số tiền lớn mà không biết phải sử dụng thế nào cho đúng.
Hào Anh cũng không thoát khỏi cơn sóng của nhậu nhẹt, cơn lũ của sự giận dữ mà một số bạn trẻ vào đời sớm hay làm: say, nóng nảy, chửi bới, đập phá… Chuyện vừa xảy như kết quả thiếu thốn của sự chăm sóc về tinh thần.
Thực ra cộng đồng không có lỗi. Cũng không thể nói là không đúng cách. Tuy nhiên, đó là cộng đồng hiểu theo nghĩa hẹp là những người hay những tổ chức có lòng nhân ái đã giúp đỡ, tài trợ…Vấn đề còn lại là sự tổ chức, sự định hướng đường dài hay sự giám sát, kiểm tra và đây là chức năng của quản lý thuộc về trách nhiệm của người thân.
|
Ngay trong cuộc sống, sự giúp đỡ hay sự giải thoát về mặt tinh thần chưa đủ để một đứa trẻ từng bị bạo hành tự tin vào đời.
Trẻ cần lắm sự nâng đỡ về tinh thần cũng như xây dựng niềm tin. Đặc biệt, những “biểu tượng sai lệch” về cuộc sống đang tồn tại hoặc tái xuất có thể được điều chỉnh nhờ sự giúp sức của chuyên viên tham vấn.
Chuyên viên tham vấn có thể là những cử nhân, thạc sĩ tốt nghiệp từ nhiều chuyên ngành nhưng ưu tiên vẫn là ngành Tâm lý học, Tâm lý học giáo dục và Công tác xã hội… Họ có thể làm việc ở các tổ chức thuộc hành chính nhà nước (Sở Lao động thương binh – xã hội) hay các tổ chức thiện nguyện hoặc các đơn vị phi chính phủ.
Tiếc là chúng ta chưa có cái nhìn hệ thống cũng như bị chi phối bởi những khó khăn khác…
- Theo ông thì gia đình, chính quyền địa phương và cả xã hội cần có cách ứng xử thế nào đối với trường hợp của Hào Anh trong thời gian sắp tới?
Hào Anh đã là một chủ thể độc lập. Hào Anh cần chịu trách nhiệm về tất cả phát ngôn, hành vi của bản thân. Nhưng một lần nữa – dù chưa phải kết thúc, Hào Anh cần được nhìn nhận như một cá nhân dễ bị thương tổn.
Cha mẹ và cả chính quyền cần hết sức tinh tế, bình tĩnh, có những cách tiếp cận đảm bảo cho Hào Anh được định hướng hành vi, hướng đến sự tự điều chỉnh.
Tương lai của Hào Anh sẽ tốt hơn do chính bản thân Hào Anh quyết định. Nhưng rõ ràng sự tương tác xã hội, của chính quyền địa phương, sự khéo léo và của các cá nhân có trách nhiệm ở địa phương sẽ tác động đến Hào Anh.
Và cũng đừng quên, còn nhiều trường hợp Hào Anh khác để chúng ta cần hiểu về sự tác động mang tính lâu dài và phức tạp khi định hình hay uốn nắn một nhân cách.
Xin cảm ơn ông!
Sỹ Hưng(thực hiện)
Bình luận