RT dẫn lời Cựu Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO Harald Kujat cho rằng phương Tây đang miêu tả cuộc xung đột ở Ukraine như một cuộc đấu tranh vì tự do, nhưng lại muốn nhắm mắt làm ngơ trước những tổn thất khủng khiếp trên chiến trường của Kiev.
Trong một cuộc phỏng vấn với Alexander von Bismarck, hậu duệ của thủ tướng đầu tiên của Đức và cũng người dẫn chương trình Realpolitik, ông Kujat lập luận phương Tây đang cố gắng biện minh cho sự tham gia của mình vào xung đột bằng cách nhấn mạnh rằng họ hành động “để bảo vệ tự do và các giá trị chung”.
Tuy nhiên, “điều này là sai trái và không bình thường”, cựu quan chức này khẳng định. Ông cho biết thêm rằng chính sự thù địch từ phương Tây đã gây thiệt hại nặng nề cho Ukraine, một đất nước mà ông nói là không có gia đình nào không có người thiệt mạng hoặc bị thương. Trên hết, hàng triệu người đã phải rời bỏ quê hương.
Theo ông Kujat, phương Tây “hoàn toàn phớt lờ” thực tế này. “Chúng ta chỉ nói về những tổn thất được cho là của Nga. Nhưng chúng ta không nói về sự mất mát của những người được cho là đang chiến đấu vì chúng ta. Điều này cực kỳ gây hoài nghi" - ông phát biểu.
Chưa kể, phương Tây “thậm chí không cố gắng hạn chế thương vong và thiệt hại”, kéo dài cuộc xung đột bằng cách bơm vũ khí cho Ukraine. Theo lời cựu tướng Đức, điều này “kéo dài sự đau khổ của người dân, gia tăng sự tàn phá".
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, cho biết hồi đầu tháng Kiev đã mất hơn 111.000 quân chỉ riêng trong năm 2024. Vào cuối tháng 2, Bộ Quốc phòng Nga ước tính tổng thiệt hại của Ukraine lên tới hơn 444.000 quân nhân kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào năm 2022.
Nga nhiều lần tố cáo các chuyến hàng vũ khí của phương Tây tới Ukraine, cảnh báo việc này sẽ kéo dài tình trạng xung đột nhưng không thay đổi được kết quả. Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Moskva sẵn sàng đàm phán hòa bình về Ukraine, nhưng phương Tây ủng hộ Kiev, quyết định chiến đấu với Nga đến cùng.
Hồi tháng 3, ông Harald Kujat bày tỏ quan điểm các loại vũ khí của phương Tây, bao gồm tên lửa tầm xa Taurus của Đức, không đủ khả năng ngăn cản Nga đạt được các mục tiêu trong chiến dịch đặc biệt của mình.
"Chúng ta cần hiểu rõ không có loại vũ khí kỳ diệu nào, kể cả tên lửa tầm xa Taurus, có thể thay đổi cục diện chiến trường Ukraine và khiến Nga gặp khó khăn, không thể đạt được mục tiêu của họ. Không có hệ thống nào có thể làm được điều đó", Tướng Kujat nhận định.
Ông nhấn mạnh cần tránh cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho lực lượng vũ trang Ukraine vì Berlin sẽ không thể kiểm soát việc Kiev sử dụng chúng. Ông còn cảnh báo cuộc tấn công vào một số mục tiêu bằng loại tên lửa này có thể dẫn đến thảm họa quốc gia cho Đức.
Harald Kujat là một tướng Đức đã nghỉ hưu, từng giữ chức vụ Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Đức từ năm 2000 đến 2002 và là Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO từ năm 2002 đến năm 2005. Được biết đến với chuyên môn về chiến lược của mình, Kujat là một nhà bình luận có tiếng nói về quân sự và các vấn đề quốc phòng. Ông là một chuyên gia về chính sách quốc phòng của châu Âu và hoạt động của NATO.
Bình luận