• Zalo

Cứu sống người đàn ông hóc xương, ho mỗi lần ra hàng trăm ml máu

Sức khỏeThứ Sáu, 25/01/2019 20:34:00 +07:00Google News

Mảnh xương đâm sâu vào thành phế quản bệnh nhân gây chảy máu ồ ạt, ho ra máu nhiều lần, mỗi lần hàng trăm ml máu.

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa cấp cứu cho một trường hợp bệnh nhân nguy kịch do mắc dị vật đường thở.

Bệnh nhân là ông T.V.V. (64 tuổi, trú tại Hà Nội) nhập viện trong tình trạng ho ra máu số lượng lớn, sụt cân nghiêm trọng.

ho-ra-mau-set-danh-1828336 4

 

Qua khai thác tiền sử, ông V. bị viêm phổi đã nhiều năm. Trước đó, không ít lần ông này ho ra máu nhưng không rõ nguyên nhân. Gần đây, tình trạng này ngày càng trầm trọng hơn khi mỗi lần lên cơn ho, ông V. “hắt” ra cả 100ml máu. Quá lo sợ, gia đình vội vàng đưa ông tới Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám và điều trị.

Tại đây, ông V. được chẩn đoán suy hô hấp, ho ra máu nặng, ngừng tuần hoàn và áp xe thùy dưới phải do có dị vật.

Để điều trị, các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân an thần, thở máy, hút máu cục trong phổi, giải phóng lòng phế quản và nhanh chóng nội soi phế quản. Trong quá trình cấp cứu, bệnh nhân đột nhiên bị ngưng tuần hoàn, nhưng cũng kịp thời được các bác sĩ xử lý, cứu sống qua cơn nguy kịch.

Đối với trường hợp bệnh nhân này, các bác sĩ bệnh viện đã phải gấp rút hội chẩn toàn viện và đi đến quyết định: “Mổ cấp cứu nhanh cho bệnh nhân để khắc phục tình trạng ho ra máu sét đánh bằng phương pháp phẫu thuật cắt thùy dưới phổi phải.

Ca phẫu thuật được thực hiện ngay sau đó, lấy ra một mảnh xương sắc nhọn đâm thủng thành phế quản. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân ho ra máu nhiều lần không dứt. Đáng chú ý hơn, mảnh xương đã chuyển sang màu vàng sẫm do nằm trong lòng phế quản nhiều ngày.

kham lai cho benh nhan

 Bệnh nhân đang được khám lại trước khi xuất viện. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Thông tin về ca bệnh, GS. TS Ngô Quý Châu – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hô hấp cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ho ra máu “sét đánh”, X – Quang phổi tổn thương đám mờ thùy dưới phổi trái.

“Dị vật rơi vào đường thở từ rất lâu. Dị vật gây tắc nghẽn đường thở, khiến cho dịch tiết của phế quản bên dưới không thoát ra ngoài được dễ gây các mầm bệnh vi khuẩn, nấm, viêm phổi hay ho ra máu…

Với trường hợp ho ra máu sét đánh nặng như vậy có nguy cơ gây ngừng tuần hoàn và thiệt mạng rất cao. Nếu không được cấp cứu, can thiệp kịp thời, bệnh nhân sẽ không thể qua khỏi. May mắn là sau phẫu thuật, bệnh nhân dần hồi phục thể trạng và được xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh hoàn toàn”, GS Châu nói.

Từ trường hợp ca bệnh trên, Ths. BS Ngô Gia Khánh, Phụ trách khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra lời khuyến cáo đối với người dân cần tuyệt đối cẩn thận khi ăn uống, nhất là đối với những loại thức ăn có xương như: Gà, cá lợn hay các loại quả hạt nhỏ như: Hồng xiêm, mãng cầu, vú sữa, nhãn…

“Để tránh hóc dị vật, khi ăn người dân nên ăn chậm, nhai kĩ và không nên vừa ăn vừa nói chuyện hay cười nói.

Ngoài ra, nếu không may bị hóc dị vật, người dân cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được thăm khám và điều trị sớm nhất, tránh tự ý can thiệp hay cho tay vào xử lý dị vật khiến dị vật hóc sâu hơn, gây tổn thương thực quản và biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra", bác sĩ Khánh nói.

Video: Cách xử trí khi trẻ bị hóc dị vật

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn