Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) vừa cấp cứu thành công cho em H.G.B, học sinh một trường THCS tại khu vực Đồng Hới, bị bạn đâm thủng thận.
B. nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, da niêm mạc nhạt, đau ngực, vã mồ hôi, buồn nôn, đau bụng hạ sườn trái. Vết đâm thấu ngực khoảng 2cm khiến nam sinh bị chấn thương thận trái, xuyên tới đài thận, đồng thời lá lách cũng bị tổn thương.
“Bệnh nhân tiến triển nặng, huyết áp càng lúc càng thấp, diễn tiến sốc trụy mạch”, bác sĩ CKII Nguyễn Đức Hùng, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh nói.
Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa vào phòng can thiệp, thực hiện kỹ thuật nút mạch cầm máu dưới hướng dẫn Xquang số hóa xóa nền (DSA), kết hợp hồi sức tích cực.
20 phút sau can thiệp, các nhánh động mạch tổn thương chảy máu được nút mạch bằng vật liệu đặc biệt, huyết áp dần nâng lên. Hiện, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, mạch, huyết áp tốt, có thể tự ngồi dậy sinh hoạt.
Bác sĩ Hùng cho biết, trước đây với các tổn thương như vỡ lách, vỡ thận, chảy máu ồ ạt, nguy cơ tử vong cao, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt bỏ tạng, cầm máu. Còn hiện nay, với kỹ thuật nút mạch cầm máu giúp các bác sĩ phát hiện sớm tình trạng bất thường, từ đó hỗ trợ chẩn đoán và điều trị chính xác, can thiệp kịp thời, bảo tồn tạng tổn thương, không cần phải thực hiện phẫu thuật.
Cuối tháng 12/2023, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cũng tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân 90 tuổi được chẩn đoán bị xuất huyết tiêu hóa. Với bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền, nếu thực hiện phẫu thuật cầm máu hoặc phẫu thuật cắt bỏ tạng bị chảy máu thì nguy cơ xảy ra tai biến cao, tình trạng chảy máu của bệnh nhân có thể nghiêm trọng và phức tạp hơn. Do vậy, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng phương pháp nút mạch cầm máu cấp cứu.
Kỹ thuật này ít xâm lấn, thời gian thực hiện chỉ khoảng 45 phút, vết luồn dụng cụ can thiệp nhỏ chỉ như đầu kim nên không để lại sẹo, không gây chảy máu, sau can thiệp người bệnh hồi phục nhanh chóng.
Bình luận