Xuất phát từ hiềm khích phát sinh trong trận thi đấu bóng đá do nhà trường tổ chức ngày 11/12, sinh viên L.M.S. (18 tuổi, học năm thứ nhất một trường đại học tại TP.HCM) bị bạn học dùng dao nhọn đâm từ phía sau vào vùng cổ bên phải ngay sau trận đấu.
Nam sinh này được giáo viên và bạn học băng bó tạm thời rồi đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175, vết thương chảy máu rất nhiều.
Bệnh viện lập tức kích hoạt quy trình báo động đỏ (code red), các bác sỹ nhiều chuyên khoa nhanh chóng có mặt, nhận định bệnh nhân bị thủng mạch máu lớn vùng cổ, tình trạng chảy máu vẫn đang tiếp tục, tiên lượng nguy kịch.
Tiến sỹ, bác sỹ Tạ Vương Khoa, trưởng ê-kíp can thiệp, cho biết bệnh nhân bị thủng động mạch đốt sống, có nguy cơ đe doạ tính mạng do nguồn cung cấp máu lên thân não bị gián đoạn.
Đây là loại chấn thương ít gặp. Tại Mỹ, thống kê của Ngân hàng Dữ liệu Chấn thương Quốc gia từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2017 cho thấy, chấn thương động mạch đốt sống chỉ chiếm không đến 1% và chỉ 9% trong số này bị thủng động mạch do vết thương xuyên thấu (bởi dao, kéo, mảnh thuỷ tinh, hoả khí…) như bệnh nhân L.M.S.
Bản thân ê-kíp can thiệp mạch cũng chưa từng gặp tình huống tương tự, tra cứu y văn trong nước hầu như không tìm thấy dữ liệu.
Theo BS Khoa, việc điều trị thủng động mạch đốt sống do vết thương xuyên thấu rất khó khăn. Có hai phương pháp xử lý là phẫu thuật và can thiệp nội mạch.
Phẫu thuật xử lý một động mạch đốt sống đang chảy máu được xem là một trong những loại phẫu thuật phức tạp và nhiều thử thách nhất, kể cả đối với những phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm, đặc biệt khi vị trí thủng ở cao như trường hợp này.
Còn can thiệp nội mạch qua da là luồn dụng cụ trong lòng mạch máu đến vị trí động mạch đốt sống bị thủng, xử lý chỗ thủng bằng các vật liệu phù hợp. Đây là kỹ thuật "sinh sau đẻ muộn" nhưng đã nhanh chóng chứng minh ưu điểm so với phẫu thuật.
Vì vậy ê-kíp quyết định sử dụng phương pháp can thiệp nội mạch và đã xử lý thành công động mạch đốt sống bị thủng. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được các bác sĩ nhiều chuyên khoa theo dõi, thám sát kỹ lưỡng, xử lý hiệu quả các sang thương kết hợp.
Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và xuất viện. Thành công trong ca bệnh nặng hiếm gặp nêu trên là kết quả của chuỗi tiếp cận, xử lý chính xác ngay từ đầu của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Quân y 175.
Bình luận