Video: Cứu sống 2 trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ não
Bệnh nhân đầu tiên là ông Phan Văn Thông (59 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ông Thông bị đột quỵ khi đang nằm viện điều trị xuất huyết tiêu hóa.
Ông cho biết, khi đang ngồi ăn sáng đột nhiên có biểu hiện nói khó, yếu liệt một bên mặt, tê bì, mất cảm giác, hai chân và tay không thể cử động được... Nhận thấy đây là dấu hiệu của đột quỵ, ông thông báo tình trạng của mình ngay cho các bác sĩ. Nhờ đó, ông được cấp cứu kịp thời nên may mắn qua cơn nguy kịch.
“May mắn nhờ biết và cấp cứu sớm nên giờ tôi bình phục gần như hoàn toàn, đầu óc bình thường, nói chuyện tốt, không bị nói ngắn lưỡi và tê bì chân tay, sức khỏe, thể trạng đều hồi phục”, ông Thông nói.
Trường hợp thứ 2 là cụ bà 74 tuổi ở Hà Nội. Tại nhà riêng, người thân đột nhiên thấy cụ bà có biểu hiện mất dần ý thức, cử động chậm dần hôn mê. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô để cấp cứu điều trị với chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não cấp.
Tại bệnh viện, bệnh nhân ngay lập tức được đặt nội khí quản, thở máy, kết quả chụp CT cho thấy hình ảnh xuất huyết do vỡ phình mạch. Bệnh nhân được các bác sĩ cấp cứu và can thiệp nút phình mạch. Sau một thời gian điều trị nội trú, hiện bệnh nhân phục hồi nhiều, được rút ống nội khí quản, dự kiến sắp tới sẽ được tập phục hồi chức năng để sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Phương – Khoa Hồi sức tích cực, Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, bệnh nhân được cấp cứu sớm, áp dụng ngay phương pháp cấp cứu chính xác nên tính mạng được đảm bảo, thể trạng, sức khỏe cũng phục hồi nhanh hơn.
“Các bệnh nhân đều được cấp cứu trong khoảng thời điểm vàng, tức là trong vòng 6 giờ kể từ khi bắt đầu có dấu hiệu đột quỵ nên may mắn được cứu sống. Hơn nữa, mọi chức năng như vận động, ý thức đều được phục hồi nhanh hơn bình thường”, bác sĩ Phương nói.
Cũng theo bác sĩ Phương, đột quỵ hay các tổn thương não nếu không được can thiệp kịp thời, đúng phương pháp sẽ khiến các khối máu tụ ở trong não tăng lên, các mạch máu tắc nhiều hơn sau đó dẫn đến những di chứng như: liệt hoàn toàn một bên, nói khó, mất ý thức, bệnh nhân nằm liệt giường, sinh hoạt một chỗ, nặng hơn nữa là bệnh nhân có thể thiệt mạng nhanh chóng.
Thông thường để cấp cứu cho bệnh nhân như vậy, bác sĩ sẽ dùng 2 phương pháp chính đó là tiêu sợi huyết và nút phình động mạch. Đây là các phương pháp tiên tiến giúp giảm di chứng cho bệnh nhân, rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
Đặc biệt, với những phương pháp mới như hiện nay, bệnh nhân khi mắc các vấn đề về đột quỵ não sẽ có thời gian phục hồi nhanh hơn, thậm chí có thể khỏi hoàn toàn, đưa bệnh nhân trở lại sinh hoạt bình thường.
“Dựa vào tình trạng và thể trạng của bệnh nhân mà chúng tôi có thể áp dụng 1 hay 2 phương pháp tiêu sợi huyết hay hút huyết khối qua động mạch. Nếu phương pháp này đáp ứng kém, bệnh nhân sẽ được chỉ định áp dụng thêm phương pháp kia sao cho hiệu quả, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho người bệnh”, bác sĩ Phương nhấn mạnh.
Áp dụng công nghệ 4.0 trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ
Theo TS. BS Nguyễn Thế Anh - Phó Giám đốc, trưởng khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, đột quỵ là căn bệnh ngày càng gia tăng, nhất là ở các nước có tỉ lệ dân số là người cao tuổi đông. Thời gian qua, bệnh viện có đặc thù là điều trị cho nhiều bệnh nhân cao tuổi, có không ít các trường hợp bệnh nhân đột quỵ khi đang trong quá trình điều trị bệnh tại đây.
Do đó, để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân, TS. Thế Anh cho biết, bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật điều trị đột quỵ mới và đặc biệt quan tâm đầu tư hệ thống trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại (như máy chụp cắt lớp 256 dãy, hệ thống chụp cộng hưởng từ…) giúp chẩn đoán nhanh và chính xác tổn thương, từ đó đưa ra những đánh giá kịp thời và có hướng điều trị đúng, đạt kết quả tốt.
Cũng theo PGS. TS. BS CKII Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, những bệnh nhân bị đột quỵ, nếu phát hiện ở giờ đầu (6 giờ đầu) việc quan trọng ban đầu là phải có ngay hình ảnh của mạch não, tiếp theo cần xác định chính xác các tổn thương tính định khu.
Để làm được điều này, các bác sĩ sẽ sử dụng 2 loại máy là chụp cộng hưởng từ và cắt lớp vi tính.
Sau khi chụp khoảng 5 giây, toàn bộ tổn thương sẽ hiện lên bằng hình ảnh. Bác sĩ sẽ dựa vào hình ảnh đó để quyết định tình trạng cấp cứu cho bệnh nhân. Từ đó đưa ra 3 hướng điều trị là: điều trị nội khoa thông thường, không lấy huyết khối qua đường động mạch và xử lý, can thiệp sớm cho bệnh nhân.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô là 1 trong 5 bệnh viện đầu tiên của Bộ Y tế ứng dụng công nghệ không phim trong lâm sàng. Nghĩa là toàn bộ hình ảnh chụp cộng hưởng từ và cắt lớp vi tính của bệnh nhân sẽ được lưu kết quả ngay trên máy tính và nhanh chóng gửi đi các khoa, phòng để bác sĩ nhanh chóng có chẩn đoán sớm.
“Nếu bệnh nhân ngoại trú kết quả để trả cho bệnh nhân sẽ có ngay bằng phim nếu họ cần. Nhưng nếu bệnh nhân nội trú chỉ cần chụp tại đây rồi sau đó vài giây các khoa lâm sàng đã có ảnh bệnh nhân, kết quả trên sẽ gắn liền với thông tin bệnh nhân”, bác sĩ Dũng nói.
Bác sĩ Dũng cũng cho biết, việc không dùng phim trong chụp chiếu, chẩn đoán có rất nhiều ý nghĩa. Một là do sử dụng công nghệ số nên kết quả sẽ có rất nhanh, bác sĩ có thể xem bất kỳ chỗ nào, bất kỳ đâu. Thứ hai là hạn chế phải dùng phim. Dùng phim sẽ phần nào ảnh hưởng tới môi trường, do thuốc rửa phim làm bằng đồng, dung dịch rửa phim lại bằng hóa chất.
Thêm nữa quá trình lưu trữ cũng tiện lợi hơn rất nhiều so với dùng phim. Bởi tất cả đều được lưu ở trong máy, kết quả lúc nào cũng như mới, cần là sử dụng được ngay, thậm chí gửi sang Pháp, Mỹ trong nháy mắt.
“Thậm chí các bệnh nhân ung thư nếu được lưu trữ phim như vậy bác sĩ có thể so sánh được kết quả trước và sau rất nhanh mà không cần mang phim cũ ra so sánh”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Bình luận