• Zalo

Cựu quan chức Quốc hội: Đất nước khó khăn, quan chức hở ra là xe công

Thời sựThứ Ba, 22/10/2013 07:05:00 +07:00Google News

(VTC News) – Theo ông Trần Quốc Thuận, nếu tiết kiệm xe công thì trẻ em ở vùng cao sẽ có thêm miếng thịt trong các bữa ăn, có thêm áo ấm để mặc.

(VTC News) – Theo ông Trần Quốc Thuận, nếu tiết kiệm xe công thì trẻ em ở vùng cao sẽ có thêm miếng thịt trong các bữa ăn, có thêm áo ấm để mặc.

Trong cuộc họp mới đây, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đưa ra đề xuất lãnh đạo, cán bộ các đơn vị thuộc Bộ cần đi lại bằng máy bay giá rẻ thay vì hạng thương gia.

Bộ trưởng Thăng cũng cho biết, ông vừa đi công tác từ TP HCM ra Hà Nội cùng với Phó chánh văn phòng Bộ bằng máy bay giá rẻ của Hãng VietJetAir chỉ tốn hơn 5 triệu đồng/2 người. Trong khi đó, đi bằng vé hạng thương gia sẽ mất thêm 5 triệu đồng.

Dù chưa có kế hoạch thực hiện cụ thể, đề xuất của ông Đinh La Thăng nhằm góp phần tiết kiệm cho ngân sách, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, lập tức được dư luận ủng hộ.

Thực tế, đề xuất của Bộ trưởng Đinh La Thăng để tiết kiệm ngân sách nhà nước không phải là sáng kiến mới mẻ. Năm 2006, Văn phòng Quốc hội đưa ra chủ trương thực hiện thí điểm khoán chi phí sử dụng xe ôtô công. Chủ trương này được Bộ Tài chính ủng hộ.

Khi đó, ông Trần Quốc Thuận, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nay đã nghỉ hưu, là người đầu tiên thực hiện việc khoán xe công.

Ông Trần Quốc Thuận. Ảnh: Tuổi trẻ
Theo tiêu chuẩn, ông Thuận được đưa rước bằng xe ô tô công từ nhà đến nơi làm việc và đưa rước khi đi công tác. Sau khi tự nguyện xin thực hiện khoán, ông Thuận đã trả lại chiếc xe Camry 2.4 để chuyển sang đi làm bằng xe dịch vụ. Nhớ lại những ngày đi đầu gương mẫu thực hiện chủ trương tiết kiệm của nhà nước, ông Thuận kể với phóng viên VTC News:

 

Tôi chẳng lấy làm buồn hay cảm thấy thiệt thòi gì khi không sử dụng xe công cả đâu. Trái lại, tôi còn rất vui bởi lẽ, tôi công tác ở Văn phòng Quốc hội, phải gần gũi người dân, từ anh lái xe ôm hay lái taxi, họ sẽ bộc lộ, chia sẻ với tôi nhiều thông tin.
 
Tôi vẫn còn nhớ, lúc ấy do có điều kiện đi nước ngoài học tập, trao đổi kinh nghiệm cũng nhiều, trên cơ sở các Nghị quyết về thực hành tiết kiệm của Đảng, Quốc hội có đặt vấn đề là chúng ta đã tiêu xài quá lãng phí nên khi về nước.

Tôi đã chắp bút biên soạn, trình Nghị quyết khoán xe công để Thường vụ Quốc hội thông qua, có nghĩa là thay vì đi xe công thì sẽ khoán tiền chi phí xe cộ đi lại cho cán bộ sẽ rất "ích nước, lợi nhà".

Là người trực tiếp làm Nghị quyết này, tôi đương nhiên phải gương mẫu thực hiện đầu tiên. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ, lúc đó được đưa xe Toyota Camry 2.4, nhưng tôi đã trả lại xe, tài xế cho cơ quan, mà chỉ đi xe ôm hoặc taxi.

Lúc nào bình thường thì đi xe ôm, còn trời mưa hoặc nắng quá thì đi taxi giá rẻ hiệu Vạn Xuân. Thời điểm đó, nếu không đi xe mà khoán tiền sẽ được 4, 5 triệu đồng/tháng.

Nhiều tỉnh, thành phố hoặc cơ quan bộ ngành lúc đó cũng muốn khoán tiền, như Lâm Đồng chẳng hạn. Các cơ quan quản lý khác của Quốc hội lúc đó cũng nhiệt tình hưởng ứng Nghị quyết này, tạo thành phong trào sôi nổi trong Quốc hội lúc đó.

- Lúc đi xe taxi, ông có cảm thấy bị 'mất uy' khi mà những vị lãnh đạo ngang cấp, thậm chí dưới cấp của ông vẫn ngày ngày một bước lên xe?

Thực ra, tôi chẳng lấy làm buồn hay cảm thấy thiệt thòi gì khi không sử dụng xe công cả đâu. Trái lại, tôi còn rất vui bởi lẽ, tôi công tác ở Văn phòng Quốc hội, phải gần gũi người dân, từ anh lái xe ôm hay lái taxi, họ sẽ bộc lộ, chia sẻ với tôi nhiều thông tin. Tôi mới thấy quý và thấy có ích với công việc của mình.

Những người hàng xóm của tôi lúc đó đã nhìn tôi bằng một con mắt thiện cảm. Chính nhờ không đi xe công mà lúc đó, tôi đã tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng, có thể sửa nhà cho khang trang, đẹp đẽ hơn được rồi.

- Khi ông đưa Nghị quyết này ra Quốc hội, thời đó có vị lãnh đạo nào đương chức phản đối không?

Nghị quyết khoán xe công tôi trình lên Thường vụ Quốc hội không phải làm một lần mà xong, mà tới bốn hay năm lần gì đó, họp tới họp lui với các cơ quan có liên quan, điều chỉnh liên tục. Sau khi được Thường vụ Quốc hội thông qua, triển khai thì tôi nghe nói có những vị lãnh đạo giật mình, hỏi rằng: Tại sao họ không biết gì cả về Nghị quyết này?

Tôi đã âm thầm tập hợp lại toàn bộ các bản góp ý của những vị lãnh đạo trong Thường vụ Quốc hội, các vị lãnh đạo khác trong Quốc hội. Khi tìm lại, tôi bất ngờ thấy chính vị lãnh đạo nói không biết gì, lại là người đề nghị sửa Nghị quyết nhiều nhất.

Còn có một câu chuyện khác, khi đã thông qua Nghị quyết ở Quốc hội, có Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã đến gặp tôi và nói, thôi anh đi xe trở lại cho thuận tiện công việc.

Khi đó, tôi trả lời dứt khoát: “Tôi không thể làm như thế được. Bởi lẽ, tôi là người biên soạn Nghị quyết này, nên không thể "nói một đằng, làm một nẻo" được. Tôi không thể làm một việc không có lòng tự trọng được, chẳng khác nào "bôi tro, trát trấu vào mặt tôi sao?"

Tất cả nên khoán trực tiếp vào lương, kể cả nếu cần tới tiền nhà, một năm làm việc họ được vài ba tỷ đồng tiền nhà. Một nhiệm kỳ 5 năm họ được gần chục tỷ đồng, đủ để mua nhà, mua đất ở thành phố.

Trong khi đó, nhà của đa số cán bộ lãnh đạo nào cũng cỡ vài tỷ cho đến chục tỷ trở lên, mà trên báo chí họ phát biểu nhận đồng lương ít ỏi… Nếu lương thấp thì họ lấy đâu ra tiền mua nhà cửa, xe xịn? Đó là sự dối lòng, nền văn hóa, đạo đức xã hội mới xuống cấp.

Thế nên, tôi mới đặt vấn đề là tất cả cần phải công khai và cần được đưa vào lương hết để dễ quản lý.

TP.HCM, Sài Gòn, xe công, Trần Quốc Thuận, văn phòng Quốc hội, khoán, khuyến khích.
Xe công biển số 80B dùng vào việc riêng (ảnh minh họa) 

- Nếu đa số cán bộ gương mẫu thực hiện khoán xe công như ông, cả nước sẽ tiết kiệm được bao nhiêu, thưa ông?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) khi ấy đã nói rằng, nếu thực hiện được như vậy sẽ tiết kiệm cho đất nước mỗi năm 1.000 tỷ đồng, mà tính cho đến nay thì con số này còn lên tới nhiều nghìn tỷ nữa, tính theo hệ số trượt giá. Một con số rất khổng lồ cho ngân sách. Tất cả đều từ tiền thuế của nhân dân mà ra thôi.

 

Xe công ở Việt Nam hiện nay là quá nhiều. Tôi cũng nghĩ không một nước nào trên thế giới lại có chế độ xe công như chúng ta. Tôi cho rằng thời điểm này là tốt nhất để thực hiện lại Nghị quyết khoán xe công.
 
Cho tới nay, đối tượng sử dụng xe công không những bị thu hẹp, mà còn được mở rộng. Xe con hiện giờ ở Quốc hội theo tôi được biết là rất nhiều.

Không những được ưu ái xe con, một số các đại biểu chuyên trách còn được thêm nhiều ưu ái khác như cấp đất, cấp nhà, con cái được ưu tiên học ở Hà Nội… Nhiều chuyện để nói lắm.

- Có vẻ như việc sử dụng xe công dễ dàng nên nhiều người dùng vào mục đích riêng?

Thiệt hại về kinh tế là cái lớn nhất, thiệt hại về uy tín của bộ máy là cái tiếp theo.

Trong khi đất nước đang suy thoái kinh tế, khó khăn như vậy mà cán bộ, quan chức hở cái là dùng xe công, xa rời dân, xa rời quần chúng thì dân sẽ khó chịu, thật chẳng hay ho gì. Chỉ cần chúng ta tiết kiệm hơn, đừng lãng phí thì trẻ em trên vùng cao sẽ có thêm miếng thịt trong các bữa ăn, có thêm áo ấm để mặc, có thêm dép để đi.

- Xe công tại Việt Nam hiện nay nhiều hay ít, thưa ông?

Xe công ở Việt Nam hiện nay là quá nhiều. Tôi cũng nghĩ không một nước nào trên thế giới lại có chế độ xe công như chúng ta. Tôi cho rằng thời điểm này là tốt nhất để thực hiện lại Nghị quyết khoán xe công. Vì điều kiện đi taxi như bây giờ rất thoải mái, cao cấp, tiện lợi.

Từng đi rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới, tôi thấy nhiều vị lãnh đạo của họ sử dụng chủ yếu vẫn là các phương tiện công cộng để đi lại. Chỉ cần sử dụng xe công, tiền của nhà nước vào việc riêng thì người dân, cử tri sẽ hoạnh họe ngay tức khắc, có thể mất chức như chơi.

Tôi có thể kể một ví dụ, tại Thụy Điển, có lần tôi biết một vị Chủ tịch Quốc hội rất uy tín, khi đi chợ, người phụ nữ này sử dụng thẻ ATM chuyên dùng cho công việc để mua hàng, số tiền không nhiều nhưng cử tri phát hiện được, họ lên chất vấn, bà ấy có nói sẽ đền bù. Nhưng Quốc hội nói ở đây vấn đề không phải là đền bù hay không, mà là ý thức.

Và sự thật, bà này sau đó không được cử tri tín nhiệm để trúng cử do để lẫn lộn chuyện công, tư.

- Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng sử dụng xe công tràn lan như ở Việt Nam hiện nay, thưa ông?

Nên cụ thể bằng văn bản pháp luật chứ không nên khuyến khích. Nên khoán cụ thể cho từng chặng công tác khác nhau, như đi Hà Nội vào TP.HCM sẽ được khoán bao nhiêu. Nếu mua nhiều hơn số tiền đó, họ phải bù tiền túi vào, còn ít hơn, họ có thể lấy số tiền dư.

Độc giả có đồng tình với ý kiến của tác giả? Bạn đọc có thể gửi ý kiến của mình vào ô thảo luận bên dưới để làm sáng tỏ thêm vấn đề.

Ngọc Trinh(thực hiện)  

Bình luận
vtcnews.vn