• Zalo

Cựu quan chức Hà Nội: 'Ký sự Syria' chỉ mài mòn uy tín nhà đài thôi

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 26/07/2016 11:08:00 +07:00Google News

PGS.TS. Phạm Quang Long cho rằng, 'Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến' giả giả, ấu trĩ và thiếu chuyên nghiệp.

Trước những tranh luận trái chiều về "Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến" của Đài Truyền hình Việt Nam do ê kíp của Trung tâm tin tức VTV24 gồm nhà báo Lê Bình, quay phim Ngọc Phức và hai phóng viên Vân Anh, Phương My thực hiện, PGS.TS. Phạm Quang Long, nguyên PGĐ ĐHQG Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội đã có bài viết bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng lại bài viết này.

"Mấy lời xin gửi nhà đài!

Tôi xem quảng cáo về phim tư liệu chiến tranh ở Syri, cũng thấy muốn xem cho biết. Nói cho công bằng, các phóng viên đã chịu khó, lăn lộn và mong muốn có một cái phim cho đáng đồng tiền bát gạo bỏ ra nhưng giữa mong muốn và kết quả khoảng cách của nó còn xa lắm. Tôi nói ngay là phim không đạt được kỳ vọng như những người làm phim đã mong muốn.

Nhiều người đã bình luận, đã phân tích cái được và chưa được, trong đó có cả những chê bai. Tôi nghĩ điều đó là bình thường vì một sản phẩm dù là hàng hoá hay nghệ thuật, khi đã đưa ra trươc công chúng thì nó như "bánh đúc bày sàng", không có gì giấu được.

Clip "Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến" 

Nhưng điều tôi muốn nói là lãnh đạo VTV nên xem lại cách mình đã làm. Nó vừa thiếu chuyên nghiệp, vừa thiếu trách nhiệm. Làm thế, chỉ mài mòn dần uy tín của nhà đài thôi.

Xin "bới lá tìm sâu" đây: Từ ý tưởng, tôi cho là cũng cần xem lại. Chiến tranh khủng khiếp thật, điều đó chả cần nói. Các lãnh đạo VTV sợ giới trẻ không hiểu gì về chiến tranh nên phải "làm sống lại" những khoảnh khắc ấy ư? Trong tư liệu chiến tranh chống Mỹ còn chất đống ở kho tư liệu ở ta thiếu gì, chỉ cần lục lại, sắp xếp lại cũng đủ hơn cái cảnh cứ quay nhà đổ, người chết rồi lại nhắc khủng khiếp quá và những giọt nước mắt của người chứng kiến.

Cần hình ảnh trẻ con ư? 57 học sinh trường cấp 2 ở Hà Tĩnh, 30 em lớp 7 ở Thái Bình bị giết với hình ảnh ngôi trường vỡ vụn, tan hoang, bom đùn đất lên như núi... chắc gây ấn tượng không kém đâu. Rồi Hà Nội với Khâm Thiên, Bạch Mai, Đông Anh, Hải Phòng năm 1972... nhiều lắm.

Mà ở đó, không chỉ có "khủng khiếp" đâu, ở đó còn có những con người biết vượt lên trên nỗi khiếp sợ, dám sống để chặn bàn tay chiến tranh nữa cơ. Nếu chọn từ đám tư liệu ấy để làm một cái phim có tư tưởng "như vầy", tính chi phí, chắc rẻ hơn chuyến đi này.

Về sự không chuyên nghiệp: người ta đã nói quá nhiều, tôi không nhắc lại nhưng cứ thấy thương thương: Phóng viên chiến tranh mà đi tác nghiệp cứ như đi đâu đó. Ăn mặc, tâm thế, bản lĩnh... nói chung nhìn cứ thấy tức mắt. Sao trước một việc lớn như thế lại không thể có sự chuẩn bị chu đáo hơn?"

Phạm Quang Long
Bình luận
vtcnews.vn