• Zalo

Cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình vừa bị khởi tố là ai?

Pháp luậtThứ Sáu, 08/09/2017 18:44:00 +07:00Google News

Trước khi bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, ông Đặng Thanh Bình đã giữ nhiều vị trí, chức vụ quan trọng trong bộ máy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Ông Đặng Thanh Bình là người có thâm niên hơn 30 năm công tác trong ngành tài chính ngân hàng.

Năm 1994, ông đã bắt đầu giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính.

Năm 1997, ông chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN.

Năm 2002, ông Bình được bổ nhiệm vào vị trí Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, NHNN và 3 năm sau ông được bổ nhiệm là Phó thống đốc NHNN cùng thời điểm với ông Nguyễn Đồng Tiến.

dangthanhbinh

 Ông Đặng Thanh Bình bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự.

Với cương vị Phó thống đốc NHNN, ông Đặng Thanh Bình được giao chuyên trách về nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chứng tín dụng trong một thời gian dài.

Đáng chú ý là khi Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vẫn chỉ nằm trên giấy, ông Bình đã đảm nhiệm vị trí Trưởng ban trù bị thành lập công ty này.

Cuối tháng 6/2013, NHNN có quyết định chính thức thành lập Công ty mua bán nợ các tổ chức tín dụng VAMC với hoạt động chính là mua nợ xấu của các TCTD, thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm…

Giữa tháng 7/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi đó là ông Nguyễn Văn Bình đã giao ông Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc NHNN kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo quyết định số 1567/QĐ-NHNN.

Theo đó, Thống đốc NHNN giao ông Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc NHNN kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam kể từ ngày ký Quyết định này cho đến khi có Quyết định mới.

Cùng với đó, Thống đốc NHNN đã ban hành các Quyết định điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Tuy nhiên, công tác kiêm nhiệm vị trí đứng đầu tại VAMC chưa đầy một năm, ông Đặng Thanh Bình đã phải chuyển giao vị trí Chủ tịch HĐTV tại công ty mua bán nợ này cho ông Nguyễn Quốc Hùng vào tháng 5/2014.

Sau khi thôi nhiệm vị trí Chủ tịch HĐTV tại VAMC, ông Đặng Thanh Bình cũng thôi đảm nhiệm vị trí Phó thống đốc NHNN vì đến tuổi nghỉ hưu.

Ngày 8/9/2017, ông Đặng Thanh Bình bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự vì có liên quan vụ án thất thoát ngàn tỉ tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) của Phạm Công Danh.

Trước đó, cuối tháng 7/2014, Phạm Công Danh bị bắt vì liên quan đến vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo đó, VNCB tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trustbank). Vào thời điểm tái cấu trúc và đổi tên (tháng 5/2013), Trustbank có 23 năm hoạt động với vốn điều lệ 3.000 tỷ và tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng. Tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh làm chủ tịch đã cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trustbank và đổi tên thành VNCB.

Trong quá trình tái cơ cấu, Phạm Công Danh và đồng phạm đã khiến ngân hàng này thất thoát 9.000 tỷ đồng. Phạm Công Danh sau đó đã bị đưa ra xét xử và phải lĩnh 30 năm tù về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”…

Tính đến cuối tháng 6/2014, gần một năm ông Đặng Thanh Bình trên cương vị lãnh đạo cao nhất tại VAMC, tổng số nợ xấu đã được công ty mua lại vào khoảng 51.000 tỷ đồng. Con số này đến cuối năm đã tăng hơn gấp đôi, đạt 123.000 tỷ đồng dư nợ gốc, trong đó, VAMC đã xử lý nợ xấu được hơn 4.000 tỷ đồng.

Đối với VAMC, lũy kế đến năm 2015, công ty này đã mua được 228.416 tỷ đồng tổng số dư nợ gốc nội bảng. Với việc thu hồi được hơn 18.000 tỷ đồng nợ xấu, VAMC đã xử lý được gần 8% tổng số nợ xấu đã mua.

Tính đến tháng 3/2017, sau hơn 3 năm hoạt động, VAMC đã mua tổng cộng được 25.631 khoản nợ xấu tại 42 tổ chức tín dụng tại Việt Nam, với tổng dư nợ gốc 282.124 tỷ đồng, giá mua nợ là 245.672 tỷ đồng, thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt.

Hiện nay đã có 2 ngân hàng đã xử lý xong nợ xấu “gửi” tại VAMC nên số tổ chức tín dụng đang nắm trái phiếu đặc biệt của VAMC là 40, với lũy kế tổng giá mua 205.659 tỷ đồng trên tổng dư nợ gốc 233.685 tỷ đồng.

Hầu hết khoản nợ xấu VAMC đã nhận từ các tổ chức tín dụng đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay, kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp...

Trong đó, tài sản là bất động sản trị giá 268.872 tỷ đồng, chiếm 62%. Tài sản trên đất trị giá 31.308 tỷ đồng, chiếm 7,2%. Giấy tờ có giá trị giá 12.902 tỷ đồng, chiếm 3%. Máy móc thiết bị trị giá 22.097 tỷ đồng, chiếm 5,1%. Phương tiện vận tải trị giá 18.333 tỷ đồng, chiếm 4,2%. Quyền đòi nợ trị giá 11.610 tỷ đồng, chiếm 2,7%. Quyền phát sinh tài sản 34.805 tỷ đồng, chiếm 8,0%. Các loại tài sản khác trị giá 34.051 tỷ đồng, chiếm 7,8%.

Công ty cho biết đã thực hiện thí điểm việc mua nợ xấu theo giá trị thị trường và triển khai đánh giá thực trạng khoản nợ để xem xét hiệu quả việc mua nợ thị trường, tìm kiếm đối tác mua nợ, đàm phán với các tổ chức tín dụng.

Lũy kế từ năm 2013 đến nay, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi nợ được 50.165 tỷ đồng, bao gồm cả việc thu từ bán nợ và bán tài sản đảm bảo.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn