Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa cứu một nam bệnh nhân là anh C.T.N. (35 tuổi, trú tại Sơn Dương, Tuyên Quang) bị sỏi thận nặng.
Anh N. bị sỏi thận trái nhiều năm nay, nhưng do chủ quan, anh không đến bệnh viện mà tự ý điều trị bằng thuốc nam tại nhà. Được một thời gian, sỏi thận không những không hết mà còn khiến anh lâm vào tình trạng nguy hiểm hơn. Gần đây, anh này bắt đầu cảm nhận rõ những cơn đau dữ dội vùng thắt lưng, đau thành từng đợt.
Qua hình ảnh phim chụp CT ổ bụng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị giãn bể thận trái, sỏi thận trái hình tròn, kích thước khoảng 21mm. Cần phải can thiệp sớm để đảm bảo sức khỏe.
Bệnh nhân nhanh chóng được nội soi tán sỏi qua da đường hầm nhỏ.
Thông tin về ca bệnh, BS Phạm Văn Thái - Trưởng khoa Ngoại của bệnh viện cho biết, nội soi tán sỏi thận qua da là phương pháp ít sang chấn, được thay thế cho mổ mở để điều trị các bệnh sỏi thận và niệu quản 1/3 trên có kích thước lớn từ 2cm trở lên, kể cả với sỏi san hô.
Phương pháp này có ưu điểm là nhẹ nhàng, ít đau và thời gian nằm viện ngắn (3 – 4 ngày), khả năng phục hồi nhanh (7 – 10 ngày).
“Nhờ khả năng cho phép kiểm tra toàn bộ các đài bể thận và niệu quản nên phương pháp này có thể khắc phục được tình trạng sót sỏi. Ngoài ra, vết mổ cũng nhỏ khoảng 1cm nên có thể đảm bảo tính thẩm mỹ cho bệnh nhân và ít làm ảnh hưởng tới thận, cũng như giảm tối thiểu những biến chứng so với cách mổ thông thường”, BS Thái nói.
Hiện bệnh nhân dần ổn định nhưng vẫn được theo dõi thêm để đảm bảo thể trạng tốt nhất trước khi xuất viện.
Để thực hiện kỹ thuật tán sỏi qua da đường hầm nhỏ các bác sĩ sẽ rạch một vết rạch nhỏ khoảng 1cm tại vùng lưng của bệnh nhân.
Sau đó, bằng dụng cụ chuyên dụng các bác sỹ sẽ nong một đường hầm nhỏ qua da dưới hướng dẫn của siêu âm vào đến thận tiếp xúc với viên sỏi.
Ống nội soi thận được đặt vào đường hầm đó giúp việc tán và gắp sỏi. Sỏi sẽ được tán thành mảnh vụn nhỏ và hút ra ngoài.
Video: 7 ngày "tống sạch" sỏi thận không cần phẫu thuật
Bình luận