• Zalo

Cựu hoàng Bảo Đại phá sức khỏe thế nào?

Sức khỏeThứ Ba, 01/10/2013 09:50:00 +07:00Google News

Sau khi bị truất phế, cựu hoàng Bảo Đại uống thuốc ngủ nhiều, ông hút thuốc lá liên miên và thường bỏ nhà đi “bụi”.

Sau khi bị truất phế, cựu hoàng Bảo Đại phải uống thuốc ngủ nhiều, ông hút thuốc lá liên miên, và thường bỏ nhà đi “bụi đời”, không biết đi đâu, chỉ những lúc đau ốm hay cạn tiền mới trở về.

Tự hủy hoại sức khỏe

Sau khi bị Ngô Đình Diệm truất phế, “đế chế” Bảo Đại sụp đổ tan tành. Hình ảnh về đôi giai nhân tài tử lúc nào cũng cặp kè bên nhau trong những chuyến du ngoạn, những cuộc tiếp tân long trọng biến mất. Cựu Hoàng hậu Nam Phương sống riêng ở một toàn lâu đài khác cho đến khi qua đời. Bảo Đại tiếp tục cuộc sống mờ nhạt ở Cannes. Do bài bạc hoang phí lâu đài Thorenc cũng bị bán đi.

Cựu hoàng Bảo Đại hút thuốc lá liên miên, phải uống thuốc ngủ nhiều khiến sức khỏe yếu. 
Bảo Đại mua một trang trại ở Alsace. Ông không bỏ được thú đi săn bắn. Đối với ông đó là một nhu cầu thiết yếu, như thú đánh bạc. Nhu cầu đàn bà cũng vậy. Trong những cuộc chung chạ đó ông sống với cô vợ “hờ” người Pháp tên là Vicky mấy năm và sinh hạ được một con gái đặt tên là Phương Từ thì hai người chia tay. Bảo Đại phải rời khỏi Alsace bỏ lại nhà cửa đồ đạc cho Vicky.

Theo lời kể của thứ phi Mộng Ðiệp, sau khi bị truất phế, ông đã có một thời gian bị trầm uất, mất ngủ và phải dùng thuốc an thần. Bảo Đại hút thuốc lá liên miên, và thường bỏ nhà đi “bụi đời”, không biết đi đâu, chỉ những lúc đau ốm hay cạn tiền mới trở về với bà Mộng Ðiệp. Vì vậy, sức khỏe ông bị hủy hoại nhiều.

Có lần ông lên cơn sốt rét nằm trên băng ghế, dưới hầm metro, cảnh sát đem ông về đồn và gọi điện thoại cho Hoàng tử Bảo Long đến bảo lãnh ông về, rồi khi hết bệnh ông lại đi nữa. Có một lần ông bị cảnh sát tạm giữ khi đang ở nhà một gái điếm tên là Clément làm ở nhà hàng Le Moulin Rouge (Cối xay đỏ) trong khu ăn chơi ở Paris dính dáng đến buôn lậu. Nhờ Mộng Điệp can thiệp, ông được thả trong tình trạng ốm yếu, mệt mỏi vì uống nhiều thuốc ngủ.

Tài sản của ông, các tài sản đồ sộ, đã nằm lại trên các bàn đỏ đen, trong các câu lạc bộ, các sòng bạc. Một phần tài sản nằm trong tay những người đàn bà đã đẩy ông vào cảnh nghèo khổ.

Cô đơn xứ người


Theo Hoàng tử Bảo Ân (con Bảo Đại với bà Phi Ánh), năm 1967, Công chúa Phương Minh sang Pháp theo sự sắp xếp hôn nhân của gia đình nhưng không thành, thấy hoàn cảnh của vua cha cô đơn và tội nghiệp, nên cô tình nguyện ở lại để săn sóc cha.

Lúc này cựu Hoàng đã dùng thuốc ngủ rất nặng, có lần uống thuốc xong, nằm vắt tay lên trán, vừa suy nghĩ vừa hút thuốc. Khi thuốc ngấm, ông ngủ hồi nào không biết, điếu thuốc trên tay rơi xuống áo cháy phỏng cả ngực, nên lần sau mỗi lần ông dùng thuốc ngủ, cô Phương Minh đứng đó canh chừng đến khi ông ngủ rồi mới dám đi làm công việc.

Tuy ở Paris, Phương Minh cũng chỉ gặp Hoàng tử Bảo Long (con Bảo Đại với bà Nam Phương) một lần và chưa hề giáp mặt Bảo Thăng và các công chúa Phương Mai, Phương Liên và Phương Dung. Bảo Ðại có nhiều vợ và nhiều dòng con, khi Nam Phương Hoàng Hậu qua đời, ông cũng không hay biết, điều đó đã tạo thêm sứt mẻ trong gia đình.

Ðời sống ở Paris cũng khó khăn, vất vả, cô Phương Minh phải đi làm tiếp viên trong một nhà hàng Trung Hoa để có phương tiện để sống gần cha và chính cô, cũng phải nhận sự trợ giúp từ mẹ ở Sài Gòn. Theo lời cô Phương Minh kể lại, khi có tiền thì hai cha con rủ nhau đi nhà hàng, khi hết tiền thì nhiều ngày chỉ có một bữa ăn. Nhiều khi cạn tiền, túng thế, cựu Hoàng phải bảo Phương Minh chạy đi “vay mượn” những người quen biết. Cho mãi đến năm 1971, Phương Minh hay tin mẹ đau nặng, cô trở về Sài Gòn.

Cũng năm này, Bảo Ðại kết hôn với Monique Baudot, một phụ nữ Pháp kém hơn 30 tuổi (Monique Baudot sinh năm 1946.) Bảo Ðại vào đạo Thiên Chúa, có tên thánh là Jean - Robert. Về tiểu sử của Monique có nhiều nguồn. Báo chí Pháp viết cô từng làm tuỳ viên báo chí trong một tòa đại sứ. Các chính khách từng làm việc với Bảo Đại và sau năm 1975 có nhiều dịp gặp ông (như tướng ngụy Trần Văn Đôn) thì bảo Monique chỉ là một cô bồi phòng ở cao ốc 29 Fresnel.

Người "chiếm độc quyền" Bảo Đại

Từ khi hai người ăn ở với nhau, Monique chạy xin cho cựu Hoàng được một trợ cấp cho người già, mỗi tháng lãnh khoảng trên dưới 7.000 franc. Sau này ông J. Chirac lên làm thị trưởng Paris, tăng phụ cấp cho cựu hoàng lên 12.000franc nhưng vẫn không giải quyết hết khó khăn. Sống trong hoàn cảnh vật chất thiếu thốn, cựu Hoàng không hề than vãn.

Hằng ngày bà Monique ôm quần áo bẩn đi giặt ở các máy giặt công cộng. Buổi sáng Bảo Đại ăn pain sec (bánh mì không). Bà Monique Baudot tìm mọi cách để có thu nhập thêm. Bà đòi tiền những người muốn đến gặp và phỏng vấn. Bà mời tướng Fond viết giúp hồi ký cho cựu Hoàng và bán cho Nhà xuất bản Plon. Để có đủ tư cách pháp lý “chiếm độc quyền” Bảo Đại, nhiều lần Monique yêu cầu Bảo Đại làm giấy kết hôn với bà. Nhưng chuyện ấy không thực hiện được ngay vì bà Từ Cung - đang còn sống ở Huế không đồng ý.

Bà Monique Baudot với Bảo Long xung khắc như nước với lửa, đã choảng nhau, kiện tụng vì cái ấn kiếm.  Cặp Ấn kiếm – Mệnh danh là Nguyễn Triều Chi Bảo do vua Bảo Đại truyền chỉ cho thứ phi Mộng Điệp đã đem từ Việt Nam cùng hơn 600 món bảo vật đến tận tay bà Nam Phương Hoàng Hậu bảo quản. Khi bà còn sanh tiền đã nhắc nhở Thái tử Bảo Long rằng: Đừng bao giờ mở tủ kiếng mà tách hai bảo vật này ra hai nơi.

Đến khi Bảo Đại viết xong cuốn hồi ký, muốn mượn con dấu để đóng lên quyển sách cho thêm phần giá trị thì Bảo Long nhất quyết không cho, viện dẫn lý do là mẹ đã dặn. Vì thế mà có cuộc tranh chấp kiện tụng ra tòa. Tòa xử: “Bảo Đại giữ Quốc Ấn, còn Bảo Long được giữ Quốc Kiếm”. Đến nay không biết hai báu vật – hai linh vật này đang ở đâu?.

Năm 1982, Bảo Đại nhận lời mời đi Mỹ thăm con, bà Monique nghe vậy liền bắt chẹt: Nếu Bảo Đại không làm giấy kết hôn với bà và không cho bà đi Mỹ thì bà sẽ không cho Bảo Đại ra khỏi nhà. Lúc này bà Từ Cung đã qua đời, không còn trở ngại nào nữa, Bảo Đại và Monique Baudot ra Tòa Đốc lý quận 16, Paris đăng ký kết hôn.

Hai ông bà được cấp giấy kết hôn với nội dung: “Hôm nay là ngày 19/1/1982 đã diễn ra việc thành hôn của Hoàng thân Vĩnh Thụy cũng gọi là Hoàng thân Bảo Đại, sinh ở Huế (Việt Nam) vào ngày 23/10/1913, con trai của Khải Định và Từ Cung (đều đã mất); và cô Monique Marie Eugène Baudot, sinh tại Saint Amand Montrond vào ngày 30/4/1946, con gái của ông Lucien Henri Baudot và Hélène Marie Madeleine Legeai. Giấy đăng ký kết hôn gửi từ ngày 14/1/1982”.

Monique đã trở thành vợ chính thức của cựu hoàng Bảo Đại. Hoàng hậu Nam Phương được triều đình nhà Nguyễn đứng ra cưới cho Bảo Đại vào năm 1934 nhưng không làm giấy kết hôn. Các bà “thứ phi” có con với cựu hoàng nhưng không ai có giấy kết hôn cả. Theo luật pháp nước Pháp, chỉ những người có giấy kết hôn mới được công nhận là vợ chính thức. Do đó, người Pháp chỉ công nhận Monique Baudot là vợ của Hoàng thân Vĩnh Thụy mà thôi.

Ở nhà là vợ, ra ngoài là thư ký

bảo đại
Bảo Đại lúc già bên bà vợ người Pháp.
Trong chuyến đi Mỹ, Bảo Đại vào thăm cửa hàng Thanh Lan của người Việt. Vợ chồng chủ cửa hàng tặng cho cựu hoàng một món quà sáng giá và không để ý gì đến Monique Baudot. Vừa ra khỏi cửa hàng, Monique Baudot nói với Bảo Đại: “Dân của ông không ra gì''. Những người trong ban tổ chức đón tiếp cựu hoàng nghe thế không ai hiểu vì sao lại có sự thể như thế.

Tiếp đến cựu hoàng dự một buổi tiệc do ông bà Robert Kane khoản đãi tại nhà riêng Tiburon vùng San Francisco. Trong số thực khách có cả ông bà Brochand, Tổng Lãnh sự Pháp, và một số người Mỹ biết nói tiếng Pháp. Bà Kane chủ tọa một bàn tiếp Bảo Đại và một số thực khách, bàn thứ hai do ông Kane chủ tọa tiếp Monique và một số thực khách khác.

Không ngờ, khi ngồi vào bàn Monique tỏ ra bực bội, vặn vẹo hỏi mọi người tại sao không sắp xếp cho bà ngồi gần Bảo Đại: ''Dù sao tôi cũng là vợ của ông Bảo Đại kia mà!''. Một người có trách nhiệm đưa Bảo Đại đi thăm viếng các nơi trả lời: ''Đây là cái phòng tiệc chứ không phải phòng ngủ. Chủ nhà người ta sắp xếp như vậy là phải”.

Monique tức giận, nắm cái chéo khăn trải bàn ăn kéo một cái xoạt, thức ăn dọn trên bàn ngả nghiêng, đổ tung tóe ra bàn. Cả phòng tiệc vô cùng ngạc nhiên. Riêng Bảo Đại thì ngồi thản nhiên xem như không có chuyện gì xảy ra. May mắn ông Kane tế nhị xin lỗi mọi người và nhận lỗi vô ý đã trải cái khăn bàn không đúng cách nên mới có chuyện không hay này. Buổi tiệc mất vui. Hôm sau, ban tổ chức đón tiếp chất vấn Bảo Đại:

- Hôm qua bà Monique nói bà ấy là vợ của ngài. Vậy có đúng không?

Bảo Đại thản nhiên đáp:

- Đúng. Trước khi qua Mỹ một ngày, bà ấy và tôi đã có giấy kết hôn!

- Vậy, tại sao ngài không nói cho chúng tôi biết trước để chúng tôi sắp đặt nghi lễ, nếu bà ấy là vợ ngài thì chúng tôi đã sắp đặt đúng phép sẽ không xảy ra những chuyện vừa qua.

Bảo Đại trả lời :

- Phần nghi lễ, tùy theo trường hợp, lúc là thư ký, lúc là vợ.

Đến lúc đó người ta mới hiểu đối với Bảo Đại, lúc ở nhà Monique Baudot là vợ, khi đi ra ngoài, trong các cuộc tiếp tân, bà ấy chỉ là một cô thư ký. Đó là cách đối xử tồn tại hàng chục năm qua của Bảo Đại dành cho Monique Baudot.

Nhưng từ sau khi Monique Baudot nắm được cái giấy kết hôn trong tay rồi thì bà không cho phép Bảo Đại đối xử với bà như thế nữa. Chính vì thái độ không dứt khoát của Bảo Đại về bà vợ Monique Baudot mà chuyến sang Mỹ của Bảo Đại đã phải chấm dứt sớm.






Theo PhapluatVN
Bình luận
vtcnews.vn