Sáng 12/6, tại phiên thảo luận hội trường bàn về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách (TCNS) Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc ban hành các giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường là cần thiết.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, việc ban hành giải pháp về thuế như trong Tờ trình của Chính phủ cần được cân nhắc, theo đó, việc đầu tư nguồn lực dàn đều; việc miễn, giảm, giãn thuế mang tính bình quân cho các doanh nghiệp (DN) sẽ không góp phần thực hiện tái cơ cấu các DN.
Cùng với đó, đối tượng áp dụng và mục tiêu đề ra là quá rộng trong khi nguồn lực hỗ trợ lại hạn chế, khó có thể “tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường”.
Một số thành viên Uỷ ban TCNS cũng cho rằng, giải pháp miễn, giảm, giãn thuế không phải là giải pháp tối ưu, duy nhất để hỗ trợ DN vì hiện nay DN chủ yếu gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay, tín dụng, lãi suất tiền vay cao, thị trường thu hẹp, sức mua giảm, dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng cao, gây ứ đọng vốn, nợ đọng thuế cao.
“Do đó, Chính phủ cần xem xét toàn diện hệ thống chính sách vĩ mô; kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, chú trọng hơn đến giải pháp tiền tệ, tín dụng, giảm mạnh lãi suất cho vay; kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường nhằm tăng sức mua, tạo điều kiện để doanh nghiệp thu hồi vốn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh” - Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển truyền đạt lại.
Giảm 30% thuế TNDN "chưa bảo đảm công bằng"
Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong thời điểm hiện nay cùng với việc thực hiện các nhóm giải pháp khác sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về tài chính cho DN thông qua việc DN có thêm nguồn vốn lưu động trong khi việc vay vốn ngân hàng đang khó khăn do các điều kiện vay và lãi suất cao.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển, có ý kiến cho rằng, việc Chính phủ đề xuất đối tượng được giảm 30% thuế TNDN là “DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội” là chưa bảo đảm công bằng giữa các DN trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
Ngoài ra, việc giảm 30% thuế TNDN đối với DN “xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế” chưa thật hợp lý vì so với nhiều lĩnh vực khác, các DN này chưa hẳn là đối tượng gặp nhiều khó khăn, cần phải hỗ trợ trong bối cảnh hiện nay.
ĐBQH Mai Hữu Tín (Ảnh: Minh Thăng VNN) |
ĐB Hải cho rằng, nên giảm thuế VAT và kiểm soát giá chặt chẽ với các DN cung ứng hàng hóa cơ bản làm nguyên liệu đầu vào của sản xuất như điện, than, dầu khí, xi măng, sắt thép.
Cùng với đó, miễn giảm hoặc giãn nộp thuế đối với DN có nhiều hàng tồn kho, làm sao để DN được hưởng giảm, giãn, hoãn thuế khi tăng chi tiêu đầu vào, thay vì chỉ được hưởng khi DN có doanh thu và có lãi như gói hỗ trợ hiện nay.
Về việc giảm 30% thuế TNDN cho DN vừa và nhỏ, ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) đề nghị xem lại cách thức phân loại DN.
Theo ĐB Tín, bất hợp lý ở đây là thay vì lấy vốn điều lệ hoặc vốn sở hữu chủ làm cơ sở thì lại sử dụng tổng tài sản (gồm cả vốn vay, vốn huy động từ các nguồn khác) làm cơ sở, mà đây là những yếu tố luôn thay đổi theo hoạt động trong từng thời kỳ .
“Do vậy với một DN có vốn chủ 30 tỷ đồng nhưng nếu tổng tài sản vượt 100 tỷ đồng sẽ không được hưởng việc giảm thuế này” – ĐB Tín phân tích.
Nhiều ĐB cũng bày tỏ băn khoăn về gói giải pháp 29.000 tỷ đồng, theo đó, gói giải pháp này nhìn chung chỉ mang tính khích lệ tinh thần, còn tác động thực tế chưa thực sự nhiều.
Về việc miễn thuế khoán thuế GTGT, thuế TNCN và thuế TNDN, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cũng cho biết, hầu hết các ý kiến trong Ủy ban TCNS không tán thành với phương án miễn thuế khoán thuế GTGT, thuế TNDN và thuế TNCN như đề xuất của Chính phủ, lý do là việc thực hiện chính sách giảm 50% thuế khoán thuế GTGT, TNDN và TNCN trong năm 2011 như báo cáo của Chính phủ không mang lại hiệu quả thiết thực vì giá trị tuyệt đối số tiền thuế được giảm quá khiêm tốn (bình quân mỗi hộ chỉ được giảm khoảng 50.000đ/tháng) nên tác động là không đáng kể.
Cùng với đó, việc xác định đối tượng đủ điều kiện để áp dụng miễn thuế là không khả thi và khó có thể xác định được các hộ, cá nhân nào cung ứng dịch vụ giữ giá như cuối năm 2011, thực chất là như cuối năm 2010.
Mặt khác, theo ông Hiển, không có cơ chế để kiểm soát việc cung ứng dịch vụ cho người dân và không có chế tài xử lý nếu không thực hiện đúng quy định .
Lý do nữa, năm 2011 Quốc hội đã cho phép áp dụng chính sách giảm 50% thuế khoán thuế GTGT, thuế TNDN và thuế TNCN đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc, trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân. Tuy nhiên, Chính phủ chưa báo cáo cụ thể về hiệu quả đạt được, do đó chưa có cơ sở thuyết phục để đề xuất tiếp tục ban hành chính sách tương tự trong năm 2012.
Về đề nghị miễn thuế TNCN, giảm thuế GTGT, một số ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị xem xét miễn thuế TNCN đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 và giảm thuế GTGT để kích thích tiêu dùng nhằm góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN.
Kiều Minh
Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012 Xem thêm tại đây |
Bình luận