• Zalo

Cựu đại sứ Võ Văn Sung: Nuôi thù hận, cản trở hòa hợp là có tội với tương lai

Thời sựThứ Hai, 30/04/2018 13:22:00 +07:00Google News

“Nếu ai đó trong chúng ta dù từng đứng từ phía nào mà vẫn nuôi lòng thù hận, cản trở hòa hợp dân tộc thì sẽ dần trở nên lạc lõng và thật sự có tội với tương lai của chính con cháu mình” – nhà ngoại giao kỳ cựu Võ Văn Sung nói.

Nhà ngoại giao kỳ cựu Võ Văn Sung nói về hoà hợp dân tộc.

Cuộc chiến càng kéo dài thì hòa hợp càng lâu và khó khăn

- Không thể phủ nhận ý nghĩa vĩ đại của ngày 30/4/1975. Song sự nghiệp đặt ra sau khi thống nhất giang san là thống nhất lòng người dường như vẫn chưa hòan thành trọn vẹn. Bằng chứng là chúng ta vẫn phải nói về hòa  hợp dân tộc?

Trước hết tôi muốn nói rằng tôi đồng tình với ý tưởng thảo luận về hòa hợp để yêu thương. Đó là điều phù hợp với suy nghĩ và tấm lòng của con người, xét từ bản chất của mỗi chúng ta.

Mặt khác, khi bàn về vấn đề "hòa hợp dân tộc" ở nước ta sau chiến tranh chúng ta nên nhìn nhận và tiếp cận vấn đề không chỉ trên mặt tình cảm, mà cần thấy hiện thực cuộc sống nói chung và thực tế ở nước ta nói riêng. Như vậy là phải vừa có tình, vừa có lý.

Cái đích đấu tranh của dân tộc Việt Nam liên tục 30 năm kể từ năm 1945 đến 1975 chính là vì "Con người và Hạnh phúc con người".

Để đạt tới mục tiêu đó trước hết có hai chặng phải vượt qua là giành Độc lập-Thống nhất cho đất nước và Tự do cho nhân dân. Sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta đích thực là sự nghiệp của "yêu thương con người" ở cả hai mặt đồng bào và đồng loại.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy cuộc chiến càng dài và càng ác liệt thì quá trình hòa hợp sau chiến tranh càng lâu và khó khăn hơn. Những gì đã và đang xảy ra 35 năm qua ở Việt Nam chắc cũng không ngoài qui luật đó.

Khi đặt vấn đề "hàn gắn lòng người" thì chúng ta thấy rằng những "vết thương lòng" không phải chỉ người Việt mới có, mà những công dân Mỹ và các quốc gia đối địch cũ như Pháp và Nhật cũng phải gánh chịu "hội chứng Việt Nam".

Cho nên nhu cầu "hòa hợp dân tộc" cũng cần đặt trong bối cảnh chung của quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với các nước từng đối đầu trước đây. Tiến trình này nhanh hay chậm không chỉ phụ thuộc vào ước nguyện của một phía mà phải do hội đủ tác động đa chiều của quan hệ chính trị thế giới hơn 30 năm qua.

Riêng đối với người Việt Nam, có thể nhận thấy vấn đề "hòa hợp dân tộc" tác động và ảnh hưởng khác nhau đối với từng thế hệ trong giai đoạn lịch sử vừa qua.

Tâm trạng của những người thế hệ đi trước trực tiếp chứng kiến thời kỳ chiến tranh có phần tùy thuộc vị trí đã qua của từng người và gia đình họ, nhưng nhìn chung đối với thế hệ này dấu ấn để lại là rất sâu đậm và tùy theo việc làm của họ mà sự "day dứt" ở mỗi người có nội dung ra sao.

Cho đến nay thì ở ngay lớp thế hệ đi trước này hầu hết cũng đều mong "hòa hợp dân tộc, hàn gắn lòng người".

Đối với thế hệ hiện nay vào khoảng 40 tuổi thì có thể họ không có tâm trạng quá "nặng nề" như lớp người lớn tuổi nói trên.

Với thế hệ sinh ra cùng với thời kỳ hơn 20 năm "Đổi mới" ở Việt Nam, có thể cảm nhận rằng nhiều người trẻ tuổi này không thể không thấy tự hào về thành quả của Tổ quốc, của dân tộc.

Đương nhiên cũng như mọi người Việt Nam, họ cũng có ý kiến này, ý kiến khác, có khen ngợi, có phê bình về công việc chung của đất nước, chủ yếu với mong muốn cái tốt đẹp hơn nữa cho dân tộc, nhưng đó không phải là chủ đề hôm nay chúng ta đang đề cập về "hòa hợp và hàn gắn".

Cả hai phía đều có trách nhiệm chìa tay

- Khi nói về ngày 30/4, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: "Đó là ngày có hàng triệu người vui và có hàng triệu người buồn". Là nhân chứng thời cuộc, ông chia sẻ thế nào với suy nghĩ này của ông Võ Văn Kiệt?

Như ông Võ Văn Kiệt đã nói thì thực tế đúng là như vậy và riêng tôi, tôi cũng nhận thấy như vậy. Bởi lẽ, hầu như tất cả các gia đình Việt Nam đều chịu mất mát tang thương do chiến tranh, nhất là ở miền Nam, phần lớn đều có tình trạng những thành viên trong cùng một gia đình từng tham gia cuộc chiến từ hai phía.

Niềm vui ngày hoàn thành sự nghiệp độc lập-thống nhất cũng gợi nhắc lại nỗi đau chia rẽ và mất mát của một dân tộc bị chiến tranh xâm lược tàn phá suốt 30 năm ròng.

- Nói về câu chuyện hoà hợp, có người đã gợi ý rằng, điều này phải làm từ hai phía, quan trọng hơn cả là phía những người trong nước phải chủ động "chìa tay" ra. Theo ông, "chủ động chìa tay" ra nên hiểu thế nào đây?

Theo tôi, nếu chữ "hai phía" với ý là người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước có thể là chưa hoàn toàn đúng với thực tế. Vì cả trong nước và ngoài nước đều có "hai phía", cho nên ở đâu nếu gọi là thuộc "hai phía" thì đều có trách nhiệm "chìa tay".

Nhưng đây ý tôi nặng về thế hệ thứ nhất trực tiếp chứng kiến cuộc chiến tranh mà tôi đã đề cập. Còn đối với thế hệ thứ 2 và thế hệ thứ 3 thì tôi thực tâm nghĩ rằng họ đã "tay trong tay, lòng chung lòng" vì Tổ quốc và dân tộc từ lâu rồi.

Trong 20 năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy hòa hợp dân tộc, tạo điều kiện cho bà con người Việt ở nước ngoài trở về thăm hoặc định cư và góp phần xây dựng lại quê hương. Đó chính là tinh thần "chủ động chìa tay" của Tổ quốc.

 
Lúc này nếu ai đó trong chúng ta dù từng đứng từ phía nào mà vẫn nuôi lòng thù hận, cản trở hòa hợp dân tộc thì sẽ dần trở nên lạc lõng và thật sự có tội với tương lai của chính con cháu mình.

Cựu đại sứ Võ Văn Sung

Tuy nhiên trong thực thi cụ thể thì còn gặp khó khăn về thủ tục hành chính và trở ngại do tâm lý "mặc cảm" và "định kiến" của những người vốn chưa thông chính sách, thể hiện qua thái độ không tích cực đáp ứng những chủ trương của Nhà nước.

Điều này xảy ra trong cả bộ máy hành chính và cả trong số những người từng thuộc về "hai phía".

Lúc này nếu ai đó trong chúng ta dù từng đứng từ phía nào mà vẫn nuôi lòng thù hận, cản trở hòa hợp dân tộc thì sẽ dần trở nên lạc lõng và thật sự có tội với tương lai của chính con cháu mình.

Vì vậy theo tôi chỉ còn có cách là mỗi con dân Việt nam hãy cố gắng vượt qua "rào cản tâm lý", để sớm được "tay trong tay, lòng chung lòng" cùng đại gia đình Việt Nam.

- Trên thế giới, lịch sử của nhiều quốc gia cũng cho thấy họ đã từng trăn trở để hoà hợp dân tộc, thống nhất lòng người. Ví dụ câu chuyện của Hoa Kỳ hồi chiến tranh Nam - Bắc, để cuối cùng họ có một nghĩa trang chung. Là người đi nhiều, biết nhiều, ông có ý kiến như thế nào về câu chuyện hòa hợp của nhiều dân tộc trên thế giới?

Theo hiểu biết của tôi thì trên thế giới không có nhiều trường hợp giống như ở Việt Nam.

Câu chuyện ở Hoa Kỳ có hai việc: nội chiến Nam-Bắc và da màu. Đối với nội chiến Nam-Bắc đến nay có thể nói là xong, trở thành chuyện lịch sử.

Tuy nhiên ngay cả trong nội chiến Nam-Bắc cũng có vấn đề da màu. Vấn đề phân biệt màu da qua 200 năm đã có nhiều thời kỳ lên, xuống, đến nay có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn tùy khu vực.

Việc một người Mỹ da màu đầu tiên trở thành Tổng thống như vừa qua là một bước có ý nghĩa lớn, nhưng theo tôi, từ đây cho đến lúc hoàn toàn "hòa hợp" còn dài.

Ngoài ra không nên quên Hoa Kỳ cũng có thời kỳ chiến tranh giành độc lập vì trước đây là thuộc địa của Anh và thời đó họ đã cùng đoàn kết giành độc lập cũng như ở các nước khác.

Thật ra, những sự kiện xảy ra ở Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua là rất đặc thù. Vì thế chúng ta có thể xem xét học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhưng cũng không thể hoàn toàn hòa đồng vấn đề của ta với những trường hợp khác xảy ra trên thế giới.

Bản chất cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua không phải là một cuộc nội chiến như đã từng xảy ra ở Mỹ, dù rằng có lúc đã có hàng triệu người Việt Nam đối đầu nhau từ hai phía.

Dân tộc Việt Nam đã kháng chiến trường kỳ chống các thế lực xâm lược liên tục 30 năm dưới ngọn cờ duy nhất của Hồ Chí Minh, trong đó giai đoạn cuối cùng từ sau khi ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 đến ngày 30/4/1975 chỉ là hồi kết của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngay cả trong giai đoạn này chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cũng chưa bao giờ thoát ra ngoài vòng bảo trợ của Mỹ.

Nhìn nhận đúng về ông Dương Văn Minh

- Quay trở lại câu chuyện của Việt Nam, thưa ông khi nói về ngày 30/4, nhiều người có ý tiếc bởi hồi đó, ông Dương Văn Minh có ý bàn giao chế độ nhưng các chiến sĩ của ta đã yêu cầu ông ấy phải đầu hàng vô điều kiện.

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn nhân 30 năm ngày thống nhất đất nước, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt có ý muốn đánh giá lại vai trò của ông Dương Văn Minh. Theo ông, nên nhìn nhận như thế nào về cho đúng về vấn đề này?

Ở đây có hai ý: vai trò của ông Dương Văn Minh và việc buộc nội các Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện.

Liên quan đến ý thứ nhất: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thành công không phải chỉ dựa trên sức mạnh quân sự thuần túy, mà là được định đoạt bởi sức mạnh tổng hợp đấu tranh chính trị-quân sự-ngoại giao của toàn dân tộc Việt nam.

Ở miền Nam tư tưởng đó phần nào được phản ánh trong thế trận "3 mũi giáp công". Tôi là một trong số những người trực tiếp tham gia quá trình nghiên cứu và thực hiện "vừa đánh, vừa đàm" trong cuộc đàm phán "bí mật" giữa ta và Mỹ tại Paris. Trong đó nội dung giải pháp có nhiều phương án, cả về quân sự và chính trị.

Trong các loại phương án giải pháp chính trị, tôi biết rằng ta có liên lạc riêng với ông Dương Văn Minh trao đổi về vai trò ông có thể giữ theo từng loại phương án với thu xếp của ta và thông qua người phía ta cài vào nội các của ông.

Những động thái trên thực tế đã hạn chế ý chí kháng cự của quân đội Sài Gòn và làm tê liệt hệ thống hành chính của chế độ cũ trước thời khắc quan trọng ngày 30/4 đã thể hiện phần nào hiệu quả của một cuộc đấu tranh tổng lực bằng vận động giải pháp chính trị, nổi dậy tại chỗ phối hợp chặt chẽ với 5 mũi tiến công của các quân đoàn chủ lực quân giải phóng.

Chúng ta biết rằng vào thời điểm cuối tháng 4/1975 nếu Nguyễn Văn Thiệu và bè lũ còn nắm quyền và thực hiện "tử thủ" như ở Xuân Lộc thì chắc chắn ta không có một Sài Gòn giải phóng còn nguyên vẹn và chắc chắn phải hy sinh nhiều sinh mạng hơn.

Tôi từng được nghe kể lại việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không bằng lòng gọi một trận chiến tiêu diệt nhiều sinh mạng đối phương là một trận đánh đẹp, bởi Người cảm thông sâu sắc nỗi đau của những gia đình bị mất con em dù ở phía nào đi nữa.

Người từng huấn thị trong kháng chiến là: "Đánh mà thắng là giỏi, đánh thắng mà tổn thất ít càng giỏi hơn. Không đánh mà thắng là giỏi hơn cả". Như vậy Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng với tổn thất được hạn chế tối thiểu quả là một kỳ tích oanh liệt trong lịch sử quân sự.

Trên tinh thần đó, theo tôi ông Dương Văn Minh có mặt mà ta cần nhìn nhận đúng mức. Ngoài ra tôi biết rằng gia đình ông Dương Văn Minh có những người thuộc hàng ngũ ta như em trai ông lúc bấy giờ là sĩ quan cấp trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam, hoặc như con trai ông là Dương Minh Đức là cốt cán của ta trong nhóm Việt ngữ, nòng cốt của phong trào Việt kiều tại Pháp trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Nay anh Dương Minh Đức đã qua đời nên tôi muốn nói rõ rằng Đức là cầu nối kín đáo giữa ta với ông Dương Văn Minh. Tôi chắc rằng những người thân đã có ảnh hưởng và tác động nhiều đến suy nghĩ và hành động của ông Minh. Tôi luôn tin rằng phần đông người Việt Nam mình đều có lòng yêu nước thương nòi, thường bộc lộ rõ nhất vào những thời điểm trọng đại của dân tộc.

Về ý thứ hai: Đơn vị quân giải phóng tiến vào Sài gòn đầu tiên đã buộc ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Về sự kiện này tôi nghĩ rằng anh em vào dinh Độc lập chắc là họ không thể làm khác trong không khí hừng hực tiến công lúc bấy giờ và làm sao anh em biết thực sự về việc ông Dương Văn Minh quan hệ với ta như tôi vừa kể trên. Vì vậy sau 35 năm nhìn lại sự kiện lịch sử, rất khó nói rằng có thể có cách gì khác hơn xảy ra vào thời điểm đó.

Bao dung, độ lượng sẽ làm tan đi băng giá quá khứ

- Từ góc nhìn của một nhà ngoại giao đã nhiều năm gắn bó với công tác Việt kiều, theo ông, chúng ta có thể làm gì hơn để không còn phải nói, phải bàn về vấn đề hòa hợp dân tộc, để ngày 30/4 sẽ là ngày vui của toàn dân tộc Việt Nam?

Tôi thấy rằng ngày 30/4 từ 35 năm nay đã là ngày lịch sử của dân tộc. Vì đó là ngày khao khát chờ đợi của bao thế hệ người Việt Nam, là ngày đánh dấu sự kiện một nước "nhược tiểu" đã bền bỉ "lấy sức ta tự giải phóng cho ta", thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, một kỳ tích có một không hai trong lịch sử thế giới với sự lãnh đạo của một con người đầy đức độ là Hồ Chí Minh.

Tôi nghĩ khó có gì có thể làm lu mờ ý nghĩa lịch sử vĩ đại này.

Với ngày 30/4 chúng ta đã qua được chặng đường đầu tiên "Nước ta hoàn toàn độc lập" để tiếp tục thực hiện "Dân ta được hoàn toàn tự do" và tiến tới "Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành", tức là thực hiện phương châm trước sau như một của nước Việt Nam kể từ ngày quốc khánh 2/9/1945 là "Độc lập-Tự do-Hạnh phúc".

Trong 35 năm qua, xét về quan hệ quốc tế chúng ta được chứng kiến một nước Việt Nam đã "hòa giải" tốt đẹp với các đối thủ cũ là Nhật và Pháp và hôm nay quan hệ với Hoa Kỳ cũng đang ngày càng thân thiện.

Cả ba nước đã và đang trở thành đối tác chiến lược và đối tác hàng đầu của Việt Nam. Đó là thiện chí của tất cả các phía, nhưng cũng là minh chứng cho truyền thống hòa hiếu cao thượng của dân tộc Việt Nam.

Trong hoàn cảnh chung như vậy, những người Việt Nam ở các nước đó đang giữ mối liên hệ rất gắn bó với bà con mình trong nước và họ đang đầu tư bằng nhiều cách về cho gia đình và cho đất nước.

Các cựu chiến binh, vốn là những người trực tiếp đối đầu quyết liệt trước đây từ hai phía, nay trở thành lực lượng tích cực giao lưu, tăng cường hiểu biết lẫn nhau để hòa hợp và hàn gắn vết thương.

Đối với tâm lý của nhiều người trong thế hệ trước, điều này không dễ dàng chút nào, nhưng tấm lòng bao dung, độ lượng sẽ làm tan đi băng giá của quá khứ.

Những lời Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã phát biểu với bà con Việt kiều khi sang thăm Hoa Kỳ và nhân dịp Tết Nguyên đán vừa qua chứng tỏ Chính phủ đang cố gắng cải thiện tốt hơn môi trường trong nước để "mở rộng vòng tay" đón nhận tất cả những người con Việt Nam về với đất nước.

Từ trải nghiệm của tôi trong nửa thế kỷ gắn bó với Việt kiều, tôi tin chắc rằng sâu thẳm trong mỗi con người, hầu hết chúng ta đều có tấm lòng với đất nước, mong cho quê hương được hòa bình và gia đình được hạnh phúc.

Đấy chính là mẫu số chung của những người con dân Việt Nam và cùng với tấm lòng bao dung, độ lượng, đó sẽ là cơ sở vững chắc cho "hòa hợp dân tộc" và "hàn gắn lòng người".

Vì vậy, chúng ta có thể tin vào một tương lai tốt đẹp không chỉ của riêng đồng bào mình, mà là tương lai của dân tộc ta hòa cùng với các quốc gia khác trên thế giới đang xích lại gần, hội nhập, gắn bó với nhau.

Con đường đi lên hạnh phúc của dân tộc Việt Nam còn lâu dài, khó khăn, nhưng nếu kiên trì "Đổi mới" chắc là chúng ta sẽ thành công.

- Xin cám ơn cựu đại sứ Võ Văn Sung.

* Cựu đại sứ Võ Văn Sung là người còn lại duy nhất trong 5 thành viên chính thức đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa ký kết Hiệp định Paris lịch sử ngày 27/1/1973.

Video: Cuộc hội ngộ giữa tác giả và nhân vật trong bức ảnh "Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập"

 

 

 

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn