• Zalo

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia: Thu tiền của dân làm kinh phí dự phòng, không có động cơ chia chác

Pháp đìnhThứ Tư, 19/07/2023 11:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhận trách nhiệm với vi phạm xảy ra ở Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia nhưng bị cáo Trần Việt Thái nói "không có động cơ chia chác" khi thu tiền của người dân.

Bị cáo Trần Việt Thái tự bào chữa.

Sáng 19/7, tiếp tục phiên tòa xét xử đại án "chuyến bay giải cứu", trong phần tự bào chữa, bị cáo Trần Việt Thái - cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, cho biết, thời điểm tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Malaysia về nước là rất căng thẳng, việc thu kinh phí dự phòng đối với người dân và các tù nhân tại Malaysia là bất khả kháng nhằm đề phòng các tình huống có thể xảy ra.

"Bản thân đại sứ quán không có kinh phí nên phải thu kinh phí dự phòng để dự phòng cho những trường hợp rủi ro khi bảo hộ công dân. Chúng tôi không có động cơ chia chác trong việc này", ông Thái khẳng định về số tiền thu dôi ra để làm kinh phí dự phòng.

Bị cáo Trần Việt Thái - cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia. (Ảnh: CAND).

Bị cáo Trần Việt Thái - cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia. (Ảnh: CAND).

Giải thích thêm về kinh phí dự phòng, ông Thái cho biết, Đại sứ quán không có nhiều kinh phí, dự toán kinh phí bảo hộ công dân chỉ có 10.000 USD cho năm 2021, trong khi bối cảnh COVID-19 khó khăn.

Ông Thái giải thích mức thu đã tính toán rất nhiều yếu tố và phải tính để dự phòng các rủi ro bởi giá cả liên tục tăng. Tuy nhiên, vì rủi ro được ngăn chặn được nên tiền đó thừa ra. Một rủi ro ông Thái nêu là nếu chuyến bay bị hủy, hoãn thì phải nuôi họ thêm một tháng, đây là một vấn đề cần dự phòng chi phí hoặc là chi phí test COVID-19 nhiều lần không thể tính toán trước.

Ngoài ra, ông Thái thông tin, tại Malaysia có 4 trại chờ dành cho các tù nhân, thời điểm dịch diễn biến phức tạp, ông Thái đã cử bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Anh (cựu cán bộ Đại sứ quán) đi khảo sát. Khi trở về, Ngọc Anh báo cáo lại "tình hình môi giới trong các trại vô cùng phức tạp".

"Đối với các trại nữ, môi giới vào đưa thuốc lắc, ma túy vào ép sử dụng, có dấu hiệu làm dụng, bóc lột tình dục. Tôi là Đại sứ mới sang, rất bức xúc và nói lại với chị Ngọc Anh nhân viên rằng "như vậy là rất nghiêm trọng". Đối với trại nam, môi giới tên Quách Văn Mừng, Nguyễn Tuấn Anh vào các trại cấu kết với người bản địa thu phí rất cao", ông Thái nói.

Theo ông Thái, người môi giới Quách Văn Mừng, Nguyễn Tuấn Anh thu mỗi người về 40-60 triệu đồng thậm chí 80 triệu đồng một vé. Trong khi đó, các chuyến bay do Đại sứ quán tổ chức có giá vé hơn 20 triệu đồng đối với người có hộ chiếu, gần 25 triệu đồng với người không có hộ chiếu.

''Vì bị chúng tôi ngăn chặn, môi giới cho rằng chúng tôi đạp đổ nồi cơm của họ, viết đơn tố cáo chúng tôi và đe dọa chị Ngọc Anh'', ông Thái nói.

Về lý do không sử dụng tài khoản Đại sứ quán mà sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân, ông Thái giải thích theo Luật kế toán, các ông không được phép sử dụng tài khoản ngân hàng của Đại sứ quán. Trong khi đó, tiền kinh phí giải ngân ở Đại sứ quán thường rất chậm trong khi các chuyến bay thường diễn ra nhanh, chỉ 5-7 ngày.

''Thực sự là bí, anh em chúng tôi nát đầu, chỉ còn cách Đại sứ quán phải vào thu. Chúng tôi vào thu không phải vì vấn đề bồi dưỡng mà vì sức ép thực tiễn. Cảm ơn các đồng nghiệp của tôi là những người dám làm, nhưng giờ lại không theo quy định mà theo quy định sẽ không làm được việc. Xin tòa xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo từng là đồng nghiệp của tôi", cựu Đại sứ kết thúc phần bào chữa.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tổ chức 8 chuyến bay giải cứu, đưa 1.891 người chấp hành xong án phạt tù ở 19 trại chờ về nước.

Để được về, mỗi người mãn hạn tù phải đóng cho đại sứ quán 20,3 triệu đồng/người; người không có hộ chiếu phải đóng 25 triệu và người ở đảo xa phải bay về thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) phải nộp từ 30 - 35 triệu đồng. Trong đó, riêng khoản cấp hộ chiếu, các bị cáo thu hơn 4,6 triệu đồng/cuốn nhưng chỉ nộp về ngân sách 1,6 triệu đồng/cuốn.

Ông Thái và các thuộc cấp đã thu 44,6 tỷ đồng của số người kể trên nhưng chi phí chỉ hết 33 tỷ đồng. Đối với số dư hơn 11 tỷ đồng, ông Thái và cấp dưới giữ lại 5 tỷ đồng và chia nhau, trong đó ông Thái được 580 triệu đồng.

Trong phần luận tội, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia 5-6 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Viện Kiểm sát đề nghị mức án 4-5 năm tù đối với Nguyễn Lê Ngọc Anh và Nguyễn Hoàng Linh; 2-3 năm tù với Đặng Minh Phương (3 bị cáo là cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Anh Văn - Đắc Huy
Bình luận
vtcnews.vn