Cựu đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Joseph Yun nói với CNN, ông tin rằng Tổng thống Trump "đã bắt đầu hiểu rằng phi hạt nhân hóa là một cuộc đấu tranh dài, rất dài" và là thứ không thể đạt được chỉ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, thậm chí là nhiệm kỳ thứ hai - nếu ông tái đắc cử.
"Đó là lý do ông ấy liên tục nói 'chúng ta có tất cả thời gian ở đây, không có gì vội'. Ông ấy đang thay đổi mục tiêu, hạ thấp kỳ vọng", ông Joseph Yun nói.
Thay vào đó, ngày 30/6, ông Trump chủ yếu tập trung vào mối quan hệ cá nhân của ông với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên dường như đã đi vào bế tắc trong những tuần gần đây, trước cuộc gặp lịch sử chớp nhoáng giữa lãnh đạo hai bên tại khu vực phi quân sự .
Cuộc gặp gỡ cuối cùng của họ trước đó tại Hà Nội kết thúc mà không có bất cứ thỏa thuận chung nào. Trong những tuần sau, cũng có rất ít thông tin về bất kỳ tiến triển nào.
Sau cuộc gặp với ông Kim hôm nay, ông Trump cho biết các cuộc đàm phán sẽ được nối lại, do đặc phái viên Steve Biegun dẫn đầu. Ông Trump nói thêm: "Chúc may mắn, Steve."
Ông Biegun trước đó nói rằng "cánh cửa đang mở rộng" để các cuộc đàm phán tiếp tục, nhưng lưu ý "chính sách ngoại giao Mỹ-Triều Tiên đã ở trong xu hướng cầm chừng" kể từ cuộc gặp ở Hà Nội.
Trong khi đó, trọng tâm lớn của Bình Nhưỡng là giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt. Ông Trump nói sau cuộc gặp với ông Kim rằng hiện tại các biện pháp trừng phạt sẽ vẫn được áp dụng, nhưng điều này có thể thay đổi nếu các cuộc đàm phán diễn ra tốt đẹp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông đã đồng ý với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để bắt đầu lại các cuộc đàm phán sau khi các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ vào đầu năm nay.
Ông Trump cho biết các nhóm đàm phán được các bên chỉ định sẽ bắt đầu nhóm họp và làm việc trong hai đến ba tuần tới, nhưng nhấn mạnh rằng ông không muốn vội vã tìm kiếm một thỏa thuận. "Tốc độ không phải là mục tiêu", ông Trump nói. "Không ai biết mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào."
Bình luận