• Zalo

Cứu Cụ Rùa: Dự án nhỏ, ý nghĩa lớn xin đừng chậm trễ!

Bạn đọc viếtChủ Nhật, 27/02/2011 06:35:00 +07:00Google News

(VTC News) – Tiếp tục diễn đàn “Giải cứu cụ rùa Hồ Gươm”, xin gửi đến bạn đọc ý kiến thảo luận tâm huyết của một kĩ sư khác, độc giả Hoàng Khánh.

(VTC News) – Tiếp tục diễn đàn “Giải cứu cụ rùa Hồ Gươm”, xin gửi đến bạn đọc ý kiến thảo luận tâm huyết của một kĩ sư khác, độc giả Hoàng Khánh.


Mặc dù không biết rõ ông Dư là ai, "tiếng tăm" gì không, học hàm học vị gì, nhưng qua phương án ông Dư đưa ra, tôi thấy đây là phương án hoàn toàn khả thi.

 

Tôi đã từng làm ở đơn vị quản lý thực hiện Dự án vệ sinh môi trường, trong đó bao gồm hạng mục xử lý nước thải sinh hoạt/ nước thải đô thị. Thực ra, công tác xử lý nước thải là một công tác rất trực quan, nguyên lý xử lý nước thải rất đơn giản và dễ hình dung mà bất cứ ai chỉ cần có kiến thức sơ bộ là có thể nắm vững được.

 

Về công nghệ xử lý, một số công ty sẽ có công nghệ độc quyền riêng, tuy nhiên về cơ bản, công nghệ XLNT là công nghệ đã ứng dụng quá rộng rãi, nên độ tin cậy của việc lựa chọn các công nghệ đều khá cao. Chúng ta hoàn toàn không nên lo lắng đến hiệu quả của công nghệ xử lý (ngay cả công nghệ không hiệu quả, thì cũng không ảnh hưởng xấu thêm đến chất lượng nước, nghĩa là không thể có sự cố công nghệ nghiệm trọng xảy ra).

 

 

Nhiều người dân quan tâm tới việc cải tạo hồ Gươm, cứu cụ Rùa ghé xem việc cấp nước cho hồ Gươm. (Ảnh: Quang Tùng)

Về phương án xử lý: như bài báo phân tích có thể thấy, Hồ Gươm đang bị ô nhiễm bởi hai nguồn:


(i)
Thứ nhất là ô nhiễm do nước thải sinh hoạt chưa xử lý bằng cách nào đó rò rỉ, chảy vào hồ. có thể có thêm một ít nước thải hóa học do các cơ sở sản xuất gần đó nhiễm vào. Như đã
nói ở trên, dạng ô nhiễm này cực kỳ dễ xử lý;

(ii) Ô nhiễm do tảo: hàm lượng tảo mọc quá nhiều trong hồ cũng là một nguyên nhân gây ô nhiễm.

 

Việc xử lý tảo tuy có vẻ khó hơn xử lý nước, nhưng theo tôi được biết hiện nay tại VN cũng có rất nhiều công nghệ xử lý tảo hiệu quả (ông Dư đưa ra công nghệ Z9F cũng là một công nghệ cần cấp thẩm quyền nghiêm túc lưu tâm).

 

Vấn đề cần làm rõ ở đây là liệu công nghệ xử lý tảo có các ảnh hưởng phụ đến nước sau khi lọc tảo không, ví dụ như chất hóa học khác... Nói là lưu ý, nhưng tôi nghĩ vấn đề này không phải là quá phức tạp để đến nỗi phải mất hàng vài tháng nghiên cứu, hội thảo, thử nghiệm. Nó cũng hoàn toàn trực quan, chỉ cần kiểm tra nguyên tắc làm việc của hệ thống, thí nghiệm các sản phẩm đầu ra, và nếu cẩn thận hơn có thể khoanh vùng thử nghiệm ngay, thì kết luận cuối cùng về công nghệ lọc tảo cũng hoàn toàn có thể đưa ra được.

 

Về nạo vét bùn đáy: cũng là người con Việt Nam, tôi cũng rất quan tâm đến hồ Gươm, trong đó có sự tồn tại của một biểu tượng lịch sử, huyền thoại là cụ Rùa.

 

Vấn đề bùn đáy của hồ Gươm là nghiêm trọng, và đã được các nhà khoa học cảnh bảo từ rất lâu. Đến giờ, thật đau lòng, và tôi cũng không thể hiểu tại sao công tác nạo vét bùn cho hồ vẫn chưa thực hiện được (tôi được biết trước đây có dự án nạo vét bùn cho hồ; nhưng những thông tin về dự án này như tiến độ thực hiện, kết quả thực hiện... tôi chưa hay không thể cập nhật được).

 

Để xử lý bùn, có nhiều phương án áp dụng, tuy nhiên phương án như ông Dư đưa ra cũng là phương án hoàn toàn trực quan, mà theo đánh giá của cá nhân là sẽ hiệu quả tốt, chi phí thấp, có thể áp dụng tốt.

 

Về lâu dài, để bảo vệ hồ Gươm, trước hết cần có xây dựng được phương án bảo tồn, trong đó cần có các khoản chi phí thực hiện bảo dưỡng định kỳ cho hồ. Khoản chi phí này là không lớn, phân bổ đều hằng năm, nhưng nếu thiếu nó là không được. Vì tôi lo ngại thiếu nó rồi cũng như cái đồng hồ mà thành phố Hà Nội được Thụy Điển tặng nhân 1000 năm Thăng Long - đã có lúc không chạy vì không có nguồn điện (chi phí điện cho một công trình văn hóa ý nghĩa này liệu có hơn hai bóng đèn đường không nhỉ?)

 

Ngoài ra, cần lập dự án nghiên cứu, thực hiện công tác kiểm tra các nguồn nước thải đang bị rò rỉ, hoặc chảy thẳng vào hồ Gươm. Cần phải kiểm tra, xử lý các nguồn nước thải này trong thời gian sớm nhất (và để thực hiện thì cũng cần chủ trương của thành phố cho lập dự án).

 

Bên cạnh đó, vì nước trong hồ là nước tù, nên chúng ta cũng cần nghiên cứu phương án lập hệ thống ống dẫn đưa nước sông Hồng lưu thông, thay nước trong hồ. Đây có thể là kế hoạch dài hơi, cần cả một thời gian dài để "xin chủ trương", "phê duyệt dự án"... theo các quy định. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm và danh dự của một kỹ sư đã từng làm nhiều dự án cấp thoát nước, tôi tin rằng tổng chi phí của dự án quan trọng này là không lớn, hoàn toàn nằm trong khả năng thực hiện của thành phố. Sẽ không phải tốn hàng trăm triệu USD vay ODA như các dự án thoát nước của thành phố. Với hơn 4km đường cống ngầm chạy dưới càng đường giao thông, cùng hệ thống phụ trợ, tổng chi phí thực hiện dự án (bao gồm toàn bộ chi phí tư vấn, xây lắp, mua sắm, QLDA, dự phòng...) sẽ không vượt quá 7 triệu USD.

 

Có thể là võ đoán, và 7 triệu USD là lớn nếu so với mức sống của người dân Việt Nam. Nhưng thử nhìn lại chi phí xây dựng cho 1km đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa 45 triệu USD, cũng như các dự án thoát nước đô thị khác kèm theo hiệu quả của nó, thì sẽ thấy khoản chi phí này là rất nhỏ, ý nghĩa và giá trị của dự án lại cực kỳ lớn.

 

Trên đây là một số ý kiến cá nhân của tôi, rất mong Quý báo xem xét, đăng lên như một lời tâm huyết của một người con Việt Nam đối với một tài sản lịch sử quý giá của dân tộc.

 

Hoàng Khánh


Bất kể là linh vật thực sự hay đơn thuần là một sinh vật quý hiếm, thì "cụ rùa" Hồ Gươm cũng đã trở thành biểu tượng không thể thiếu mỗi khi nhắc đến Hà Nội, với những ý nghĩa tình cảm, tâm linh không thể phủ nhận trong tâm thức mỗi người Việt Nam.

Hãy chia sẻ, bày tỏ những ý kiến, giải pháp của bạn qua ô thảo luận cuối bài, hoặc mail về
[email protected].

Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn