Ngày 28/6, TAND TP Hà Nội đưa Nguyễn Xuân Tính (30 tuổi, ở Hà Nội; cựu Trung uý công an công tác tại Công an huyện Phúc Thọ) ra xét xử về tội "Vô ý làm chết người". Bị hại trong vụ án là anh N.Đ.A. (21 tuổi, ở Quảng Ninh, sinh viên Trường đại học Giao thông Vận tải).
Sau khi HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Tính 30 tháng tù, nhiều người cho rằng mức án này là quá nhẹ, chưa đủ răn đe, đặc biệt bị cáo từng là công an, hiểu biết pháp luật.
Trả lời PV VTC News, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đây là vụ việc đáng tiếc khi nạn nhân thiệt mạng và người gây ra cái chết cho nạn nhân phải đối mặt với hình phạt tù, bị tước danh hiệu Công an Nhân dân.
Theo Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định bị cáo không có mâu thuẫn thù oán gì với nạn nhân, không có ý định sát hại nạn nhân, việc nạn nhân chết là ngoài ý chí chủ quan của bị cáo, bị cáo không mong muốn nạn nhân chết nên mới xử lý về tội "Vô ý làm chết người".
Còn trường hợp có mâu thuẫn thù oán, sử dụng hung khí để sát hại nạn nhân thì đó là tội "Giết người", chứ không còn là tội "Vô ý làm chết người".
"Bởi vậy, dù bị cáo thử súng bị cướp cò hay bắn vào một mục tiêu khác nhưng đã lạc đạn vào người nạn nhân khiến nạn nhân thiệt mạng thì đây vẫn là lỗi vô ý. Bị cáo không ngắm vào người nạn nhân, không chủ ý bắn vào nạn nhân thì vẫn chỉ xử lý về tội "Vô ý làm chết người".
Tuy nhiên, cơ quan tố tụng cần làm rõ lỗi vô ý là do chủ quan hay do cẩu thả và việc bị cáo có ngắm vào người bị hại hay không, nếu không ngắm bắn vào người bị hại thì ngắm vào đâu, vì sao viên đạn lại lạc một góc như vậy để xác định tính chất nghiêm trọng của vụ án cũng như xác định yếu tố lỗi để xác định tội danh", luật sư Cường bày tỏ quan điểm.
Theo quy định của pháp luật thì mức hình phạt sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật đối với điều luật mà tòa án áp dụng để buộc tội (căn cứ vào khung, khoản điều luật), trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Nếu là tội "Giết người" (lỗi cố ý) thì hình phạt thấp nhất là 7 năm tù, cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Còn với tội "Vô ý làm chết người" (lỗi vô ý - bị cáo không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, không nhận thức được hành vi có thể dẫn đến chết người) nhưng vụ việc vẫn dẫn đến hậu quả chết người, hậu quả chết 1 người thì theo quy định tại điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 mức hình phạt từ 1 năm đến 5 năm tù.
"Trong vụ án này, kết quả điều tra, truy tố, xét xử cơ quan tố tụng kết luận bị cáo phạm tội "Vô ý làm chết người", khung hình phạt được pháp luật quy định là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm xác định bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả và có thể còn một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác... nên tòa án đã tuyên phạt bị cáo 30 tháng tù. Tôi cho rằng như thế là phù hợp", luật sư Cường nói.
Ông Cường cho rằng nếu gia đình bị hại không đồng ý với mức hình phạt như vậy thì có quyền kháng cáo và viện kiểm sát có quyền kháng nghị.
Tuy nhiên trong vụ việc này là lỗi vô ý, nạn nhân đã được bồi thường đầy đủ và không có ý kiến gì, bị cáo đã mất cả sự nghiệp, hành vi thể hiện thái độ ăn năn hối cải sau khi sự việc xảy ra nên việc tòa án quyết định mức hình phạt như vậy là thể hiện tính chất nhân đạo, khoan hồng, tạo cơ hội cho bị cáo sớm trở về với đời sống xã hội để trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội, tiếp tục cống hiến đóng góp cho xã hội.
Bên cạnh đó, luật sư Đặng Văn Cường cũng chỉ ra các tình tiết quan trọng cần làm rõ trong vụ án: "Theo nội dung lời khai của bị cáo thì bị cáo không có chủ đích bắn đạn, chỉ ngắm vào tường để xem tầm ngắm bắn thế nào nhưng tay lại sờ vào cò súng dẫn đến việc nổ súng và hậu quả khiến nạn nhân thiệt mạng.
Vấn đề này cần phải đánh giá bằng các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để cho thấy tính khách quan trong lời khai của bị cáo. Nếu là ngắm súng vào tường, với khoảng cách 20m thì rất khó có thể bắn vào người khác, trừ trường hợp có người băng qua đột ngột.
Trường hợp ngắm súng, không chủ định bắn mà lại thò tay lên bóp cò đối với một người đã từng được huấn luyện rất kỹ về việc sử dụng vũ khí quân dụng, chưa nói là vũ khí thô sơ còn đơn giản hơn rất nhiều là điều khó hiểu.
Cơ quan tố tụng cần phải làm rõ vị trí ngắm bắn hoặc ngắm thử súng và vị trí nạn nhân bị trúng đạn có gần nhau không, vì sao ngắm súng vào tường mà lại bắn trúng một người ở một vị trí khác? Vấn đề này cần phải làm rõ bằng các chứng cứ vật chất để cho thấy lời khai của bị cáo có thành khẩn hay không, mục đích lời khai của bị cáo là gì?".
Theo luật sư, việc mua những khẩu súng trên mạng xã hội về sử dụng mà không có đăng ký với cơ quan nhà nước là hành vi vi phạm pháp luật hành chính và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm cho xã hội.
Bị cáo là người hiểu biết pháp luật nhưng không biết tôn trọng pháp luật, hành vi mua súng đạn thể thao trên mạng xã hội về tự sử dụng là hành vi vi phạm pháp luật hành chính. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính và bị xem xét kỷ luật.
Cụ thể, với hành vi mua bán, sử dụng trái phép vũ khí thể thao bị cáo bị xử phạt hành chính đến 20 triệu đồng theo quy định tại khoản 5, điều 10 của nghị định số 167. Với hậu quả làm chết người thì bị cáo sẽ bị kỷ luật Đảng và kỷ luật công chức với hình thức cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng và tước danh hiệu Công an Nhân dân trước khi khởi tố bị can.
Bởi vậy, ngoài chế tài hình sự là 30 tháng tù thì cựu cán bộ công an này còn phải chịu nhiều hình thức kỷ luật và bị xử phạt hành chính đến 20 triệu đồng theo quy định pháp luật nêu trên.
Bình luận