• Zalo

Cựu chuyên viên Google: 'Tôi bỏ việc để phản đối công cụ tìm kiếm kiểu Trung Quốc'

Khoa học - Công nghệThứ Hai, 03/12/2018 14:16:00 +07:00Google News

Muốn lấy lòng Trung Quốc, Google đang phải đối mặt với sự chia rẽ nội bộ lớn chưa từng có.

Dưới đây là ý kiến của Jack Poulson, cựu chuyên viên phân tích data của Google về lý do anh quyết định bỏ việc tại công ty công nghệ lớn nhất thế giới được đăng trên The Intercept.

John Hennessy, chủ tịch Alphabet - công ty mẹ của Google - trong những ngày này thường được báo giới hỏi rằng liệu người dùng Trung Quốc có lợi ích gì khi Google phát triển công cụ tìm kiếm tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

"Tôi không biết câu trả lời, nhưng câu hỏi này lại rất xác đáng. Mọi nền tảng làm việc tại Trung Quốc ít nhiều bị mất đi giá trị vốn có. Luật pháp Trung Quốc khác biệt rất nhiều so với những đất nước khác", John Hennessy nói.

Google2 3

Dự án Dragonfly gây chia rẽ nội bộ Google nặng nề. (Ảnh: GettyImages) 

Phát biểu của Hennessy phần nào nhằm vào dự án gây tranh cãi Dragonfly, một công cụ tìm kiếm có khả năng kiểm duyệt những nội dung "nhạy cảm", đồng thời kiểm soát chặt chẽ thông tin người dùng.

Tôi làm việc với tư cách là một nhà khoa học chuyên phân tích data cho Google. Kể từ 1 tháng sau khi Google tiết lộ dự án Dragonfly, tôi quyết định nghỉ việc sau nhiều lần tuần hành và đấu tranh nội bộ thất bại. Tôi phản đối dự án ngay khi biết được khách hàng của Google là ai chứ không đợi tới khi những thông tin chi tiết có liên quan được rò rỉ thêm ra ngoài.

Ngày 1/8, tin tức về Dragonfly bắt đầu lộ diện dần và rõ ràng hơn bao giờ hết. Một nhân viên làm việc trong dự án đã đăng lên diễn đàn nội bộ của công ty trên Google Plus rằng "Dragonfly tồi tệ đúng như lời đồn đại".

Ngay sau đó, người đăng đã bị xóa tên khỏi dự án trong khi một nhân viên khác nghỉ việc vì biết được những thông tin xác thực của Dragonfly. Lúc này, tôi lo sợ và hỏi đồng nghiệp rằng liệu Google đã có những phát biểu chính thức về vấn đề này chưa.

Trong lúc chờ đợi lời hồi đáp từ ban giám đốc Google, chúng tôi chia sẻ cho nhau mã nguồn của dự án. Mặc dù nhiều phần đã bị ẩn bớt, những nội dung còn lại vẫn đủ làm chúng tôi phẫn nộ.

Google

CEO Google chưa hề đưa ra một bình luận xác đáng đối với Dragonfly. (Ảnh: GettyImages)

Theo Mashable, dự án Dragonfly được thiết kế dành riêng cho Trung Quốc với chính sách kiểm duyệt vô lý. Công cụ tìm kiếm sẽ tự động kiểm duyệt các từ khóa như "quyền con người", "giải Nobel", "phong trào sinh viên". Đồng thời, nền tảng còn theo dấu lịch sử tìm kiếm của người dùng đến số điện thoại cá nhân và cho phép chính phủ quyền truy cập thông tin đó.

Vì có việc ở Toronto, tôi không thể cùng đồng nghiệp bàn luận trực tiếp về vụ Dragonfly tại Google. Sau khi nghe tin buổi gặp trực tiếp của Sundar Pichai và nhân viên Google không hề đem lại một kết luận hay giải pháp tích cực cho dự án trên, tôi quyết định phải tự mình làm rõ. Tôi soạn thảo một văn bản dài 6 trang nêu ra những lý do tôi và đồng nghiệp một mực phản đối Dragonfly.

Hai tuần cuối cùng tại Google, tôi cố gắng gặp gỡ tất cả nhân viên và ban quản trị nhiều nhất có thể, bảo họ hãy đọc văn bản phản đối mà tôi đã soạn. Tuy nhiên, nỗ lực của tôi như muối bỏ bể.

Tôi gặp Jeff Dean, trưởng bộ phận trí thông minh nhân tạo của Google để bàn bạc về vụ việc. Dean cãi rằng chỉ có một ít thông tin bị kiểm duyệt và hành động theo dõi người dùng của Trung Quốc là giống với Bộ luật kiểm soát thông tin Tình báo hải ngoại của Mỹ.

Giới chức Trung Quốc sử dụng Dragonfly để chống tin tặc, gián điệp nước ngoài. Ngay hôm sau, tôi cố gắng thức khuya để bàn giao công việc, viết đơn xin nghỉ và trả lại mọi thứ cho Google.

Google1

Google phủ nhận lời buộc tội của các tổ chức nhân quyền. (Ảnh: GettyImages)

Đáng lẽ, tôi không hề muốn tiếp xúc với báo giới về vụ việc. Sau khi đọc bài phỏng vấn của Hennessy để giới thiệu cuốn sách mới nhất "Leading Matters" tôi đã cân nhắc lại.

"Vấn đề kiểm duyệt ở Trung Quốc nhìn thì khắt khe, nhưng ở các nước khác cũng thế, có điều chúng được thực hiện ở hình thức khác", Hennessy trả lời khi được hỏi về việc Google cố gắng tiếp cận thị trường Trung Quốc lần nữa.

Tiếp theo, tôi công khai việc mình từ bỏ vị trí tại Google và gửi thư chống đối dự án Dragonfly đến buổi điều trần của Thượng viện Mỹ với sự tham gia của Keith Enright, trưởng đại diện văn phòng bảo mật thông tin cá nhân. Suốt buổi điều trần, đại diện Thượng viện liên tục hỏi về Dragonfly nhưng Enright bảo rằng bản thân không biết rõ về dự án.

"Là một đại diện cho chính sách bảo mật của Google, tôi không được phép trả lời", Enright bao biện khi được hỏi về vấn đề liệu Trung Quốc có kiểm duyệt thông tin của người dân.

Sự mập mờ của Google đã được đáp trả bởi chính quyền Mỹ. Theo Wall Street Journal, trong bài phát biểu hôm 4/10, ông Mike Pence - Phó tổng thống Mỹ cho rằng Google nên từ bỏ việc phát triển công cụ tìm kiếm dành riêng cho Trung Quốc mang tên Dragonfly. Bài phát biểu của ông là lời cảnh tỉnh đầu tiên từ phía chính quyền Mỹ đối với tập đoàn công nghệ cao này.

"Google nên dừng ngay việc tìm cách thâm nhập vào thị trường Trung Quốc bằng cách này", Mike Pence nhận xét.

CEO Sundar Pichai của Google ra sức bào chữa cho Dragonfly bằng cách cho rằng mọi người không nên phán xét một công cụ chỉ đang trong giai đoạn phát triển.

"Hiện chúng tôi vẫn chưa có ý định cho ra mắt bất cứ ứng dụng tìm kiếm tại Trung Quốc", Sundar Pichai nhấn mạnh. Vị CEO cho rằng động thái nghiên cứu từ khóa bị cấm tại Trung Quốc là nhiệm vụ cần thiết của Google.

"Trung Quốc chiếm 1/5 dân số thế giới. Việc nghiên cứu và học hỏi đất nước này có gì khác với phần còn lại của thế giới giúp dịch vụ của chúng ta càng hoàn thiện hơn", Sundar Pichai nói.

Đây là một động thái làm mập mờ dư luận, đẩy xa những con mắt kiểm soát của chính phủ. Chưa bao giờ tại Google, vấn đề "nhân quyền" vốn là tôn chỉ của công ty lại bị đe dọa đến như thế bởi dự án Dragonfly.

Bản thân tôi mong muốn Sundar Pichai cân nhắc đến những "giá trị cốt lõi", nền tảng phát triển của Google. Tôn chỉ chế tạo AI của Google là "không được thiết kế hay triển khai khi tích hợp với công nghệ có khả năng tác động quyền con người".

Tất cả tổ chức nhân quyền khắp thế giới và nhân viên Google đồng loạt lên tiếng, chờ đợi một động thái rõ ràng từ Google.

>>> Đọc thêm: Trung Quốc kiểm soát Internet thế nào?

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn