(VTC News) - Với tinh thần của người lính trở về từ chiến trường xưa, ông Dương Khắc Kiểm đã thực hiện được ước mơ ươm mầm bóng đá nữ trên mảnh đất quê hương mình.
Dù đã ở tuổi 68 nhưng ông Dương Khắc Kiểm vẫn luôn cháy trong mình tình yêu bóng đá. Ông là người đã tiếp lửa đam mê cho những cô gái làng Nghiêm Xá (xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Nội), để giờ đây, nhiều cô gái trong số đó đã trở thành tuyển thủ quốc gia.
Cựu binh Dương Khắc Kiểm lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc vào tháng 5/1965. Những ngày khói lửa chiến tranh hun đúc cho thanh niên Kiểm một tinh thần sắt đá, một ý chí vững vàng vào niềm tin chiến thắng của dân tộc.
Sau hơn 1 năm ra chiến trường, ông bị thương trong một trận đánh của địch. Do vết thương nặng, ông được điều chuyển ra Bắc để chữa trị. Sau đó, ông Kiểm về công tác tại Đoàn 578 đóng quân ở Hà Tây rồi sau đó giải ngũ.
Huấn luyện viên Dương Khắc Kiểm cùng học trò trên sân bóng |
Trở về quê hương, cựu binh Dương Khắc Kiểm bắt đầu cho hành trình ươm mầm bóng đá nữ, một hành trình bắt nguồn từ chính ngọn lửa đam mê chưa bao giờ tắt của ông.
Thời điểm đầu năm 1990, tình cờ ông đọc được một tờ báo có bài viết về đội tuyển nữ NaUy vô địch thế giới. Bất chợt một ý nghĩ lóe sáng trong đầu ông, người cựu binh bắt đầu tự đặt cho mình nhiều câu hỏi về một đội bóng đá nữ trên chính mảnh đất quê hương của ông.
Những câu hỏi đó cứ theo ông suốt quãng thời gian sau đó. Ông đã nhiều lần cố gắng thực hiện ước mơ về một đối bóng của làng những chưa có cơ hội.
Mãi đến năm 1993, khi đình Nghiêm Xá được đón nhận Di tích văn hóa cấp quốc gia, cũng là thời điểm địa phương ông đẩy mạnh xây dựng phong trào thể dục thể thao. Và không ai khác, cựu binh Dương Khắc Kiểm đã đảm nhận nhiệm vụ này. Với ông, đây là cơ hội có một không hai để thành lập một đội bóng đá nữ trên mảnh đất quê hương.
Cũng từ thời điểm này, cựu binh Kiểm đến với nghiệp huấn luyện viên, dạy môn thể thao vua cho những cô học trò làng Nghiêm Xá. Và với nhiệm vụ mới này, muôn vàn khó khăn đè lên đôi vai người thầy bóng đá ở vùng ven Hà Nội.
Cựu binh Dương Khắc Kiểm chia sẻ, thời điểm đó, việc những cô gái mang quần cộc áo số đi đá bóng là điều chưa từng xảy ra ở làng quê của ông. Sự mới lạ đó khiến cho việc vận động học trò nữ tham gia đội bóng của ông càng trở nên khó khăn hơn. Ông Kiểm không quản ngại vất vả, đến tận từng gia đình vận động, giải thích và mong phụ huynh các cháu ủng hộ.
Sau nhiều ngày vất vả vận động, ông đã vận động được vài chục em nhỏ trong thôn để thành lập hai đội bóng đá nữ. Đối với ông thời điểm đó, khó khăn nhất là về kinh tế. Con số hỗ trợ từ địa phương có hạn, ông phải móc hầu bao của mình để thực hiện ước mơ ươm mầm bóng đá nữ.
Lúc mới bắt đầu ông gặp muôn vàn khó khăn, có lúc phải mang thúng đi xin thóc gạo về bán lấy tiền duy trì đội. Nhiều người trong thôn thấy cảnh như vậy đều nói ông là "hâm". Nhưng người cựu binh Dương Khắc Kiểm vẫn quyết tâm với kế hoạch của mình như tinh thần một người lính ở chiến trường xưa.
Ông Dương Khắc Kiểm nhớ về buổi tập đầu tiên của hai đội bóng đá nữ ở thôn như một kỷ niệm lớn nhất cuộc đời người lính già. Ông nói: "Sân bóng của làng ngày xưa chỉ có trơ mặt đất, sau trận mưa thì bùn lầy lội, không có cỏ như bây giờ đâu. Nhìn lũ trẻ tập đá bóng, mặt lấm lem bùn đất, quần áo nhuộm bùn, tôi vừa vui, vừa thương chúng".
Cựu binh Dương Khắc Kiểm thành công với việc ươm mầm bóng đá nữ trên mảnh đất quê hương |
Người lính chiến trường năm xưa cũng lên cho mình một kế hoạch huấn luyện các học trò rất cụ thể. Với cương vị là một người thầy, ông "rèn" học trò của mình theo cách riêng. Không phải là những bài tập trong căn phòng sang trọng, trên những đường chạy trơn tru có kẻ vạch mà đường làng, ngõ xóm đều trở thành những điểm rèn luyện thể lực, học kĩ năng cho các nữ học trò.
Với "giáo trình" đặc biệt của người thầy mà dân làng vẫn thường gọi là "hâm", các học trò nữ của ông ngày càng gắn kết hơn với trái bóng, kĩ năng chơi bóng được nâng lên từng ngày. Tình yêu bóng đá được nhen nhóm trên từng đôi chân trước đó chỉ biết đến đi học và làm đồng.
Như một món quà dành tặng cho vị huấn luyện viên tâm huyết, trong trận đấu bóng đá nữ đầu tiên trên mảnh đất quê hương Nghiêm Xá, hơn 3.000 khán giả đã đến sân để cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Dương Khắc Kiểm. Ngày đó, hai đội bóng của làng ông mang tên Tuổi Trẻ và Thanh Xuân. Hai đội bóng là những hạt giống đầu tiên cho cái nôi bóng đá nữ ở làng Nghiêm Xá.
Phòng Văn hóa huyện Thường Tín cùng Sở Thể dục thể thao Hà Tây (cũ) đã về thăm "mô hình" bóng đá mới và lạ do huấn luyện kiểm làm nhiệm vụ dẫn dắt.
Trận đấu mở màn thành công cũng là thời điểm mở ra muôn vàn khó khăn cho đội bóng đá nữ của huấn luyện viên Kiểm. Kinh phí hạn hẹp không đủ để duy trì đội bóng, khích lệ tinh thần, phong trào ngày càng đi xuống khiến vị huấn luyện viên "ngày không ăn, đêm không ngủ" tìm hướng đi mới.
Không chịu từ bỏ đội bóng ông đã dồn bao tâm huyết mới thành lập được, ông cùng đám học trò vác thúng đến từng hộ dân xin gạo, rồi mang bán lấy tiền làm quỹ sinh hoạt. Có nguồn kinh phí hoạt động, cộng với niềm đam mê với trái bóng của lũ trẻ trong thôn, phong trào bóng đá nữ ở Nghiêm Xá ngày càng phát triển, thu hút nhiều cô học trò nữ.
Học trò nữ của thầy Kiểm không chỉ tỏa sáng trong làng Nghiêm Xá nữa, mà họ dần trở thành những cầu thủ xuất sắc đại diện cho tỉnh Hà Tây (cũ) tham gia các giải đấu. Không những vậy, họ còn lọt vào mắt xanh của các nhà cầm quân đội tuyển quốc gia, được gọi lên tuyển thi đấu dưới màu cờ sắc áo của tổ quốc.
Có thể kể đến cô học trò Đỗ Thu Trang, là một thủ môn xuất sắc trong làng bóng đá nữ. Bảng thành tích của thủ môn kì cựu này cũng khiến nhiều người nể phục với 3 lần đoạt danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất cùng 2 Huy chương vàng Sea Games.
Ngoài ra, các tuyển thủ Dương Khánh Ly, Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Thị Nga...đều đã dành được những danh hiệu bóng đá cao quý trong nước và khu vực.
Với cựu binh Dương Khắc Kiểm, ngọn lửa đam mê, ước mơ về một đội bóng đá nữ đã thôi thúc ông thực hiện nó dù gặp muôn vàn khó khăn. Ở những thời điểm tưởng chừng mọi thứ đã không ủng hộ, ông vẫn cố gắng ươm mầm bóng đá nữ với tinh thần của người lính trở về từ chiến trường xưa.
Minh Chiến
Bình luận