• Zalo

Cướp hàng tiêu hủy tại Bộ KH&CN: Vẫn còn người biết xấu hổ trước bạn bè, đồng nghiệp

Thời sựThứ Ba, 25/10/2016 12:14:00 +07:00Google News

PGS.TS Lê Quý Đức nhận xét, trong hoàn cảnh hội trường có người tranh cướp nhưng vẫn có người quay video vì thấy xấu hổ trước hình ảnh bạn bè, đồng nghiệp của mình.

Ngày 21/10, tại trụ sở Bộ KH&CN, Thanh tra Bộ phối hợp với Đội chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Hà Nội (PC46) tổ chức tiêu hủy hơn 2 nghìn sản phẩm hàng giả, hàng nhái lại sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Dior, Hermes, H&M, Louis Vuitton…

Video: Xấu hổ cảnh tranh cướp hàng chuẩn bị thiêu hủy tại Bộ Khoa học & Công nghệ

Tuy nhiên, khi người chủ trì vừa tuyên bố lý do xong, chưa kịp chuyển hàng đi tiêu hủy thì hàng trăm người có mặt trong hội trường cuộc họp đã lao vào lấy, thậm chí tranh cướp tang vật. Ngay sau khi video được chia sẻ trên các trang mạng xã hội, đã có không ít ý kiến chỉ trích ý thức, văn hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công nhân viên chức.

Bàn về vấn đề này, phóng viên VTC News đã phỏng vấn PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh).

- Đứng ở góc độ chuyên gia văn hóa xã hội, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Tôi cho rằng đó là những hình ảnh rất phảm cảm. Tôi xem như nó phản lại cái tiến bộ cũng phản văn hóa, phản lại cái quy định của nhà nước về hàng giả, hàng nhái, vi phạm quy định tính nghiêm minh của pháp luật khi xử lý vấn đề này. Chính anh thiêu hủy nó mà anh lại tranh cướp, anh lại giật lấy thì rõ ràng nó làm mất đi cái nghiêm minh, nghiêm túc của pháp luật.

Thứ nhất, tôi cho rằng bản thân những người làm việc đó vẫn cảm thấy những thứ hàng nhái, hàng dởm đó vẫn có giá trị, vẫn tiêu dùng được thì mới tranh cướp. Hành động đó sẽ tác động đến những người làm hàng giả, hàng nhái cho rằng, hàng của mình như vậy vẫn là hàng có chất lượng, chỉ có điều không may bị bắt chứ còn nếu đem ra xã hội vẫn dùng được.

Thứ 2, theo tôi hàng còn có giá trị mà phương thức xử lý thiêu hủy như vậy thì lãng phí quá. Vì còn có giá trị thì mới phải tranh cướp nhau. Có thể xử lý bằng cách bóc nhãn mác của nhà sản xuất đi và ủng hộ nó cho người nghèo, cho người thiếu thốn thì nó có ý nghĩa hơn.

tiêu huy 3

Hình ảnh tranh cướp phản cảm.

- Đây là bộ phận những người có tri thức, phải chăng những hành động của họ không xứng với danh xưng này?

Đương nhiên những cán bộ tham gia việc đó là thiếu gương mẫu, phản cảm, phản văn hóa và làm mất đi

tính nghiêm minh của pháp luật. Anh là người quản lý xã hội, anh tịch thu cái đó để anh thiêu hủy nhưng lại tranh đoạt với nhau, tranh cướp để dùng.

Nó phản cảm theo nghĩa cả về văn hóa và pháp luật. Văn hóa tức là anh phải là người gương mẫu, là người lịch sự. Còn phản cảm về pháp luật là làm cho pháp luật không nghiêm minh.

- Nhiều người nhận xét, hành vi của những người trong clip là tư duy hôi của đám đông, hành động như những kẻ đầu đường xó chợ, quan điểm của ông thế nào?

Tôi thấy ý kiến này chỉ đúng một phần. Nếu nói là đầu đường xó chợ thì miệt thị họ quá. Tôi không vơ đũa cả nắm là bởi vì chỉ trong hoàn cảnh hội trường ấy có người tranh cướp nhưng vẫn có những người quay video vì thấy xấu hổ trước hình ảnh bạn bè, đồng nghiệp của mình.

Và phải xem chừng là có thành phần khác trà trộn vào hội trường hay không. Xem có ai trong thành phần cuộc họp báo cho người nhà rằng hôm nay người ta phá hủy hàng nhái đến Bộ mà nhận. Phải xem xét cẩn trọng tránh mang tiếng cho cán bộ của Bộ Khoa học & Công nghệ.

hai-thanh-keo-go-sua-o-dinh-lang-bi-danh-cap-cua-but-mat-mot-den-muoi-0148

  PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh)

- Theo ông, làm thế nào để những hình ảnh vô văn hóa, xấu xí này không còn tồn tại trong một xã hội văn minh?

Thứ nhất, tôi khẳng định rằng xã hội của chúng ta chưa văn minh. Chúng ta mới đang hướng tới văn minh. Các hiện tượng như thế này chúng ta phải giải quyết dần dần. Việc giáo dục pháp luật, giáo dục văn hóa, giáo dục nhân cách cho con người là rất quan trọng. Văn hóa, nhân cách và tôn trọng pháp luật luôn đi liền với nhau.  

 
Những người mà tranh cướp hàng hóa khi chuẩn bị mang đi thiêu hủy xét ở phương diện nào đó cũng vi phạm pháp luật.

PGS.TS Lê Quý Đức

Những vụ việc như hôi bia ở Đồng Nai, hôi của người không may gặp tai nạn giao thông... chính là vi phạm pháp luật. Những người mà tranh cướp hàng hóa khi chuẩn bị mang đi thiêu hủy xét ở phương diện nào đó cũng vi phạm pháp luật.

Muốn giải quyết gốc rễ vấn đề nâng cao ý thức pháp luật, nhân cách là phải nâng cao đời sống của con người. Những người tham gia cướp ấy vẫn là những người thiếu thốn, dù gọi là công chức nhà nước nhưng vẫn thiếu thốn.

Đời sống xuống thấp đến mức nào đó thì nhân cách người ta nó cũng thấp đi vậy. Ví dụ như đời sống của người Nhật, họ không có ý thức lấy của người khác và cũng không có ý thức hôi của là vì đời sống người ta cao.

Mình vẫn xảy ra tình trạng ấy bởi nó phản ánh tâm lý của một đất nước nghèo, đang ở giai đoạn là một xã hội nông dân, nông thôn, nông nghiệp chưa được biến đổi tương xứng, hoặc là nó chưa được biến đổi hoàn toàn.

- Cha ông ta luôn dạy con cháu "đói cho sạch, rách cho thơm", tức dù mình có nghèo đói, có thiếu thốn vẫn phải đề cao giá trị về nhân cách?

Tôi đồng ý với ý kiến đó. Tuy nhiên, trong bản thân của đời sống văn hóa nó có 2 mặt hữu thức và vô thức. Nếu chỉ nhìn vào văn hóa và nói rằng, văn hóa của chúng ta như thế là cao đẹp là mình mới nói về cái hữu thức, còn cái vô thức lại chưa được đề cập đến.

Cái hữu thức khi con người có điều kiện phát triển đến mức nào đó thì mới được bộc lộ. Còn bình thường, nó chỉ bộc lộ ở một số người, đặc biệt là những người tinh hoa. Tinh hoa ở đây tôi không nói là những người trí thức, trình độ cao mà tinh hoa là những người tiêu biển cho một nền văn hóa.

Cái mà cha ông ta đang nói đấy chính là những người tinh hoa của văn hóa. Còn cái cặn bã, cái tầng lớp dưới đáy của xã hội bao giờ cũng có. Thậm chí, ở xã hội văn minh cũng có tầng lớp dưới đáy. Trong cái xã hội mà trình độ văn hóa còn thấp thì cái tầng lớp tinh hoa hay hữu thức rất ít. Chỉ khi nào xã hội phát triển văn minh cái tầng lớp tinh hoa nó mới tăng lên áp đảo.

Bởi vậy, việc giáo dục tự ý thức rất quan trọng. Khi tự ý thức sẽ vượt qua được khát vọng về của cải, vật chất...Ví dụ, ra đường thấy người khác vượt đèn đỏ mình không vượt cũng là cái tự ý thức.

Xin cảm ơn ông!

Video:  Dẫm đạp tranh cướp quần áo, 23 người chết

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn