Bên hành lang Quốc hội ngày 26/10, trả lời PV VTC News, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội bày tỏ thái độ thất vọng trước hành động tranh giành hàng giả tiêu hủy ở Bộ KH&CN.
- Khi xem xong clip hàng loạt cán bộ, nhân viên xông vào cướp hàng giả tiêu huỷ ở Bộ KH&CN ngày 21/10, ông có suy nghĩ gì?
Tôi thấy buồn và thất vọng vì cách ứng xử đấy. Vì những người trong clip không phải là người dân bình thường và chắc cũng không phải là những người khó khăn.
Đại đa số những người tham gia vào việc tranh giành đó được clip quay lại là những người có hiểu biết, không phải điều kiện gia đình khó khăn.
- Hành động tranh giành hàng giả tiêu hủy ở Bộ KH&CN liệu có thể thông cảm được không, thưa ông?
Hàng giả phải tiêu hủy là tang vật của các vụ án. Việc quản lý, xử lý tang vật đã có quy định đầy đủ của pháp luật.
Việc không tuân thủ đúng quy định của pháp luật về xử lý tang vật là hành động không thực hiện đúng theo pháp luật.
Hành động tranh giành lại diễn ra bởi những người được giao nhiệm vụ thực hiện công việc tiêu hủy hàng giả. Đó là những người có hiểu biết pháp luật và được giao thực hiện nhiệm vụ tiêu hủy hàng giả thì tính chất vi phạm nặng hơn so với người bình thường khác.
Bên cạnh đó, ngoài việc những người có hiểu biết nhưng không thực hiện đúng quy định pháp luật thì còn yếu tố liên quan đến văn hóa.
Nếu những người được giao nhiệm vụ tiêu hủy mà có hành động tranh giành hàng giả thì đó là hành động không văn hóa.
Việc tranh giành này thể hiện sự không văn hóa của một bộ phận cán bộ công chức có hiểu biết.
Đại biểu Phạm Tất Thắng
Việc tranh giành này thể hiện sự không văn hóa của một bộ phận cán bộ công chức có hiểu biết.
Nếu đó là hành động của những người ngoài, những người dân bình thường thực hiện thì còn có thể lý giải được. Nhưng nếu người có hiểu biết, được giao nhiệm vụ mà lại tranh giành thì tính chất nặng nề hơn.
Thứ ba, những hàng hóa đem tiêu hủy là hàng giả. Nếu những cán bộ này tranh giành sử dụng thì vi phạm thêm việc tiếp tay việc sản xuất, sử dụng hàng giả.
Với tất cả những yếu tố đó, nếu người vi phạm mà là công chức thì không thể chấp nhận được.
Video: Xấu hổ cảnh tranh cướp hàng nhái chuẩn bị tiêu hủy tại Bộ Khoa học & Công nghệ
- Liệu những người này chỉ nộp lại hàng tiêu hủy thì có cần thêm hình thức kỷ luật nào nữa không, thưa ông?
Ngoài việc Bộ KH&CN đã yêu cầu những người này phải nộp lại hàng tiêu hủy thì cần có thêm hình thức nhắc nhở.
Những người đó đang thực thi công vụ, họ biết phải tiêu hủy theo đúng quy định nhưng lại có hành vi như vậy thể hiện việc không thực hiện đúng quy định pháp luật, chức trách của người công chức.
Từ hai khía cạnh vi phạm đó, Bộ KH&CN cần có những nhắc nhở bản thân những người vi phạm cần rút kinh nghiệm. Ngoài ra, việc này cần thông tin rộng rãi để tránh những sự việc tương tự có thể xảy ra.
- Có chuyên gia cho rằng: “Chừng nào người dân còn hồ hởi khi nhận "bố thí" từ người giàu, người giàu vẫn phải đi tranh cướp thì chứng tỏ chúng ta đang sống trong một xã hội chưa văn minh nếu chưa muốn nói là kém phát triển”. Ông có đồng tình với quan điểm này?
Nhận định đó là có cơ sở vì hành vi tranh giành hàng tiểu hủy nằm trong hành vi văn hóa xã hội nhất định.
Việc này liên quan đến văn hóa ứng xử của một bộ phận người dân và cũng phản ánh văn hóa xã hội đang có vấn đề mà chúng ta cần quan tâm lưu ý.
- Qua cách hành xử như vừa qua, phải chăng một bộ phận công chức ở Việt Nam đang có vấn đề về đạo đức, nhân cách?
Nếu đánh giá về nhân cách thì tôi cho rằng chưa đủ cơ sở.
Nhưng rõ ràng hành vi đó thể hiện biểu hiện không được văn hóa. Sự việc này lại được đặt trong bối cảnh các cán bộ đang thực thi công vụ nên thể hiện sự yếu kém trong văn hóa ứng xử, yếu kém trong hiểu biết của một bộ phận cán bộ công chức. Ít nhất là những người tham gia vào sự việc tranh giành hôm đó.
- Làm sao để không tái diễn những sự việc tranh cướp tương tự trong thời gian tới, thưa ông?
Việc tranh giành hàng tiêu hủy này nên quy trách nhiệm và có hình thức nhắc nhở cần thiết với người có vi phạm. Việc xử lý cần phải thông tin tương đối rộng rãi để lấy đó làm bài học để cho những người thực hiện công vụ trong những lần tiếp theo phải rút kinh nghiệm.
Qua đó, những cán bộ công chức khác cũng phải có ứng xử phù hợp trong việc thực thi công vụ.
Ngoài ra, Bộ KH&CN cần có quy định chặt chẽ hơn về quy trình, thủ tục của việc tiến hành tiêu hủy. Bộ KH&CN cũng cần nhắc nhở khoán triệt với những người được giao nhiệm vụ tiêu hủy.
Đồng thời, quá trình tiêu hủy cần tổ chức chặt chẽ hơn để chỉ những người có trách nhiệm tham gia.
Bình luận