• Zalo

Cướp giật Sài Gòn lộng hành: Trừng trị vẫn không sợ

Pháp luậtThứ Năm, 08/11/2012 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Theo luật sư Hậu, dù pháp luật đã đủ sức răn đe nhưng những kẻ cướp giật vẫn không sợ, bị trừng trị vẫn lộng hành, và ngày càng nguy hiểm.

(VTC News) – Theo luật sư Hậu, dù pháp luật hiện đủ sức răn đe nhưng các kẻ cướp giật vẫn không sợ, bị trừng trị vẫn lộng hành, thậm chí khi ra tù thêm phần manh động, nguy hiểm.

Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2012, Viện kiểm sát nhân dân các cấp tại TP.HCM đã truy tố 533 vụ, với 744 bị can phạm tội cướp giật tài sản. Còn theo số liệu tại Tòa án nhân dân TP.HCM, mức án dành cho tội cướp giật mà tòa này đã xét xử trong sáu tháng đầu năm tăng cao hơn sao với những năm trước.

Hiện trường một vụ cướp giật

Không có dấu hiệu thuyên giảm

Trao đổi với PV VTC News, một thẩm phán của Tòa án nhân dân TP.HCM cho biết, nạn cướp giật tài sản ở TP.HCM hiện nay ngày càng tăng. Những vụ án được đưa ra xét xử tại Tòa thành phố qua đơn kháng cáo, kháng nghị cũng tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Đó là chưa kể những vụ án được xét xử tại các tòa quận huyện và những trường hợp người đi đường bị giật tài sản mà không dám tố cáo hành vi của bọn tội phạm. 
Qua xét xử, vị thẩm phán nhận thấy những hành vi và thủ đoạn của bọn tội phạm cũng ngày càng tinh vi và có tính chất nguy hiểm hơn rất nhiều.

 

Dù hiện nay, pháp luật Việt Nam đã đủ sức răn đe các tội phạm, nhưng các đối tượng tham gia cướp vẫn không sợ, kẻ bị trừng trị vẫn lộng hành, kẻ thi hành án xong được thả ra, vẫn ngựa quen đường cũ.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
 
Hành vi phạm tội của các bị cáo không chỉ dùng xe máy đi cướp, mà chúng còn dùng hơi cay, súng hoa cải, thậm chí là côn, dao… để khi bị chống trả, chúng có thể ra tay “xử” người bị hại bất cứ lúc nào.
Vừa qua, tại tòa đã đưa ra xét xử rất nhiều vụ án mà các bị cáo mang trọng tội, vừa “Cướp giật tài sản” vừa “Giết người” với những hành động rất dã man. Sau khi xét xử đã phải tuyên tử hình các bị cáo.

Mặc dù Hội đồng xét xử đã nhiều lần hội ý để tìm ra những tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo và cho họ một con đường sống. Nhưng tất cả đã đưa vào khung hình phạt mà pháp luật đã quy định. 
Vị thẩm phán lấy ví dụ, vừa qua toà đã tuyên tử hình một bị cáo cướp tài sản của một cô gái và ra tay giết chết bị hại để thoát thân.

Hay trong tháng 7, đưa một vụ án cướp giật tài sản ra xét xử, bị cáo phạm tội là Nguyễn Thị Loan bị tuyên 10 năm tù.
Bị cáo này đã có một đời chồng nhưng ly dị. Sau khi lên Sài Gòn lập nghiệp thì theo người tình đi cướp. Do lần đầu tiên đi cướp nên Loan đã giật hụt sợi dây chuyền của một phụ nữ đi đường. 
Cướp giật không thành, Loan và người tình bị dân quân truy đuổi nên cả hai lao xe như bay để thoát thân. Một nam thanh niên vừa từ nhà đi ra đường thì bị người tình tông của Loan tông chết. Người tình của Loan lẩn trốn, đến nay vẫn chưa có manh mối.
Mặc dù cướp giật không thành nhưng Loan vẫn phải nhận hai tội danh “Cướp giật tài sản” và “Giết người”.

>>>Nỗi ám ảnh 'ra đường gặp cướp' ở Sài Gòn

Không sợ bị trừng tr

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh (TP. HCM) cho biết, về cơ bản, các khung hình phạt dành cho loại tội phạm cướp giật tài sản như hiện nay là đủ sức để răn đe. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử loại tội phạm này, các thẩm phán luôn có căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đưa ra hình phạt thích hợp.


"Đối với loại tội phạm cướp giật này, cần tăng cường các phiên xử lưu động tại địa phương, nhất là nơi cư trú hay tạm trú của bị cáo, để tăng tính răn đe, giáo dục hơn cho những người dân khác. Nạn cướp giật hiện nay thật đáng ngại. Tính mạng và tài sản của người đi đường đang bị đe dọa hàng ngày, hàng giờ mà vẫn chưa có một giải pháp nào cụ thể." - vị lãnh đạo toà án nói.


Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, dù pháp luật Việt Nam hiện đã đủ sức răn đe các tội phạm, nhưng các đối tượng tham gia cướp vẫn không sợ, bị trừng trị vẫn tiếp tục lộng hành, thi hành án xong được thả ra vẫn ngựa quen đường cũ.

Thậm chí, sau khi ra tù, bọn chúng bất chấp sự trừng phạt của pháp luật vẫn tham gia những băng cướp manh động, được trang bị vũ khí khi ra đường và lên kế hoạch cẩn thận để thực hiện hành vi cướp giật.
Trong khi đó, luật sự Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, nạn cướp giật tài sản hiện nay xảy ra với mật độ dày đặc gây hoang mang, lo lắng cho đông đảo người dân lương thiện và vô tội.

Điều này chứng tỏ sự coi thường pháp luật của những tên cướp và thể hiện mặt trái của xã hội khi ngày càng nhiều những thanh thiếu niên không được giáo dục, chơi bời lêu lổng lang thang đường phố đi cướp.
Theo luật sự Hoài, phần lớn các bị cáo phạm trọng tội giết người cướp của, trộm cắp, lừa đảo, cưỡng đoạt, cưới giật tài sản…đa phần đều là những người nghiện ma túy, thất nghiệp, trình độ học vấn thấp, sống trong môi trường gia đình bị đổ vỡ, cha mẹ thiếu sự quan tâm chăm sóc...

Ngọc Thân

Bình luận
vtcnews.vn