Mặc dù tính đến nay là 48 năm kể từ khi chiếc cường kích Su-17 được quân đội Liên Xô đưa vào biên chế, tỷ lệ tai nạn của cường kích Su-17 và các phiên bản Su-20/Su-22 ở mức rất thấp – tính tới thời điểm hiện tại, chỉ có 113 cường kích Su-22 rơi do tai nạn hoặc do bị bắn hạ trên tổng số 2.867 chiếc được chế tạo, chiếm tỷ lệ chỉ khoảng 3,9%.
Thời gian gần đây, quân đội Syria mất một số cường kích Su-22 do bị phiến quân bắn hạ khi những cường kích này tham gia các chiến dịch chống khủng bố, do đó tỷ lệ cường kích Su-22 bị rơi do tai nạn hoặc sự cố được ước tính chỉ hơn 3% một chút.
Theo số liệu thống kê tính đến tháng 6/2016, tỷ lệ cường kích Su-17/Su-20/Su-22 bị rơi do tai nạn thấp hơn so với nhiều loại chiến cơ tiên tiến của phương Tây như tiêm kích F-15 Eagle (tỷ lệ rơi do tai nạn là 10,1%), tiêm kích F-16 Fighting Falcon (tỷ lệ rơi do tai nạn là 14,4%) hay tiêm kích F/A-18 Hornet (tỷ lệ rơi do tai nạn là 12%).
Do đó, nhiều chuyên gia quân sự nhận định rằng Su-17 và các phiên bản Su-20 hay Su-22 là loại cường kích bền bỉ, có khả năng vận hành trong điều kiện khắc nghiệt cũng như dễ bảo dưỡng hơn nhiều loại chiến cơ có tính năng tương tự của phương Tây.
Trong số các quốc gia có cường kích Su-17/Su-20/Su-22 trong biên chế lực lượng quân đội của mình, Syria là quốc gia mất nhiều cường kích này nhất với 20 chiếc bị rơi hoặc bị bắn hạ, kế đến là Ba Lan với 17 chiếc và Liên Xô với 15 chiếc gặp nạn.
Cường kích đầu tiên thuộc dòng cường kích Su-17/Su-20/Su-22 do Liên Xô sản xuất gặp nạn vào ngày 3/2/1976, đây là phiên bản Su-20 thuộc biên chế Không quân Ba Lan. Cường kích này rơi gần khu vực sân bay Powidz khiến 1 phi công thiệt mạng. Nguyên nhân của vụ tai nạn này được xác định là do động cơ gặp sự cố.
Gần đây nhất, ngày 24/7 cường kích Su-22 của Quân đội Syria Arab (SAA) bị Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sử dụng tên lửa Patriot bắn hạ. Viên phi công xấu số thiệt mạng là Đại tá Omran Muri, số phận viên phi công còn lại hiện vẫn chưa rõ. Truyền thông Syria khẳng định cường kích Su-22 này không hề xâm phạm không phận Israel như cáo buộc của IDF.
Trong lịch sử của mình, Không quân Nhân dân Việt Nam phải chứng kiến 4 vụ tai nạn thảm khốc liên quan đến cường kích Su-22. Vụ tai nạn đầu tiên xảy ra vào năm 2006 tại Ninh Thuận, phi công bật dù thoát nạn, vụ thứ 2 vào năm 2009 tại Thanh Hóa, phi công hy sinh khi điều khiển cường kích ra xa khu vực dân cư.
Vụ tai nạn thứ 3 xảy ra tại khu vực gần đảo Phú Quý, Bình Thuận – 2 cường kích Su-22 va vào nhau khi bay huấn luyện trên biển, cả 2 phi công hy sinh. Vụ tai nạn mới nhất xảy ra ngày 26/7 tại Nghệ An, cả 2 phi công điều khiển chiếc cường kích Su-22 mang số hiệu 8551 hy sinh.
Video: Cường kích Su-22 của Không quân CHDC Đức
Bình luận