• Zalo

Cưỡng chế phá dỡ mộ, chính quyền lấy luôn đá xanh trị giá hàng trăm triệu đồng?

Bạn đọcThứ Tư, 03/02/2016 08:32:00 +07:00Google News

Gia đình ông Huấn sử dụng đá xanh xây phần mộ dòng họ trị giá hơn 200 triệu đồng, nhưng tài sản này đã bị chính quyền địa phương đem đi khi tiến hành cưỡng chế

(VTC News) – Gia đình ông Huấn sử dụng đá xanh xây phần mộ dòng họ trị giá hơn 200 triệu đồng, nhưng tài sản này đã bị chính quyền địa phương đem đi khi tiến hành cưỡng chế phá dỡ mà không thông báo cho gia đình biết.

Báo VTC News vừa nhận được đơn của ông Võ Huấn, ở thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội phản ánh nhiều điều bất hợp lý trong việc chính quyền địa phương cưỡng chế phá dỡ phần mộ dòng họ gia đình ông.

Ông Huấn cho biết, cuối năm 2015, gia đình ông tiến hành sửa chữa, tôn tạo mộ của dòng họ tại thôn Nội Đồng. Trong kết cấu của công trình có sử dụng các phiến đá xanh có trị giá lên đến 224.040.000 đồng. Giá trị tài sản này được thể hiện rõ trong hợp đồng kinh tế giữa ông Huấn với Cơ sở đá mỹ nghệ Chính Hiếu.

Trong quá trình thi công, chính quyền địa phương cho rằng ông Hiếu xây dựng phần mộ trên đất nông nghiệp và không có giấy phép. Do đó, ngày 21/12/2015, UBND xã Đại Thịnh đã có Quyết định buộc gia đình ông Huấn phải đình chỉ việc tôn tạo phần mộ nói trên. Ngày 22/12/2015,  UBND xã Đại Thịnh tiếp tục có văn bản yêu cầu ông Huấn phải tự dỡ công trình.
Nhiều miếng đá xanh lớn tháo dỡ để trên khu mộ nhưng được đơn vị chức năng mang đi nơi khác mà không thông báo cho gia đình ông Huấn biết.

Tiếp đó, ngày 24/12/2015, Chủ tịch UBND xã Đại Thịnh ký Quyết định số 191/QĐ-CT về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự  xây dựng. Lý do buộc cưỡng chế là: “Xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng (xây dựng công trình trên đất nông nghiệp) tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 180/2007/ND-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng”.

Tại Quyết định số 191, Chủ tịch UBND xã Đại Thịnh giao cho Ông Trịnh Minh Tân – Phó Chủ tịch UBND xã xây dựng kế hoạch để tổ chức thi hành cưỡng chế phá dỡ trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày ký.

“Đến ngày 04/01/2016, UBND xã Đại Thịnh có thông báo yêu cầu tôi tự tháo dỡ công trình xây dựng xong trước 19h00 ngày 05/01/2016. Thực hiện Thông báo trên, gia đình chúng tôi đã tiến hành phá dỡ toàn bộ cổng và mặt trước của công trình đồng thời xếp gọn các phiến đá xanh trên khuôn viên khu mộ để chuẩn bị mang đi,” ông Huấn cho hay.

Tưởng chừng việc chấp hành phá dỡ như vậy đã được chấp nhận, nhưng đến ngày 11/01/2016, gia đình ông Huấn lại nhận được văn bản của UBND xã Đại Thịnh về việc ấn định thời gian tổ chức cưỡng chế công trình. Thời gian cưỡng chế được ấn định vào hồi 8h00 phút ngày 14/01/2016.

Ông Võ Huấn cho biết, trong quá trình tiến hành cưỡng chế, chính quyền địa phương đã không lập biên bản ghi số lượng, tình trạng tài sản bị phá dỡ. Đáng chú ý, đơn vị cưỡng chế đã di dời tất cả các phiến đá xanh có giá trị tới 224.040.000 đồng nói trên đi nơi khác mà gia đình ông Huấn không hề biết.

“Trong suốt quá trình cưỡng chế phá dỡ công trình, UBND Xã Đại Thịnh đã không tiến hành lập biên bản ghi số lượng, chủng loại, tình trạng tài sản bị cưỡng chế, phá dỡ theo quy định trên.

Đồng thời, toàn bộ các phiến đá gia đình chúng tôi mua của Cơ sở đá mỹ nghệ Chính Hiếu với giá trị lên đến 224.040.000 đồng đều đã bị UBND Xã mang đi song không thông báo cho gia đình chúng tôi biết hiện các tài sản này đang được lưu giữ ở đâu và do cá nhân, tổ chức nào quản lý. Liệu tài sản này của gia đình tôi có bị đem bán hay sử dụng vào mục đích gì khác hay không,” ông Huấn nói.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì “người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Cá nhân, tổ chức có tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản”.

“Đối chiếu quy định pháp luật và diễn biến thực tế vụ việc, tôi cho rằng việc UBND xã Đại Thịnh cưỡng chế phá dỡ công trình của gia đình chúng tôi trong trường hợp này đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật, xâm hại trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của gia tôi,” ông Huấn khẳng định.

Cho rằng việc UBND xã Đại Thịnh tiến hành cưỡng chế phá dỡ phần mộ dòng họ là bất hợp lý, ông Võ Huấn đề nghị cơ quan này phải bồi thường thiệt hại số tiền 259.040.000 đồng. Trong đó, 224.040.000 đồng tiền vật liệu xây dựng (đá xanh) và 35.000.000 đồng tiền vật liệu xây dựng móng công trình (gạch, xi măng, sắt, thép và nhân công).

Ông Huấn cũng đề nghị UBND xã Đại Thịnh phải hủy bỏ Quyết định số 191/QĐ-CT ngày 24/12/2015 của cơ quan này về việc cưỡng chế phá dỡ công trình tôn tạo phần mộ dòng họ gia đình ông.

Chính quyền địa phương nói gì?

Ngày 2/2, phóng viên VTC News đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đa Bảy – Chủ tịch UBND xã Đại Thịnh.

Ông Bảy xác nhận việc UBND xã Đại Thịnh đã tiến hành phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng trên thửa đất nông nghiệp của gia đình ông Võ Huấn. Hiện UBND xã Đại Thịnh cũng đã nhận được đơn khiếu nại của ông Huấn.

Theo ông Nguyễn Đa Bảy, dự kiến ngày mai (3/2), UBND xã Đại Thịnh sẽ làm việc với gia đình ông Huấn về nội dung đơn khiếu nại. Ông Bảy tạm thời từ chối và hẹn ra Tết mới cung cấp cho phóng viên thông tin cụ thể về những nội dung gia đình ông Huấn phản ánh.

“Chúng tôi mới nhận được đơn khiếu nại của ông Huấn vào hôm 28/1. Chiều mai, chúng tôi sẽ có giấy mời gia đình lên làm việc theo đúng quy trình giải quyết đơn khiếu nại.  Hiện nay, năm hết tết đến, công việc bận rộn nên chúng tôi hẹn phóng viên ra tết cần thông tin gì tôi sẽ cung cấp,” ông Bảy nói.

Tuy nhiên, bước đầu Chủ tịch UBND xã Đại Thịnh cho rằng, gia đình ông Võ Huấn đã xây dựng công trình trên đất nông nghiệp mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Chính vì thế, chính quyền địa phương phải yêu cầu phá dỡ. Khi gia đình ông Huấn không tự phá dỡ theo đúng tiến độ, chính quyền địa phương đã tiến hành cưỡng chế phá dỡ.
 
“Xã đã làm theo đúng quy trình. Đương nhiên, nếu chúng tôi làm sai chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm,” ông Bảy khẳng định.

Liên quan đến những khối đá xanh có trị giá hàng trăm triệu đồng mà gia đình ông Võ Huấn phản ánh, ông Nguyễn Đa Bảy xác nhận chính quyền đã di chuyển ra khỏi mảnh đất có công trình vi phạm trật tự xây dựng.

“Cái đó chúng tôi phá dỡ, mang ra khỏi diện tích đất canh tác đó, trả lại mặt bằng đất canh tác,” ông Bảy nói.

Vị Chủ tịch UBND xã Đại Thịnh một mực khẳng định, việc cưỡng chế tại công trình vi phạm trật tự tại gia đình ông Huấn là cưỡng chế “phá dỡ” chứ không phải “tháo dỡ”.

“Quyết định phá dỡ công trình vi phạm đã được UBND huyện cho phép. Ở đây là phá dỡ, tức phá bỏ, chứ không phải tháo dỡ,” ông Bảy nói.

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi, những khối đá xanh đó hiện nay đang ở đâu, bảo quản ra sao hay chính quyền sử dụng vào mục đích gì khác, thì ông Nguyễn Đa Bảy lại cho biết, những khối đá này đã được đưa về “nơi quy định”.

“Chúng tôi đem về nơi quy định, không sử dụng gì cả. Quyết định là phá dỡ, chứ không phải tháo dỡ,” ông Bảy nói.

Cuối buổi làm việc, Chủ tịch UBND xã Đại Thịnh một lần nữa khẳng định, cơ quan này sẽ làm việc với gia đình ông Huấn để làm rõ nội dung đơn khiếu nại. Kết quả làm việc, mọi thông tin cụ thể về vụ việc sẽ được ông Bảy cung cấp cho phóng viên sau Tết Nguyên Đán.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Đà Long

Bình luận
vtcnews.vn