• Zalo

Cưỡng chế đất Tiên Lãng: "Sợ mới không dám thu hồi đất"

Thời sựThứ Bảy, 04/02/2012 05:10:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đó là lời phát biểu của Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Tiên Lãng với các đảng viên của thị trấn Tiên Lãng trong ngày hôm qua (3/2).

(VTC News) - "Không thu hồi đất đó để chuyển sang cho thuê, cho đấu thầu mới là tiêu cực. Người ta sẽ đặt câu hỏi là tại sao một bên xã giao khoán thầu nộp sản cao, một bên lại ăn không. Chỉ có ai sợ mới không dám thu hồi".

Ông Vũ Hồng Chuân, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Tiên Lãng phát biểu xung quanh vụ cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
 
Phát biểu tại buổi tuyên truyền phổ biến thông tin vụ cưỡng chế của gia đình ông Vươn với các đảng viên tại thị trấn Tiên Lãng ngày hôm qua (3/2), ông Vũ Hồng Chuân, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Tiên Lãng cho rằng, trong vụ việc này, một số quan chức về hưu ở Trung ương đã nhầm lẫn. VTC News xin trích lược một số thông tin trong bài phát biểu này.
 
Ông Chuân cho rằng, trong vụ việc này, thứ nhất xác định rõ vấn đề giao đất và cho thuê đất. Đây là hai vấn đề khác nhau. Quyền lợi của người được giao đất khác với quyền lợi của người được thuê đất. 
 
"Trong trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn phải hiểu nguồn gốc đất thuê là đất chưa sử dụng không thuộc quỹ đất sản xuất nông nghiệp giao lâu dài. Bản thân ông Vươn đã được giao đất sản xuất nông nghiệp ở xã Bắc Hưng rồi. Ông Vươn có phải người xã Vinh Quang đâu mà giao đất ở xã Vinh Quang. 
 
Đất này không phải là đất để giao lâu dài mà là đất chưa sử dụng, tạm thời giao có thời hạn. Kể cả đất nuôi trồng thủy sản giao theo Nghị định 64 thì hạn điền cũng không quá 2ha. Ở đây à 40,3 ha mà. Có một sự nhầm lẫn. 
 
 Các nhà hảo tâm thăm hỏi động viên tinh thần người thân trong gia đình ông Vươn (Ảnh: Blog Nguyenquangvinh)

Một số quan chức ở Trung ương về hưu vẫn cứ nói đây là đất sản xuất nông nghiệp mà đã là đất sản xuất nông nghiệp thì phải giao cho người ta 20 năm. Hết thời hạn giao đất nhưng ông Vươn không muốn chuyển sang thuê đất. Tại sao ông Vươn không muốn chuyển?", ông Chuân đặt câu hỏi.

Đặt câu hỏi rồi ông Chuân lại lý giải rằng, bởi nếu được giao mỗi năm chỉ phải nộp 7 triệu, còn chuyển sang thuê ít nhất cũng phải đóng 100 triệu đồng. Chưa nói nếu xã đấu thầu còn cao hơn nhiều. 

"Chúng tôi muốn khẳng định điều này để các bác, các đồng chí nắm được để mà tuyên truyền là có dư luận cho rằng ông Vươn đầu tư quá lớn, có công lớn trong công tác bảo vệ đê điều, phòng chống lụt bão. Ông Vươn đầu tư thì đúng rồi nhưng đâu có phải toàn bộ là của ông Vươn. 
 
Toàn bộ khu đầm ông Vươn là đường công vụ suốt từ cống Rộc chạy xuống do dự án Vinh Quang 2 đầu tư. Năm 1998, dự án Vinh Quang 2 đầu tư đường bao chính của đầm ông Vươn tới 295 triệu đồng. Năm 2002-2006, dự án nuôi tôm của Thành đoàn cũng đầu tư vào dự án này 21 tỷ. Toàn bộ con mương chạy dọc, người ta đầu tư 5-6 tỷ. Lúc ấy, trong thời hạn giao đất, người ta bồi thường 271 triệu. 
 
Nhà nước đầu tư nhiều chứ có phải của ông Vươn đầu tư cả đâu. Không thể nói ông Vươn có công lớn bảo vệ đê điều. Còn thông tin trên một số blog cho rằng, ông Vươn đầu tư trồng cây nắn dòng chảy do đó không bị vỡ đê. Làm gì có chuyện nắn dòng chảy ở cửa sông Văn Úc được. Thật là vô lý!", trích lược nội dung trong buổi phổ biến thông tin vụ cưỡng chế.
 
Vị Trưởng ban Tuyên giáo huyện Tiên Lãng còn cho rằng, ông Vươn không có công trồng rừng cũng như không có nhiều đóng góp.
 
 Đúng sai trong vụ cưỡng chế này cần sớm được làm sáng tỏ

"Huyện giao cho ông ấy (ông Vươn - PV) từ năm 1993. 7 năm đầu, ông ấy không phải đóng bất cứ một thứ gì. Còn từ 2000 đến giờ đã 12 năm, tất cả nộp có 48 triệu chủ yếu là môn bài. Trong khi, ông ấy cho một người ở gần đó thuê có 6 ha mà mỗi năm ông ấy thu 30 triệu đồng", ông Chuân lý giải. 
 
"Người dân Vinh Quang mà phải thuê đầm của một người ở nơi khác. Một năm ông ấy không làm gì cũng có ít nhất 20 triệu đồng. Nhưng việc này không thấy ai nhắc đến. Huyện chỉ có yêu cầu là phải chuyển sang đất cho thuê theo luật đất đai năm 1993, thế nhưng ông ấy không muốn thuê", ông Chuân bày tỏ.
 
"Có 3 cơ sở để thu hồi. Một là văn bản thỏa thuận của Huyện với ông Vươn khi xin giao đất. Khi giao đất, ông Vươn đã chấp nhận, đã ký vào văn bản với thời hạn 14 năm, hết thì phải trả lại toàn bộ. Hai là theo điều 80 luật đất đai năm 1993. Thứ ba, vấn đề quan trọng là tòa đã xử rồi.

Với tư cách là Uỷ viên thường vụ Huyện ủy, tôi xin khẳng định không có vấn đề tiêu cực ở đây. Nội bộ Huyện ủy, UBND, đoàn thể của Huyện đoàn kết không có tiêu cực. Không thu hồi đất đó để chuyển sang cho thuê, cho đấu thầu mới là tiêu cực. Người ta sẽ đặt câu hỏi là tại sao một bên xã giao khoán thầu nộp sản cao, một bên lại ăn không", vị Trưởng ban Tuyên giáo nhấn mạnh. 
 
"Chỉ có ai sợ mới không dám thu hồi", trích lược bài phát biểu.
 
 Đoàn nhà báo về tìm hiểu thông tin vụ cưỡng chế (Ảnh: blog Nguyenquangvinh)

Cũng liên quan đến vụ việc, 
Báo điện tử Dân việt đưa tin: Trong Thông báo kết luận kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tại huyện Tiên Lãng, Sở Tư pháp Hải Phòng từng đề nghị UBND huyện tạm đình chỉ thi hành quyết định về quản lý, sử dụng bãi bồi ven sông, biển vào mục đích nuôi trồng thủy sản.
 
Thực hiện quyết định của Giám đốc Sở Tư pháp Hải Phòng về việc thành lập Đoàn kiểm tra công tác văn bản quy phạm pháp luật tại huyện Tiên Lãng, ngày 14.12.2009, Sở Tư pháp Hải Phòng đã ra Thông báo số 408/TB-STP kết luận về việc này, trong đó có việc kiểm tra nghị quyết, quyết định của UBND huyện trong công tác quản lý đất nuôi trồng thủy sản ven sông, ven biển.
 
Cụ thể, Thông báo nêu rõ: Các nghị quyết của HĐND huyện từ năm 2006 – 2009 về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đều có quy định “Thu hồi diện tích đất bãi bồi ven sông, ven biển đã hết thời hạn giao cho UBND các xã, thị trấn quản lý theo quy định của pháp luật”.
 
Các quy định này là không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 67, khoản 10 Điều 38 Luật Đất đai. Theo quy định viện dẫn trên thì khi hết hạn thuê đất, người sử dụng đất tiếp tục được thuê đất nếu còn nhu cầu sử dụng đất…
 
Với Quyết định số 3756/2008/QĐ-UBND ngày 17.10.2008 do ông Lê Văn Hiền – Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng ký về việc ban hành quy định quản lý, sử dụng đất, mặt nước bãi bồi ven sông, ven biển sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, Sở Tư pháp Hải Phòng kết luận không phù hợp với Điều 80 Luật Đất đai.

Bởi theo điều luật này “đất bãi bồi ven sông, ven biển… do UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quản lý, sử dụng và bảo vệ theo quy định của Chính phủ”.
 
“Như vậy việc quản lý, sử dụng và bảo vệ đối với diện tích đất này chỉ Chính phủ mới có thẩm quyền quy định, UBND huyện không có thẩm quyền quy định” – Sở Tư pháp Hải Phòng kết luận.
 
 
Minh Khang - Phan Mạnh - Hà Chi

Bình luận
vtcnews.vn