• Zalo

Cuối năm, gặp người phụ nữ đệ nhất mắn đẻ Sài thành

Đời sống Thứ Năm, 12/02/2015 03:14:00 +07:00Google News

Chị đẻ nhiều nên “nổi tiếng”, đẻ đều đặn đến mức người ta mệnh danh chị là người mắn đẻ nhất Sài Gòn.

(VTC New) - Chị đẻ nhiều nên “nổi tiếng”, đẻ đều đặn đến mức người ta mệnh danh chị là người mắn đẻ nhất Sài Gòn.


17 tuổi lấy chồng, 36 tuổi đã sinh được 10 đứa con, chưa kể một lần sẩy thai. Chị đẻ nhiều nên “nổi tiếng”, đẻ đều đặn đến mức người ta mệnh danh chị là người mắn đẻ nhất Sài Gòn. 

Tên chị là Trần Thị Uyên Phương, tên thường gọi là Mén, người nào biết chị thì gọi lái sang là Mắn. Cuộc đời có lúc bất hạnh, cực khổ triền miên nhưng người mẹ trẻ hai nách 10 đứa con lúc nào cũng tươi cười hiền hậu. Nhà chị cũng luôn đầy ắp tiếng cười nên có thể gọi là “nhà cười”.

Chuyện đời như tiểu thuyết của người mẹ trẻ đông con

Nhà chị Mén nằm sâu trong con hẻm nhỏ ngoằn nghèo ở khu phố 1, P.17, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Vừa đến đầu con hẻm, xưng là nhà báo, đã có người hỏi có phải vào nhà chị Mén không?

"Nhà báo đến đây không tìm con Mén thì tìm ai. Ở khu này nó nổi tiếng nhất” - bà Hằng bán tạp hóa đầu hẻm lởi xởi. “Cả thành phố này tui đố ai đẻ được như vợ chồng nó. Nó đẻ riết mà nổi tiếng đó”, bà cười kể. Con hẻm rộng chỉ 1m, mỗi lần đại gia đình chị Mén dắt díu nhau ra đường là y như kẹt cứng.

Theo giới thiệu của nhiều người, tôi đến một căn nhà hai tầng nhưng gần như vuông vức và khá chật gần cuối con hẻm. Bầy con nít thấy khách lạ cười tít mắt rồi dẫn khách vào nhà. Đám trẻ bắt đầu những trò đùa nghịch, pha trò chọc ghẹo nhau. Chị Mén từ sau bếp xuất hiện, xốc nách từng đứa lên đánh đét vào đít. Tức khắc, đám nhỏ tinh nghịch trật tự phăng phắc, tự động vào góc nhà lấy đồ chơi.

Chị Mến 
“Chú thấy đó. Nhà cả một đạo quân, lúc nào cũng mệt bở hơi tai”-chị Mén cười hiền nói. Lần đầu gặp, tôi thấy chị thật sự trẻ. Dù là mẹ của 10 đứa con nhưng chị hãy còn xuân sắc lắm. Người dong dỏng cao, mặt thanh tú, chỉ có cái nét lam lũ thoáng ẩn hiện.

Biết chúng tôi đến viết về hoàn cảnh chị kể luôn: Anh chị có cả thảy có 3 trai, 7 gái. Đứa lớn nhất sinh năm 1991 chỉ học hết lớp 6, đang làm bảo mẫu ở một câu lạc bộ tại quận 3; đứa nhỏ nhất sinh năm 2010; 8 em còn lại đang theo học rải từ cao đẳng đến tiểu học.

“Chắc chú sẽ hỏi sao chị đẻ nhiều phải không? Chị nghe quen rồi, mười người hết chín người hỏi như vậy. Lúc đầu anh chị cũng nghĩ là sẽ đẻ nhiều con cho vui cửa nhà, nhưng giờ mới thấy nhiều quá”- chị thật thà. 

Người ta nói chị ham đẻ nhưng không biết lòng chị mang một vết thương lớn. Chị sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc, cha mẹ đã bỏ rơi chị ở bệnh viện ngay ngày cất tiếng khóc chào đời.

Sau đó chị được một người cô ruột nhận nuôi và lo cho ăn học. Song chỉ theo đến lớp 6 chương trình bổ túc chị Phương xin nghỉ để đi bán đậu phộng kiếm tiền phụ mẹ nuôi. 
Mặc dù gần năm trôi qua nhưng đến giờ vết hằn bị cha mẹ bỏ rơi vẫn chưa thể xóa nhòa trong tâm trí chị. 

“Chị không hận mà chị không muốn nhớ đến họ, con cái ruột đẻ ra lại đối xử như thế thì thà đừng đẻ. Chị đẻ mười đứa nhưng quyết nuôi chúng thành người, không để chúng bất hạnh như mẹ”- chị lắng giọng.

Cuộc sống buôn thúng bán bưng vất vả, đến đầu năm 17 tuổi, chị gật đầu đồng ý làm vợ của anh Mai Thanh Tú, một thanh niên hơn chị 5 tuổi làm nghề bốc xếp, với hy vọng yên bề gia thất rồi sẽ đỡ cô đơn. 

"Hồi đó chị đẹp lắm à nghen. Nhưng mình nghèo lại học vấn thấp đâu dám mơ lấy được chồng giàu có. Thấy ảnh hiền lành, thật thà, chăm chỉ làm ăn nên chị ưng đại. Cuộc sống từ đó đến giờ vẫn vậy, được cái cả hai chịu khổ cũng quen rồi", câu chuyện gia đình được chị kể tiếp. Anh yêu thương chị và rất chung thủy, nên cuộc đời chị được nhiều an ủi, hạnh phúc.  

Cưới chồng được một tháng chị mang thai rồi hạ sinh đứa con đầu lòng khi chưa hết tuổi 17. Và sau đó chị cho ra đời trung bình 2 năm một đứa, lần lượt sinh năm 1993, 1996, 1998, 2000, 2001, 2005, 2007, 2009, 2010. Đó là chưa kể một lần sẩy thai. Người ta mang nặng đẻ đau, chị thì thời gian đầu thôi. 

Sau này đẻ thành thói quen rồi, đẻ sòn sòn, nằm cữ vài ngày là bán buôn bình thường. Lúc đầu có 5 thành viên nhà đã chật, anh chị nhắc nhở nhau cầm lòng không đẻ nữa. Nhưng càng đẻ càng chật. Chật thì anh chị nằm cạnh nhau cựa quậy là sinh chuyện, lại đẻ. Chị đẻ miết mà mấy chị y tá ở Bệnh viện Gia Định quen mặt luôn, cứ nhoáng thấy chị là biết sắp thêm một ca sinh nở. 

Khổ nhất là cán bộ dân số phường tháng nào cũng xuống khuyên ngăn kêu tìm biện pháp. Khuất lưng vài bữa đã thấy bụng chị to ra. Lại phải chờ chị đẻ xong xuống nhà khuyên giải. Nhưng rồi vẫn như cũ. Có lần, ban ngành đoàn thể đau đầu quá,họp bàn kế xong đến thẳng nhà khuyên nhủ và “hộ tống” chị đi triệt sản. Đến được bệnh viện, cán bộ mừng rơn chắc mẫm phen này thành công. 

Chị nói hồi hộp quá xin đi vệ sinh rồi lẻn trốn thẳng về nhà. Riết rồi cán bộ ngán, chẳng ai dám đến nhà chị nữa. “Hai năm rồi chị không sinh nữa, cán bộ yên tâm được rồi,chắc họ cho chị bằng khen cũng nên”-chị cười hóm hỉnh kể. 

Hồi sinh đứa con thứ 3 chị cũng định triệt sản nhưng không được, đặt vòng thì xuất huyết, uống thuốc ngừa thai thì vài bữa lại quên nên liên tục "vỡ kế hoạch". “Dân học là đội hình nhà chị thiếu chỉ một cầu thủ nữa. Nhiều người xúi chị đẻ thêm”-chị cười sảng khoái.

Chuyện ở nhà cười và tương lai bầy trẻ

Mãi nói chuyện với chị, chúng tôi nhìn lại mới thấy “đàn” con chị đứa nào cũng khỏe mạnh, tinh khôi. Vì tuổi không hơn nhau mấy, những mái đầu san sát. Tôi hỏi nhiều con như thế có khi nào chị quên tên? 

Chị nói thật tên thì không quên nhưng nhiều lúc cũng rối. Để dễ bề “quản lý” anh chị thống nhất phương án đánh số từ 2 đến 11 (Nam Bộ gọi đứa lớn là thứ 2). “Cầu thủ” số 11 sinh năm 2010, hiện giờ 5 tuổi. Mọi vật dụng cá nhân trong nhà cũng đều đánh số như vậy. “Nhà đông nên phải có sắp xếp chứ, không là lẫn lộn lung tung”-chị giãi bày. 

Nhà chị trước ăn cơm có mâm bát hẳn hòi. Nhưng khổ thân hai anh chị thay phiên nhau bới cơm cho từng đứa. Vừa bới cho đứa này, đứa khác đã chìa bát ra. Bây giờ ăn tô kiểu Nam Bộ, mỗi người một tô cho tiện. Việc ngủ nghê thì đã có giờ giấc đàng hoàng. Đúng giờ giới nghiêm là trải chiếu xuống nền, tất cả các “cầu thủ” cùng hai “huấn luyện viên” nằm san sát, đông như cá mòi. Con đông nên chị tập tính tự lập cao. Dù còn nhỏ nhưng đứa nào cũng tự đánh răng, rửa mặt tắm rửa đâu vào đấy.

Để bảo đảm sinh hoạt trong gia đình với “quân số” như vậy, gánh nặng đè lên vai anh chị ngày một lớn. Hiện giờ chồng chị vẫn theo nghề bốc xếp với thu nhập từ 300.000 đến 400.000 đồng một ngày, bản thân chị chuyển sang bán nước giải khát và khoai nướng trước cửa nhà mỗi ngày lời khoảng 200.000 đồng. Chị khoe với chúng tôi khoản thu nhập bình quân 18 triệu đồng/tháng. 

Nghe thì chẳng kém cạnh ai nhưng nếu chia đều cho 12 người thì mỗi người có đúng 1,5 triệu đồng. Ở cái thành phố này, chỉ ăn uống tằn tiện thì mới sống được với mức như thế. Chưa kể, con chị ngày một lớn, rồi học hành công việc. Cật lực mưu sinh nhưng 20 năm rồi anh chị không dư dả đồng nào. Buổi trưa chị nấu 1,5kg gạo để ăn nguyên ngày. Đồ ăn lúc hết tiền là đậu hủ chiên sả, lúc có tiền thì mua thịt cá, rồi để tụi nó tự bới ăn. Tối tới là tụi nó đứa ngồi học, đứa chơi lăn lóc.

“Khó khăn cực khổ mấy anh chị cũng chịu được. Con cái là trời cho, chị không bỏ đứa nào đâu. Đẻ tới đâu chị nuôi tới đó”.

Vì vậy mà có rất nhiều người hiếm muộn đến xin con về nuôi nhưng anh chị vẫn từ chối. Nhiều vị thấy con anh chị quá khôi ngô đặt vấn đề xin rồi “lại quả” cả chục cây vàng, chị đuổi thẳng cổ.

 “Chú tính đi, mỗi đứa cả chục cây vàng thì chị giàu to rồi. Chị chẳng cần gì hết, con cái là tài sản lớn nhất của đời chị, chị không bao giờ đánh đổi với bất cứ cái gì trên đời”, chị nói.

"Nhà nghèo có rau ăn rau có cháo ăn cháo chứ con mình đẻ thì mình nuôi. Đời chị bị cha mẹ bỏ rơi đã khổ nhiều rồi bây giờ không thể để các con mình khổ như thế được", chị tâm sự.

Nói là nói vậy chứ ai cũng biết chị khổ, nhiều khi khốn đốn. Đứa con gái lớn (sinh năm 1991) làm giữ trẻ ở gần nhà. Đứa kế học cao đẳng, tới năm thứ hai thì không đào đâu ra tiền nên nghỉ rồi đi học pha chế đồ uống. Còn 5 đứa đang học. Khổ nhất là học phí, con chị đi học giữa năm mới có tiền đóng. Cứ bị nhắc nhở hoài nên chúng cũng tủi. 

Thương con,nhiều lần anh chị vay tiền nóng để trang trải, tiền lãi rất cao. Chị phải xin nhà trường đóng học phí cho các con theo tháng như chơi hụi. Cũng may có mấy phụ huynh tốt bụng đóng giúp học phí cho một đứa, mới đây gia đình cũng được phường xét diện hộ nghèo nên cũng được giảm một ít.

“Anh chị bây giờ chỉ mong có sức khỏe nuôi con em ạ. Còn đôi tay thì mình còn gắng được. Chỉ mong trời phật phù hộ gia đình chị đừng ai đau ốm. Vì một người đau là khổ cả nhà”, chị nói. 

Lần đầu tôi thấy người phụ nữ lanh lợi và đôn hậu này thoáng chút buồn. Có lẽ chị là vậy, bao nhiêu hạnh phúc vui vẻ dành hết cho đàn con thơ dại, nước mắt chị nhận lấy một mình.

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Cội, Tổ trưởng tổ dân phố khu vực báo ngay tin mừng là chị Mén đã triệt sản sau khi sinh đứa thứ 10. Ông nói mà quệt mồ hôi trán, thở phào. "Đó là một thành công lớn rồi. Vì chị mới 38 tuổi, sức đẻ còn khiếp lắm. Hiện cán bộ ban ngành đoàn thể đang tìm mọi cách giúp đỡ gia đình chị vượt qua khó khăn".


Y Trang
Bình luận
vtcnews.vn