"Trốn" tiệc tùng
Năm 2011 được đánh giá là một năm khó khăn nhất của thị trường bất động trong suốt 20 năm qua. Có thể thấy, càng về cuối năm, càng có nhiều vụ vỡ tín dụng đen liên quan đến bất động sản xảy ra. Các dự án mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi nhưng vẫn ế ẩm. Cũng chính vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều chọn giải pháp đóng cửa và cho nhân viên nghỉ Tết sớm.
Được mời đến tham gia một bữa tiệc chia tay của một công ty bất động sản, mới thấy sự ảm đạm của thị trường bất động sản đến thế nào. Khách mời gần như không có ai, chỉ là một, hai người bạn thân quen. Địa điểm mời cũng rất bình dân: một quán ăn bình thường, không “sơn hào hải vị”, không rượu ngoại, không quà cáp,…chỉ đơn giản là một “bữa cơm gia đình” để chia tay năm cũ.
Theo vị Tổng giám đốc công ty này, năm 2011, hầu hết các dự án của công ty đều phải nằm án binh bất động vì không có nguồn vốn để triển khai. Trong khi đó, hàng tháng số tiền lãi mà công ty phải trả ngân hàng đều lên hàng tỷ đồng.
“Với mức lãi suất hơn 20% như năm nay, doanh nghiệp càng làm thì chỉ càng lỗ thôi. Vì vậy, nhiều dự án công ty tôi đã làm xong đến 60% nhưng vẫn đành phải dừng vì không chịu nổi mức lãi suất vay”, vị Tổng giám đốc này chia sẻ.
Còn nhớ, cách đây 1 năm, bữa tiệc cảm ơn của công ty này thật khiến người ta phải choáng váng. Nhà hàng sang trọng, thịt kỳ đà các món, rượu ngoại đắt tiền và quà cáp cho khách mời cũng thật “khủng”,…Ảnh minh họa
Theo vị Tổng Giám đốc này, mọi năm vào những ngày giáp Tết này, anh thường không có thời gian rảnh, vì hội họp, vì đi biếu quà cho các lãnh đạo và tặng quà cho khách hàng ruột. Nhưng năm nay, làm ăn thua lỗ, không có lãi, vì vậy công ty anh tổng kết sớm, cho nhân viên nghỉ Tết dài ngày, còn anh thì “trốn” về quê với gia đình để tránh phải tham gia các buổi tụ tập, hội họp,…
Có lẽ có một buổi tổng kết cuối năm, tuy không linh đình nhưng cũng còn hơn rất nhiều công ty khác. Nhiều doanh nghiệp bất động sản, năm nay chỉ dám cho nhân viên đi…hát karaoke để tổng kết năm.
Chỉ dám mong trả hết nợ
Nhiều đại gia bất động sản cũng không dám lựa chọn cách “đi chơi” thay vì làm việc những ngày giáp Tết Nguyên Đán này. Một Giám đốc doanh nghiệp ở Đà Nẵng tâm sự, thị trường đóng băng, không có khách hàng, càng làm thì sẽ chỉ càng nợ lớn. Hiện công ty anh đã cho nhân viên nghỉ Tết từ cách đây 1 tháng. Còn bản thân anh thì chọn phương án ra Hà Nội, để thăm bà con họ hàng và bạn bè, thay vì tham gia các buổi hội họp như mọi năm.
“Nếu năm sau mà tình hình không có gì thay đổi, chắc tôi vẫn phải cho nhân viên nghỉ dài dài vì không có tiền để duy trì hoạt động của các bộ máy, mà thực sự nhân viên cũng không có việc gì làm nếu thị trường trầm lắng như hiện nay”, vị giám đốc này chia sẻ.
Một điều dễ nhận thấy là trên bàn nhậu, câu đầu tiên mà các đại gia nâng ly chúc tụng nhau là “Sức khỏe”, chứ không phải là “năm sau làm ăn phát đạt”. Theo lý giải của một vị đại gia thì đó là lời chúc quá xa xỉ. Những người làm trong giới bất động sản đều hiểu, với thị trường năm sau thì cầm cự được là giỏi, chứ chắc chắn ít doanh nghiệp dám có kế hoạch đầu tư lớn, cùng lắm là đầu tư cầm chừng.
Vị này còn kể thêm câu chuyện dở khóc dở cười của nhiều giám đốc doanh nghiệp hiện nay. “Hôm vừa rồi mấy anh em làm bất động sản chúng tôi rảnh rỗi, nên có đi chùa cầu may, nhưng thấy ai cũng chỉ dám cầu rất khiêm tốn là bán được nhà với giá cũ, để có tiền trả nợ ngân hàng. Thậm chí có vị còn khấn đi khấn lại “cầu trời cho con đừng vỡ nợ…”.
Chỉ còn gần một tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán, nhiều nhà kinh doanh bất động sản tại Hà Nội lo ngay ngáy vì không biết Tết này sẽ tiêu bằng gì và lấy đâu tiền trả nợ cho ngân hàng khi năm đang hết, Tết đang đến từng ngày.
Theo anh N., giám đốc một sàn bất động sản ở Hà Nội, từ tháng 3 đến nay, công ty anh không có doanh thu nên lương cũng chậm, đến thời điểm này lương tháng 10 của một số người còn chưa trả hết nên không dám nghĩ đến đầu tư hay hội họp gì dịp cuối năm này nữa, chỉ nghĩ đến trả nợ lương nhân viên và ngân hàng đã ốm vì mệt rồi.
Anh Nam cũng cho biết, cả năm công ty chẳng dám tổ chức một chuyến đi chơi hay nghỉ mát ở đâu. Năm sau, chắc chắn công ty anh sẽ phải cắt giảm nhân viên cũng như trả lại chủ đầu tư một số dự án vì không thể bán được.
“Chưa năm nào tôi sợ Tết như năm nay, Tết đến bao nhiêu thứ phải lo, nhưng cả năm làm ăn thua lỗ, không biết lấy tiền đâu để trả lương cho nhân viên, chứ chưa nói đến tiền thưởng”, anh Nam tâm sự.
Châu Anh
Cuối năm, đại gia bất động sản cũng né tiệc tùng
(VTC News) – Không hội họp linh đình, không đặt tiệc tại những nhà hàng sang trọng, nhiều đại gia bất sản đang chọn cách “đóng cửa” và mong trả hết nợ.
(VTC News) – Không hội họp linh đình, không đặt tiệc tại những nhà hàng sang trọng, cũng không quà Tết hoành tráng, nhiều đại gia bất sản đang chọn cách “đóng cửa” và cầu khẩn “Mong trả hết nợ”.
Bình luận