Khi một người xoa dịu nỗi sợ hãi trong chúng ta - họ nhìn thấy điều tốt nhất ở bản thân chúng và do đó khơi gợi mặt tốt đẹp ở nơi ta. Bên cạnh đó, cũng có những người đem đến điều ngược lại.
Bạn có nhận thấy sự thay đổi trong cách ứng xử của bạn với những người khác nhau không? Khi bạn ở với một người, bạn thường cảm thấy tức giận; với người khác, bạn cảm thấy vui vẻ và tự tin. Hay khi bên cạnh một người, bạn cảm thấy yêu đời, còn với người khác, bạn cảm thấy không an toàn và thu mình lại...
Bạn vẫn là bạn. Vậy sự khác biệt là gì? Đó chính là những đối tượng mà bạn tiếp cận - những người sẽ khiến bạn bộc lộ những bộ mặt khác của mình, cả tốt và xấu.
Trong một mối quan hệ lành mạnh, một cặp đôi sẽ phát huy những điều tốt nhất ở nhau. Đối với các mối quan hệ độc hại, điều ngược lại sẽ xảy ra. Nếu nhận thấy những dấu hiệu này, có lẽ đã đến lúc bạn cần cân nhắc nhìn nhận lại mối quan hệ hiện tại đã mang đến cho bạn một bộ mặt thế nào.
Mọi cuộc tranh cãi luôn dẫn đến phản ứng cực đoan
Bất đồng là điều thường gặp trong mọi mối quan hệ, nhưng mâu thuẫn với nhau không có nghĩa là la hét, đánh nhau, ra tối hậu thư... Bạn có thường thấy mình hành động không giống mình thường ngày khi tranh cãi với nửa kia không?
Trong một mối quan hệ mà hai bạn thể hiện điều tồi tệ nhất ở nhau, bạn sẽ thường xuyên rơi vào trạng thái đánh giá đối phương một cách tiêu cực, và kết thúc bằng việc cảm thấy xấu hổ với những hành động của mình vào ngày hôm sau khi bình tĩnh lại. Hoặc tệ hơn, bạn hoặc họ không còn cảm thấy có lỗi với những hành động không đúng của bản thân.
Mối quan hệ của hai người luôn là một cuộc cạnh tranh
Thay vì sử dụng các kỹ năng giao tiếp lành mạnh, hai bạn thể hiện cảm xúc của mình bằng cách phản ứng lại các tình huống một cách bất bình, tức giận và thao túng. Cả hai đều cố gắng làm cho đối phương cảm thấy họ nhỏ bé hơn mình hoặc phục tùng mình.
Nếu thỉnh thoảng bạn không cảm thấy thoải mái với việc thỏa hiệp vì nghĩ rằng điều đó là thua cuộc, sẽ mang lại quyền lực cho nửa kia, thì đó không phải là một dấu hiệu lành mạnh. Tình yêu không phải là một cuộc cạnh tranh.
Biện minh cho việc đối xử tồi tệ với nhau bằng lỗi lầm trong quá khứ
Đây là vấn đề về lòng tin và thường xảy ra khi một người nói rằng đã tha thứ cho nửa kia vì điều gì đó, nhưng thực tế thì không như vậy.
Nó có thể đơn giản như việc thỉnh thoảng nhìn lén điện thoại của người ấy vì bạn từng thấy họ nhận được tin nhắn từ người yêu cũ, trong khi bạn thừa biết rằng đó hành là vi thiếu tôn trọng và vi phạm quyền riêng tư của người mình yêu. Một ví dụ khác là nói dối đối nửa kia vì họ đã cũng từng nói dối bạn trước đây.
Bạn bỗng nhận thấy mình mắc phải những tật xấu, thói quen không tốt, bạn biết là sai nhưng vẫn làm, chỉ vì trong quá khứ, người ấy cũng từng làm điều tương tự.
Bạn bè và gia đình lo lắng cho bạn hơn bình thường
Bạn bè và gia đình của bạn có liên hệ với bạn và hỏi xem bạn có ổn không, hay tự hỏi tại sao gần đây bạn có vẻ hơi sa sút? Họ có thể nhận ra rằng mối quan hệ của bạn đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến bạn trước khi bạn tự mình nhận ra điều đó.
Tình yêu là để khiến chúng ta trở nên tốt hơn, cảm thấy tốt hơn chứ không phải tồi tệ đi. Hãy thoát ra khỏi bất kỳ mối quan hệ khiến bạn cảm thấy rằng mình hoặc người ấy đang khơi gợi những mặt tồi tệ nhất trong nhau. Hãy tìm kiếm một người mà bạn có thể phát huy những điều tốt nhất của bản thân và chính người đó.
Bình luận