• Zalo

Cuộc tình cổ tích của Nguyễn Ngọc Ký và hai chị em ruột

Thời sựThứ Bảy, 24/12/2011 09:27:00 +07:00Google News

Cuộc tình đẫm lệ của Nguyễn Ngọc Ký với hai người vợ là hai chị em gái ruột không chỉ người dân nơi ông ở là phường 12, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh biết đến.

Cuộc tình đẫm lệ của Nguyễn Ngọc Ký với hai người vợ là hai chị em gái ruột không chỉ người dân nơi ông ở là phường 12, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh biết đến, mà chuyện tình như cổ tích này còn lan đi khắp nơi.

Tác giả "Tôi đi học" nổi danh cách đây gần nửa thế kỉ bởi cuộc đời ông là một thiên tiểu thuyết về nghị lực và ý chí vượt lên chính mình. Người ta gọi ông là “nhà văn đạp chân” vì ông viết sách, sáng tác thơ đều dùng hai bàn chân. Tấm gương của Nguyễn Ngọc Ký phản chiếu sâu rộng trong mọi tầng lớp đặc biệt là giới học sinh, sinh viên.

Dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhưng thầy Nguyễn Ngọc Ký không ngừng viết nhật ký về đời mình 

Cổ tích một chuyện tình


Chuẩn bị rời trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Ngọc Ký được gặp nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong buổi gặp gỡ ấy, nguyên Thủ tướng đã hỏi Ký chuyện vợ con của cậu đến đâu rồi? Ký chợt bối rối về câu hỏi của bác Đồng rồi e thẹn trả lời: "Dạ thưa bác, cháu không dám nghĩ đến chuyện vợ con vì cháu biết sức khỏe của mình không được bình thường như những người khác. Bây giờ cháu chỉ lo có một công việc ổn định làm phụ giúp bố mẹ.

Bấy giờ bác Đồng liền bác bỏ ý nghĩ đó của Ký và khuyên Ký đừng nên tự ty, mặc cảm với bản thân mình. Ký đã vượt qua được mặc cảm bản thân để vươn lên thành người có ích cho xã hội thì không có lý gì cậu lại bỏ dở hạnh phúc của mình. Sau lần gặp ấy, Ký như được tiếp thêm sức mạnh, trong đầu Ký bắt đầu mơ về một hạnh phúc nhỏ nhoi phía trước.

Trong những ngày ngắn ngủi về nhà chờ đợi phân công công việc, một buổi sáng mùa thu xanh mát, ông anh kết nghĩa Đặng Yên Chi dẫn theo một cô em gái vợ Bùi Thị Nhiễu xuống nhà Ký chơi. Vừa gặp nhau lần đầu tiên, hai ánh mắt như có hồn cứ ánh lên những tia sét ái tình. Cuộc gặp gỡ chóng vánh chưa nói được gì đã phải chia tay, đến khi tiễn anh Chi và Nhiễu về rồi, Ký cứ thấy bâng khuâng vương vấn.

"Trông cô này cũng được, khuân mặt đầy đặn, phúc hậu lại có vẻ nhanh nhẹn. Thật ra, trước khi rung động cô Nhiễu, thời còn là sinh viên văn khoa, Ký có trải qua một vài mối tình nho nhỏ. Hồi đó, cứ thấy thích nhau thì người ta cho đó là tình yêu chứ thật ra chẳng có gì cả, thậm chí một cái nắm tay còn không dám", Nguyễn Ngọc Ký chia sẻ.

Sau này ông kể lại, trong thời gian ông về nhà chờ việc, mở quấn lưu bút lúc chia tay ra đọc thì vô tình bắt gặp những dòng nhật ký yêu thương của Hạnh Nhu (bạn học cùng lớp với Ký) viết lên những dòng tâm sự thật ngậm ngùi. Hạnh Nhu bày tỏ rằng, cô ta rất trân trọng Ký và đã thương thầm từ lâu lắm rồi, cô muốn sống trọn đời để chăm sóc cho Ký nhưng rất tiếc là Ký không nhận ra điều đó.

Lại quay về chuyện cô Nhiễu. Sau những tia sét ái tình mãnh liệt xuất phát từ hai phía, họ chia tay nhau và hẹn ngày tái ngộ. Đúng nửa tháng sau, cô Nhiễu một mình đạp xe vượt 30 cây số xuống thăm Ký. Cả nhà đều đi làm vắng, Ký rủ Nhiễu đi dạo qua nhà anh em chơi. Suốt đoạn đường ngược chiều gió heo may êm mát, lần đầu tiên Ký ngồi sau xe của một người con gái và thực sự thấy hồi hộp, vui vui, ngường ngượng.

Ký hỏi Nhiễu: "Em có sợ người ta trêu khi đèo anh không?". Nhiễu tếu táo: "Thế anh có sợ người ta trêu khi bị em đèo không? Chắc em hiểu chỉ có trai đèo gái thôi chứ chẳng khi nào gái đèo trai", Ký nói. Cô Nhiễu trấn an: "Sao anh phong kiến thế, nếu nghĩ vậy em đã chẳng một mình xuống đây". Rồi cả hai cùng cười, vòng xe bon bon dọc triền đê của vùng quê Hải Hậu, Nam Định, xa xa mấy cánh chim trời vẫn đang bay mải miết.

Mải mê nói chuyện quá, đến khi định về thì trời nhá nhem tối, nghĩ cảnh đường xa, thân gái dặm trường, Ký năn nỉ Nhiễu ở lại. Đêm hôm ấy, trăng thanh, gió mát, cảnh khuya tĩnh mịch, câu chuyện của hai người đang yêu chốc chốc lại chùng xuống, sôi lên. Nhiễu kể, cô có người bạn trai đang học bên Trung Quốc, tốt bụng lắm nhưng hai người vẫn chỉ là bạn thôi.

Lúc này, Ký mới hỏi Nhiễu: "Nhiễu có sợ rằng nếu kết thân với anh cả đời sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi. Rồi có những người dèm pha, nói em là dại dột đi làm bạn với người không còn tay thì em nghĩ sao?". Cắt ngang dòng suy nghĩ của Ký, Nhiễu quả quyết: "Em không sợ gì hết, đã yêu nhau thì chỉ cần con tim và khối óc. Theo em, để vượt qua sóng gió, cái chính là nghị lực và ý chí đâu phải chỉ ở cái chân, cái tay. Khối người lành lặn mà vừa gặp vũng nước đã chùn bước".

Ký thấy hạnh phúc vô bờ, thế là từ đây, Ký đã thật sự chọn cho mình một người bạn đời đích thực. Một nụ hôn đầu, một vòng tay âu yếm từ Nhiễu, một vòng chân ngường ngượng, run run, cả hai lặng đi trong phút giây hạnh phúc đầu tiên.


Trao duyên cho em

Vượt qua mọi rào cản, cuối cùng Nguyễn Ngọc Ký đã có vợ ở tuổi 23. Hai người sống với nhau thật hạnh phúc. Ba đứa con, hai gái một trai trào đời trong niềm vui khôn xiết. Khó khăn, gian khổ không làm Ký nao núng bởi trên đời này còn điều gì gian khó mà Ký chưa vượt qua đâu. Hai vợ chồng đều làm nghề giáo, những khi vợ bận con nhỏ không lên lớp ông lại đứng giảng thay vợ.

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký cùng người vợ hiện tại

Năm 1994, trong khi đang công tác ở miền Nam thì bà Nhiễu bị tai biến mạch máu não phải nhập viện. Từ Nam, ông bỏ hết công việc ra Hà Nội chăm vợ. Hai tháng trời ròng rã ở bệnh viện Bạch Mai, bệnh tình không thuyên giảm, ông tiếp tục đưa vợ vào TP. HCM chữa trị. Sau 7 năm gồng mình chống trả với những di chứng của bệnh bại não, mặc dù được chồng con hết mực chăm sóc, chạy chữa nhưng rồi năm 2000, bà Nhiễu rời bỏ ông và các con.

Trước khi khuất núi, lời thỉnh cầu cuối cùng và tâm huyết nhất của bà Nhiễu là nhờ người em gái ruột là bà Vũ Thị Đậu thay mình chăm sóc chồng. Bà Đậu đã có gia đình và hai con riêng nhưng chồng cũng đã mất cách đây 10 năm. Mặc dù thương mẹ, thương bố không có người chăm nom khi về già nhưng các con của ông Ký và con bà Đậu một mực phản đối. Con ông Ký thì khuyên cha, bây giờ già rồi đừng bước thêm nữa hãy dành thời gian và tình cảm cho các con đi.

Dù khó khăn bao nhiêu, các con sẽ nuôi và chăm sóc được cho bố. Còn con bà Đậu thì đưa ra lý do, nếu có ý định lấy chồng nữa thì bà Đậu đã bước lâu rồi không phải chờ đến bây giờ mới lấy đâu. Cả hai gia đình phản đối, khuyên can, bà Đậu chỉ biết lặng lẽ, thương chị lắm, lời trăn trối của chị luôn dằn vặt lương tâm bà Đậu nhưng giờ con phản đối thì biết làm sao.


Ông Ký đưa ra lý lẽ để thuyết phục con mình: "Bố đã già rồi, mẹ các con mất bố phải đi thêm bước nữa cũng vì các con thôi. Các con ai cũng có một công việc phải làm đâu phải cứ ở nhà trông nom bố được. Bố lấy dì của các con vì hơn ai hết, bà ấy hiểu được gia đình mình, cảm thông và có thể chăm sóc cho bố giống như mẹ các con hơn 30 năm qua đã ở bên bố".

Cũng trong thời gian đó, ông Ký bị bệnh gút khiến không thể đi lại được. Vậy là 3 người con phải bỏ việc, ở nhà thay nhau chăm sóc ông. Bệnh tình kéo dài, công việc ở cơ quan thì nhiều, đến lúc không thể tiếp tục được nữa, các con ông họp lại và quyết định điện cho dì Đậu vào chăm sóc hộ. Thế rồi một đám cưới nho nhỏ, bình lặng diễn ra cho họ tiếp tục một chặng đường mới.

Bây giờ, hễ ông đi đâu là bà đều có mặt. Trong những buổi nói chuyện hay các cuộc giao lưu, người ta thường nhìn thấy bóng dáng một người phụ nữ phía sau Nguyễn Ngọc Ký khi cần sẽ cài lại cho ông cái nút áo bị tuột, ôm cho ông bó hoa và theo ông đi khắp các ngả đường đến khi nào đôi chân của Nguyễn Ngọc Ký dừng bước.

Theo Người đưa tin



Bình luận
vtcnews.vn