Bối cảnh
Năm 1991, ngôi làng nhỏ Khojaly thuộc khu vực Nagorno Karabakh của Cộng hòa Azerbaijan có khoảng 6.300 dân. Đến tháng 10/1991, giai đoạn giữa của vụ Chiến tranh Karabakh quân đội Armenia đã gần như kiểm soát các khu vực quanh làng Khojaly, cô lập địa phương này với các vùng khác của Azerbaijan.
Theo tài liệu của nhà báo Mỹ Thomas Goltz, khu vực bị cách ly hoàn toàn, cách tiếp cận an toàn duy nhất là dùng trực thăng và tất nhiên là được sự cho phép của lực lượng kiểm soát.
Đài tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát Khojaly
Điện, nước bị cắt và nhiều loại hàng hóa, nhu yếu phẩm bị ngăn chặn khi đưa đến cho cộng đồng người dân ở Khojaly. Khi đó, những người có điều kiện đều đã đi trốn, số còn lại buộc phải chờ đợi trong lo lắng khi mà quân đội Armenia ngày càng áp sát.
Ngày 25/2/1992, lực lượng vũ trang Armenia bắt đầu tấn công Khojaly. Bị tấn công từ 3 phía trong khi quân đội Armenia áp đảo hoàn toàn so với lực lượng đặc nhiệm Azerbaijan và dân quân còn lại bảo vệ người dân, Khojaly nhanh chóng thất thủ.
Thảm sát
Sau khi chiếm giữ được làng Khojaly, quân Armenia để trống một con đường dành cho người dân Azerbaijan chạy tị nạn. Sau hàng tiếng chạy trong các khu rừng lạnh lẽo, những dân thường Azerbaijan đã đến gần làng Nakhichevanik.
Nhưng không may cho họ, những binh sĩ Armenia với vũ trang đầy đủ đã đứng sẵn trên đồi. Những loạt đạn liên tiếp được xả xuống đám đông bên dưới, do có các dân quân lẫn bên trong đoàn người nên phía Azerbaijan có một số sự phản kháng nhưng không hiệu quả.
Nhưng mọi chuyện chưa kết thúc ở đó, từ đêm 25 đến sáng 26/2/1992 đã có thêm những vụ xả súng của quân Armenia nhằm vào đoàn dân chạy nạn của Azerbaijan.
Hình ảnh thi thể các nạn nhân trong vụ thảm sát kinh hoàng
Dù cho số thương vong chính xác chưa được cả 2 bên công nhận nhưng Azerbaijan cho biết trong 2 ngày 25-26/2, đã có 613 thường dân nước này bị sát hại, trong đó có 106 phụ nữ, 63 trẻ em và 70 người già.
Trước cáo buộc thảm sát dân thường, phía Armenia đã phủ nhận và nói hành động của họ là để ngăn chặn các lực lượng pháo binh ở Khojaly. Bên cạnh đó, một số thông tin từ các tổ chức quan sát quốc tế cũng cho rằng, các vụ xả súng xảy ra vì trong đoàn dân thường tị nạn có lẫn các đặc nhiệm và dân quân mang vũ khí của Azerbaijan.
Ký ức kinh hoàng
Sau đêm kinh hoàng đó, các nhà báo đã có mặt tại hiện trường vào sáng 26/2. Chào đón họ là những khung cảnh vô cùng khủng khiếp. Toàn khu vực vương vãi xác chết và nhiều bộ phận văng khắp nơi. Các thi thể đầy lỗ đạn bắn, trong đó có không ít người bị hạ ở cự ly rất gần.
Thậm chí, một nhân chứng còn sống đến nay đã kể lại với PR Newswire, tờ báo có 70 năm lịch sử ở Mỹ rằng những gì họ nhìn thấy khi đó không khác gì những bộ phim kinh dị.
Các xe cứu thương chở thi thể nạn nhân của vụ thảm sát
Các xác chết có cả trẻ em, phụ nữ và người già, nhưng bộ phận cơ thể biến dạng, tách rời khỏi nhau. Sau một đêm giá rét, những thi thể này đông cứng, la liệt trên nền đất tạo ra một khung cảnh khó có thể quên với những người nhìn thấy.
Đến ngày nay, người dân Azerbaijan vẫn xem 2 ngày 25-26/2/1992 là cột mốc tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước. Người dân nước này xem sự kiện thảm sát Khojaly là một hành động của chủ nghĩa khủng bố. Dù lịch sử đã chứng kiến nhiều vụ thảm sát dân thường nhưng sự kiện Khojaly được cho là đáng lên án trong thế giới văn minh hiện nay.
Bình luận