• Zalo

Cuộc sống xa hoa của cựu trưởng phòng Vinashinlines trước khi bị bắt

Pháp luậtChủ Nhật, 19/07/2015 08:08:00 +07:00Google News

Giang Kim Đạt (Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Vinashinlines, nghi can chiếm đoạt 400 tỷ đồng) đã lấy số tiền tham ô để đi du lịch, mua biệt thự.

Giang Kim Đạt (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty Vinashinlines, nghi can chiếm đoạt 400 tỷ đồng) đã mạnh tay tiêu xài số tiền tham ô được khi đi du lịch, mua một biệt thự với giá 3,6 triệu USD. Cuộc sống đang diễn ra sung túc thì vào đầu tháng 7/2015, Giang Kim Đạt bị bắt.

Khối tài sản khổng lồ từ tiền tham ô

Giang Kim Đạt (38 tuổi, quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, được xác định là người trực tiếp đàm phán trong thương vụ mua tàu Hoa Sen (tàu cũ Cartour của Italia). Sau khi nhập về, tàu Hoa Sen hoạt động được 39 chuyến thì phải ngừng hoạt động vì kinh doanh không hiệu quả.

Đến tháng 2/2008, tàu Hoa Sen bị thủng vỏ ở đáy phải sửa chữa, Công ty CP giám định, thẩm định Việt Nam xác định nguyên nhân thủng vỏ là khuyết tật ẩn tỳ bên trong tấm tôn từ khi đóng tàu mà người sử dụng không phát hiện được.
Đối tượng Giang Kim Đạt
Đối tượng Giang Kim Đạt  
Qua vụ này, Đạt đã “kiếm lời” được số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Theo thống kê của cơ quan điều tra, người thân của Đạt đã dùng tiền tham ô mua gần 40 bất động sản (căn hộ cao cấp, biệt thự), chủ yếu nằm ở TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang (Khánh Hòa)... cùng nhiều ô tô sang trọng.

Bản thân Đạt, trong 5 năm trốn truy nã, đối tượng này đã đi qua nhiều nước Trung Quốc, Thái Lan, Singapore... sống xa hoa, truy lạc bằng số tiền bất chính. Đầu năm 2015, Đạt dừng chân ở Singapore, không cần phải suy nghĩ Đạt đã vung tiền mua một căn hộ cao cấp trên hòn đảo thơ mộng.

Sau vài tháng sống ở đây không thích thú, Đạt chẳng ngần ngại bán đi và mua căn biệt thự trị giá 3,6 triệu USD để sống.

Tại căn biệt thự này, Đạt ăn uống tiêu xài hoang phí. Không những thế, đối tượng còn có quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ không mang quốc tịch sở tại trong cùng một thời điểm.

Tuy nhiên, Đạt không biết rằng hành vi phạm pháp của mình và người thân đang bị cơ quan chức năng theo dõi. Một nhóm trinh sát được Bộ Công an cử sang Singapore để thăm dò nơi ở cũng như cách thức sinh hoạt của Giang Kim Đạt.

Hành động này được thực hiện kín kẽ, bí mật đến mức mà chính người thân của các trinh sát cũng không được biết. Chính vì vậy, Đạt không ngờ rằng mặc dù đang lẩn trốn ở nơi xa xôi nhưng vẫn bị bắt trong sự ngỡ ngàng.

Sau khi bị bắt, Giang Kim Đạt đã thừa nhận hành vi phạm tội “Tham ô tài sản”, trước hết là hành vi gửi giá, nâng khống hợp đồng mua tàu và khai thác tàu, chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Trong thời gian làm việc ở Vinashin (tháng 5/2006 đến tháng 6/2008), Đạt tham mưu cho Tổng giám đốc Trần Văn Liêm kinh doanh mua bán tàu, khai thác tàu của công ty. Đạt cấu kết với một số đối tượng người nước ngoài gửi giá ăn chia hoa hồng (1% giá trị hợp đồng mua tàu và tiền chênh lệch khi cho thuê tàu từ 1 đến 2 giá).

Trong quá trình khai thác 9 tàu, Đạt cũng là người trực tiếp đàm phán, ký kết hợp đồng cho thuê tàu. Tổng số tiền Đạt chiếm đoạt được khoảng 18,6 triệu USD.

Với bản chất tinh quái, Đạt hiểu rằng không thể trực tiếp quản lý số tiền tham ô, mà có thể qua mắt được cơ quan chức năng nên đối tượng đã bàn bạc với bố là ông Giang Văn Hiển lập tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau, sau đó số tiền chênh lệch được đối tác nước ngoài chuyển thẳng vào các tài khoản của ông Hiển.

Khi nhận được tiền, Đạt báo ông Hiển đi rút tiền và chuyển sang sổ tiết kiệm đứng tên người thân. Trong tổng số 18,6 triệu USD chiếm hưởng bất chính, ông Hiển đã đưa cho Đạt chi tiêu cá nhân, số tiền còn lại được sử dụng mua bất động sản và 5 - 6 ô tô đứng tên người thân.

Hiện tại, toàn bộ khối tài sản, bất động sản, xe hơi đứng tên người thân của Giang Kim Đạt đã bị cơ quan chức năng phong tỏa, kê biên, ông Giang Kim Hiển cũng bị khởi tố với tội danh “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, “Che giấu tội phạm”.
Bắt Trưởng phòng kinh doanh Vinashin sau 5 năm truy nã


Hành trình gần 2.000 ngày truy bắt

Trở lại vụ việc tham ô tài sản của Giang Kim Đạt, ngay sau khi sự việc xảy ra, ủy ban Kiểm tra Trung ương thấy có nhiều điểm bất minh đã vào cuộc tìm hiểu.

Tháng 3/2010, ủy ban Kiếm tra Trung ương có thông báo kết luận Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin - nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy), có dấu hiệu thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội.

Tiếp đó, ngày 3/8/2010, Tổng cục An ninh - Bộ Công an xác lập chuyên án điều tra những hành vi sai phạm trong quản lý kinh tế của một số cá nhân tại Vinashin.

Tuy nhiên, Đạt đã nhanh chân trốn ra nước ngoài khiến cơ quan chức năng phải gửi thông báo truy nã đến Interpol.

Tổng cục An ninh chỉ đạo Cục An ninh kinh tế tổng hợp phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Interpol, áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ truy tìm Đạt nhưng không có kết quả. Nghi can không để lại bất cứ chứng cứ nào.

Vụ việc tưởng chừng đi vào ngõ cụt khi không ít lần tổ chức trinh sát, xác minh nhưng không thành công. Trong nhiều cuộc họp của cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang chỉ rõ: Việc mở rộng điều tra, truy bắt nghi can còn bỏ trốn trong vụ án Vinashin, trong đó có Giang Kim Đạt là yêu cầu quan trọng.

Quá trình điều tra, cần phải tính toán các biện pháp vừa đảm bảo việc bắt giữ thành công, vừa thu hồi được tài sản cho Nhà nước.

Trong lúc việc điều tra vẫn bế tắc, Ban chuyên án quyết định lật lại các khối tài sản có dấu hiệu nghi vấn của một số người thân trong gia đình Đạt.

Nguồn gốc khối tài sản này từ đâu mà có, câu hỏi được đặt ra đối với Ban chuyên án? Tiếp đó, nguồn tiền rất lớn bố Đạt (ông Giang Văn Hiển, trú quận 2, TP HCM) đứng tên từ đâu mà có? Quá trình xác minh, Ban chuyên án nhận ra dòng tiền vào tài khoản của ông Hiển được chuyển từ nước ngoài, thông qua các tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau trong và ngoài nước.

Cơ quan điều tra cũng phát hiện giao dịch bất minh lên đến hàng chục triệu USD của ông Hiển tại các ngân hàng trong và ngoài nước. Quá trình xác minh đã làm rõ số tiền nêu trên liên quan đến hợp đồng mua bán tàu và khai thác tàu cũ của Vinashinlines.

Đầu năm 2015, sau nhiều ngày xác minh, truy xét, cơ quan điều tra đã biết được Đạt đang lẩn trốn ở nước ngoài. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Trần Đại Quang, một cuộc họp khẩn được tiến hành. Tổ công tác đặc biệt của Tổng cục An ninh được giao nhiệm vụ ra nước ngoài phối hợp với cảnh sát nước bạn truy bắt Đạt.

Tổ công tác này đã có được sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng bảo vệ pháp luật nước bạn và Interpol. Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận (Cục trưởng An ninh kinh tế tổng hợp) cho biết do bất đồng về ngôn ngữ, điều kiện tác nghiệp, nên quá trình truy bắt Đạt gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, đến ngày 7/7, sau 1.825 ngày đêm kiên trì điều tra, truy tìm của lực lượng công an, Đạt đã sa lưới.

 “Không khó thu hồi tài sản Giang Kim Đạt”
 
Đó là khẳng định của ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương, tại hội nghị sợ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 của đơn vị này, tổ chức ngày 16/7.

Đề cập đến việc bắt được Giang Kim Đạt sau 5 năm truy nã, ông Tuấn bày tỏ: “Nếu chúng ta không kiên trì thì xã hội không biết một cán bộ rất ít tuổi, chỉ ở cấp trưởng phòng, lại có thể dễ dàng tham nhũng một khối tài sản lớn như vậy”.
 
Ông Tuấn cho biết hiện nay, vấn đề thu hồi tài sản của Giang Kim Đạt còn phụ thuộc vào việc giữa Việt Nam và quốc gia mà đối tượng này có tài sản có ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hay không. “Rất may là số quốc gia tham gia Công ước về Chống tham nhũng của Liên hợp quốc tương đối nhiều.

Việc kê biên hoặc phong tỏa tài sản của Giang Kim Đạt ở nước ngoài, đặc biệt là Singapore, tôi nghĩ không khó, bởi trong quá trình bắt giữ đối tượng này, Việt Nam được Interpol và Singapore hỗ trợ tích cực”, ông Tuấn nhận định.

Nguồn: Chi Nam/Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn