Nằm gần hòn đảo Yeouido và ngay sát sông Hàn, Noryangjin, Seoul, không chỉ nổi tiếng với khách du lịch nước ngoài bởi những khu chợ hải sản, mà còn được biết đến với tên gọi “làng luyện thi công chức”.
Ở đây, hàng chục trung tâm luyện thi dành cho nhóm gongshisaeng - từ ghép giữa gongmuwwon (công chức), siheom (kiểm tra) và haksaeng (sinh viên) trong tiếng Hàn.
“Lòng hiếu thảo không phải là đến thăm cha mẹ vào ngày cuối tuần hay tặng họ hoa cẩm chướng dịp lễ. Chăm chỉ học tập và đạt điểm số cao mới là những đứa con có hiếu”, khẩu hiệu lớn ngay trước một trung tâm luyện thi ở Noryangjin viết.
Nơi mùa thi không bao giờ kết thúc
Khoảng 23h một ngày chủ nhật, nhiều trung tâm luyện thi ở Noryangjin vẫn sáng đèn. Không còn chỗ trống nào trong lớp học Lịch sử Hàn Quốc, một trong ba môn thi bắt buộc của các kỳ thi công chức tại nước này; ngoài ra, còn có lớp Tiếng Hàn và Tiếng Anh.
Khi tiết học kết thúc, một học viên 33 tuổi vội vã ra về và chỉ đồng ý trả lời phỏng vấn tờ The Korea Herald trong thời gian chờ đèn tín hiệu dành cho người đi bộ chuyển xanh.
Anh ta cần trở về nhà càng sớm càng tốt và ngủ một giấc trước khi bắt đầu lại "chu trình" vào ngày mai. Luyện thi công chức để trở thành một lính cứu hỏa, học viên này cho biết anh tới từ tỉnh Gangwon, đã học ở Noryangjin 5 tháng. Điều khó khăn nhất đối với anh là sự cô đơn khi ở xa gia đình và bạn bè.
Từ 5h sáng, một số sinh viên đã có mặt tại lớp để giành chỗ ở các dãy ghế đầu. Trung bình mỗi lớp học tại các trung tâm có sức chứa khoảng 400 người. Đối với hàng ghế cuối, học viên sẽ theo dõi bài giảng qua màn hình phát trực tiếp.
"Noryangjin giống như hòn đảo ảm đạm ở Seoul," Kong Hye-won, 27 tuổi, quê ở Gwangju từng đến đây để luyện thi công chức, nhớ lại. Sau khi trải qua 2 năm ôn luyện đến kiệt sức nhưng vẫn thất bại, anh quyết định trở về quê, tìm công việc khác.
"Cuộc sống của một gongshisaeng không phải của một con người. Luyện thi bậc 5, bậc 7 rồi bậc 9 (các bài thi trong kỳ thi công chức ở Hàn Quốc), mùa thi dường như chưa bao giờ kết thúc ở đây”, Kong nói thêm.
Một cô gái giấu tên (28 tuổi) vừa từ bỏ công việc tại Gyeonggi, tới Noryangjin để luyện thi công chức, cho biết mình dành trung bình 14 giờ/ngày để học.
“Kết quả sẽ được quyết định bằng sự kiên trì của bản thân. Học, học và học là tất cả những gì tôi cần làm lúc này. Có rất nhiều thứ phải chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Đây chưa phải lúc để tôi có thể gặp gỡ và đi chơi cùng bạn bè”, cô gái bày tỏ.
Giáo viên chủ nhiệm bóng tối
"Thất vọng, lo lắng, mệt mỏi ... chỉ làm phí thời gian của bạn. Hãy loại bỏ tất cả bằng việc học”, là thông điệp được dán trên mỗi thùng rác trong một trung tâm luyện thi.
Từ cổng trường, lớp học đến thùng rác, nhà vệ sinh, các khẩu hiệu tương tự gần như xuất hiện mọi nơi ở Noryangjin. Theo các giáo viên, đó là cách để thúc đẩy học viên vượt qua những khó khăn, áp lực trong học tập.
Tuy nhiên, các khẩu hiệu chỉ là một phần của sự thúc đẩy đó. Theo nội dung quảng cáo một lớp tiếng Anh dành cho người mới bắt đầu, học viên sẽ được kiểm tra trên 1.000 từ mới/ tháng. Dọc các bức tường của hành lang dẫn đến nhà vệ sinh, các từ mới tiếng Anh được in và dán thành danh sách theo từng chủ đề.
Bên cạnh các giáo viên đứng lớp, một hệ thống “giáo viên chủ nhiệm bóng tối” được thành lập với nhiệm vụ gọi điện cho từng học viên để nhắc nhở đến lớp mỗi ngày, kiểm tra độ chuyên cần, bài vở của học viên và tư vấn những môn học cần thiết ngoài chương trình bắt buộc.
Shin Yeong-sik, 43 tuổi, giáo viên dạy Lịch sử Hàn Quốc cho các kỳ thi công chức trong 17 năm qua, nói: “Kỳ thi công chức đang quyết định cuộc sống của rất nhiều người Hàn Quốc. Những người này đang cố thay đổi số phận và mở đường cho tương lai của họ”.
Ông chia sẻ rằng bản thân cảm thấy có trách nhiệm phải giúp đỡ những người trẻ tuyệt vọng và cũng đầy đam mê này.
Mỗi lớp học của thầy Shin kéo dài 4 tiếng. Vị giáo viên này cho biết ông không mệt mỏi vì biết rằng học sinh của mình còn tệ hơn khi phải tham dự nhiều lớp trong một ngày. Theo thầy Shin, do khối lượng kiến thức lớn, một học viên phải dành ít nhất từ 9 tháng đến một năm để ôn luyện trước khi bước vào các kỳ thi.
Thi công chức để đổi đời
Trước đây, người theo học tại Noryangjin hầu hết đều tốt nghiệp các trường đại học tỉnh lẻ, ít tiếng tăm. Sau khi ra trường cùng với tấm bằng cử nhân, sinh viên phải vật lộn trong một thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt. Thất nghiệp, tuyệt vọng là điểm chung của họ khi tìm đến các kỳ thi công chức.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, không chỉ những người xuất thân từ các trường ít danh tiếng, ngay cả sinh viên tốt nghiệp trường đại học top đầu cũng dự thi công chức ngày một đông.
Theo một khảo sát vào năm 2017 của nhóm nghiên cứu tại ĐH Sookmyung, 61,1% thanh niên muốn làm việc trong cơ quan, công ty nhà nước và chỉ có 33% muốn làm việc cho doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, năm 2014, chỉ có 23,6% sinh viên vừa ra trường có ý định gắn bó trong lĩnh vực công, theo tờ Chosun Ilbo.
Xu hướng này được cho là bắt nguồn từ tâm lý lo ngại ngày càng tăng trong lực lượng lao động trẻ Hàn Quốc về tình hình kinh tế khó khăn và xu hướng doanh nghiệp đẩy nhanh tự động hóa, đưa máy móc và công nghệ vào quy trình làm việc thay vì tuyển nhân viên.
Ngoài ra, sự cạnh tranh gắt gao khi thi đầu vào tại các tập đoàn lớn gây ra sự e ngại cho nhiều bạn trẻ. “Cơ hội việc làm ngày càng ít khiến người trẻ hạ mục tiêu xuống thấp hơn”, GS Lee Young-min, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định.
Theo nhiều chuyên gia, tỷ lệ “chọi” cao và đề thi tuyển công chức tại Hàn Quốc ngày càng khó hơn. Tờ Hankook Ilbo đưa ra số liệu năm 2016, gần 300 nghìn người đăng ký thi tuyển công chức, viên chức quản lý cấp thấp, tăng gần 300% so với năm 1995. Con số này chưa tính người đăng ký thi vào các vị trí cấp cao trong cơ quan nhà nước.
Trong khi đó, tỷ lệ trúng tuyển rất thấp, chỉ 1,8% trong năm 2016. Số liệu cũng công bố hơn 98% số người thi trượt tiếp tục ôn luyện và đăng ký thi lại.
Nằm ở vùng đồi núi của tỉnh An Huy (Trung Quốc), cách thành phố gần nhất 2 tiếng đi xe, thị trấn Mao Thản Xưởng biệt lập với những ồn ào của cuộc sống hiện đại.
Bình luận