Chị Trần Thuý Nga (38 tuổi) sinh ra ở làng quê nghèo của huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Năm chuẩn bị lên lớp 8, cô bé Nga khi ấy không may bị viêm đa khớp dạng thấp. Bác sĩ nói bệnh này "lờn thuốc tây", không thể chữa trị dứt điểm mà phải sống chung với bệnh cả đời.
Không thể tự bước đi được nữa, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào mẹ và người thân, mọi hoài bão, dự định với cô gái trẻ như sụp đổ. "Tôi tiếc nuối và tủi thân khi thấy bạn bè ngày ngày đi học. Tôi dằn vặt và đau khổ khi chứng kiến người thân cực nhọc chăm sóc, vay mượn tiền bạc chạy vạy thuốc thang cho bản thân” - chị Nga kể.
Trở về từ bệnh viện, mẹ và anh trai ngược xuôi tìm các thầy thuốc bắc, nam mời về chữa trị. Nhưng căn bệnh viêm đa khớp chẳng những không thuyên giảm mà còn tiến triển nặng thêm, tay chân chị bị hỏng khớp, biến dạng. Nhiều hôm chị đau đớn đến mức không tự cựa mình được, mẹ lại giúp xoa bóp các khớp sưng đau.
Thương em gái nằm một chỗ chống chọi với những cơn đau, chị gái đã mua cho chị Nga rất nhiều sách để đọc, tạm quên đi cơn đau. Qua những trang sách, chị biết đến nhiều người cũng mắc căn bệnh nặng, không thể chữa khỏi nhưng họ đều đang làm nhiều việc ý nghĩa, vừa giúp chính mình sống vui vừa giúp ích cho xã hội.
Chị Nga cũng muốn làm điều tốt đẹp như họ. Được chị gái gợi ý về việc làm tủ sách cho thuê, chị Nga đồng ý và bắt đầu cho thuê với giá chỉ 200 đồng/quyển. Chị cần mẫn gom những đồng tiền lẻ đó lại, rồi tiền bán hàng vặt, tiết kiệm mua thêm sách mới.
Dần dần chị tìm hiểu và mua được thêm nhiều sách hay. Đó là các sách nuôi dưỡng tâm hồn, sách văn học, sách kỹ năng học tập, kỹ năng sống và phát triển bản thân, sách khoa học, lịch sử, sách nuôi dạy con, sách thiếu nhi, sách sức khỏe...
Khi tủ sách đủ lớn, chị có cách quản lý và khuyến khích mọi người đọc sách đa dạng hơn. Bạn nào mượn đọc các loại sách ý nghĩa thì sẽ được chị cho mượn các sách giải trí khác cũng miễn phí. Còn nếu muốn đưa về nhà các sách giải trí thì phải trả tiền thuê. Nếu ngồi đọc tại chỗ thì tất cả sách đều được miễn phí.
Cách khuyến khích đọc đó của chị dần có hiệu quả. Mọi người chịu đọc đa dạng sách để không mất tiền thuê. Lâu dần khi đã có một số lượng sách khá lớn, chị thậm chí không còn cho thuê nữa mà thuyết phục mọi người đến đọc và mượn miễn phí sách về nhà đọc.
Gần 20 năm trôi qua, thư viện Thúy Nga giờ trở thành điểm đến quen thuộc của rất nhiều người thích đọc sách tại địa phương. Với 7 tủ sách, số lượng trên 7.000 cuốn, chị vẫn không ngừng tìm hiểu và mua thêm đều đặn mỗi tuần để tủ sách đa dạng nhiều thể loại cho nhiều lứa tuổi.
Số lượt người mượn sách tại thư viện của chị vào các ngày chủ nhật từ 30 đến 40 người. Vào ngày lễ người mượn sách nhiều hơn. Đối tượng đọc nhiều nhất là học sinh cấp 3, cấp 2, sinh viên, cấp 1, và cả các thầy cô, phụ huynh, người lớn tuổi.
Ngoài quản lý các tủ sách, chị bán thêm hàng tạp hóa nhỏ và các sản phẩm tự nhiên của quê hương như tinh nghệ, bột nghệ, bột ngũ cốc, tinh sắn dây, dầu lạc, đường phèn kết tinh từ mật mía, các loại hạt... để có thêm tiền mua sách. Bình quân mỗi tháng chị mua thêm từ 3 đến 5 triệu tiền sách mới.
Mỗi lần gặp ai mua hàng chị cũng đều rủ họ mượn sách đọc. Mọi người đều bị thuyết phục bởi cách chị kể về những cuốn sách hay.
Từ cô gái bị ‘bệnh viện trả về’ giờ đây chị Nga trở thành người truyền cảm hứng, lan toả điều tích cực đến tất cả mọi người. Việc làm nhân văn ấy cũng đem thư viện miễn phí Thuý Nga vang xa khắp xứ Nghệ. Nhiều bạn trẻ ở huyện khác sẵn sàng vượt hàng chục kilomet để tới mượn sách miễn phí tại thư viện sách Thuý Nga.
Theo TS.BS Vũ Thị Thanh Hoa - khoa Nội Cơ Xương Khớp (A17) - Bệnh viện TWQĐ 108, viêm khớp dạng thấp là bệnh lý khớp tự miễn mạn tính, với tổn thương cơ bản bắt đầu ở màng hoạt dịch của khớp. Đây là bệnh thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới, ở độ tuổi trung niên và có biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng rõ rệt.
Đối với viêm khớp dạng thấp, người bệnh thường chủ quan không kiểm tra thường xuyên và điều trị đúng cách dẫn đến tình trạng khi đến bệnh viện thì bệnh đã chuyển nặng. Đây là bệnh lý có tỷ lệ tàn phế cao do tình trạng phá hủy khớp gây nên nếu không được theo dõi, điều trị kịp thời và đúng phác đồ.
Do đó, việc nhận biết bệnh sớm là vô cùng quan trọng, người bệnh hãy chú ý theo dõi cơ thể của mình và chủ động tới các cơ sở y tế để được thăm khám thường xuyên và được tư vấn hướng điều trị phù hợp.
Bình luận