• Zalo

Cuộc sống cơ cực của người dân 'làng Thủ Thiêm' tại Hà Nội

Thời sựThứ Tư, 09/05/2018 15:06:00 +07:00Google News

Chấp nhận xa gia đình, chịu sống cuộc sống cơ cực, những người dân nằm ngoài diện quy hoạch KĐT Thủ Thiêm (TP.HCM) nhưng vẫn phải di dời đã lặn lội ra tận Hà Nội mong tìm lại công lý.

Đã bốn năm nay, hàng chục hộ dân tại quận 2 (TP.HCM) mỗi năm lại ra Hà Nội đến vài tháng để đi khiếu nại vì nhà cửa, đất đai của những người này nằm ngoài diện quy hoạch KĐT Thủ Thiêm nhưng vẫn thuộc diện phải di dời.

Cách Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội) vài trăm mét là nơi trọ của hơn ba mươi người dân "làng Thủ Thiêm”.

Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn Thừa (phường Bình Khánh, quận 2 TP HCM) cho biết: "Để tiết kiệm tối đa, mỗi phòng chúng tôi thu xếp ở từ 7-9 người. Mọi người cùng góp tiền để ăn uống và chi trả các chi phí sinh hoạt thường ngày. Do tiền ở đã rơi vào khoảng 50 ngàn đồng một ngày nên trong ăn uống, chi tiêu chúng tôi phải hết sức tiết kiệm".

IMG_4794

Bà Nguyễn Thị Hồng (quê ở An Khánh, Quận 2, TP.HCM) chia sẻ với phóng viên.

Trong khi những người khác vạ vật ra cổng Trụ sợ tiếp dân Trung ương để khiếu nại thì bà Nguyễn Thị Hồng (73 tuổi, An Khánh, Quận 2 TP HCM) do tuổi cao nên được phân công ở nhà làm "anh nuôi", lo cơm nước cho mọi người.

Do chủ nhà không cho nấu trong phòng, mà ăn ngoài thì tốn kém nên bà và những người tại khu trọ thường xuyên ăn bánh mì, mì tôm. Muốn nấu cơm, bà Hồng phải giấu chủ nhà.

"Buổi sáng mọi người thường ăn mì tôm hoặc ổ bánh mì. Khi đi chợ cho bữa chính, tôi luôn phải đong đếm sao cho số tiền mua thức ăn của mỗi người chỉ vào khoảng hơn 10 ngàn đồng một ngày. Vì thế, thức ăn của chúng tôi chủ yếu là rau luộc, trứng luộc. Ở đây mọi thứ đều đắt đỏ nên thực sự, với số tiền ấy, tôi luôn sợ mọi người không đủ no”, bà Hồng tâm sự.

Do phòng trọ chật chội, lại đông người nên ngày nào bà Hồng phải phải mua gạo ngày nấy vì vừa không có chỗ để, cũng vừa để giấu chủ nhà. Mỗi lần mua gạo và thức ăn, bà đều phải cho vào túi nilon đen để chủ nhà đỡ để ý.

Trong không khí ngột ngạt, bức bí của căn phòng nghỉ chưa đầy 30m2, bà Hồng kể từ năm 2015, bà cùng mọi người đã nhiều lần ra Hà Nội.

Đợt này, bà ra từ 15/4 đến nay. Ở cái tuổi đã gần đất xa trời, đáng lẽ bà phải được thảnh thơi bên con cháu. Vậy mà giờ đây, bà Hồng vẫn phải nay đây mai đó, sống trong nỗi lo sợ khi chính quyền đã gửi quyết định cưỡng chế nhà.

Bà Hồng có năm người con, trong đó, một người bị nhiễm chất độc màu da cam. Các cháu của bà cũng có một đứa bị tai biến mạch máu não. Tất cả 19 nhân khẩu gia đình bà đang sống trên tổng diện tích 1200m2 đất đã có quyết định cưỡng chế từ năm 2012.

"Kể từ đó tới nay, đêm nào tôi cũng lo lắng không ngủ được. Không lo sao được khi mà nhà mình thì đã ở diện đợi cưỡng chế còn những nhà xung quanh cũng bị cưỡng chế chuyển đi nơi khác hết.” - Bà Hồng nghẹn ngào.

Không chỉ lo bị cưỡng chế, đại gia đình bà Hồng còn sống rất vất vả từ khi dự án bắt đầu thi công.

“Từ khi dự án thi công, đổ đất lên cao khoảng 1,5 mét, nhà tôi như một thung lũng, cứ mưa là ngập. Lúc nào cũng phải bơm nước chống ngập, có tháng mưa nhiều hết tận bảy, tám triệu tiền điện”, bà Hồng bức xúc.

Khác với gia đình bà Hồng, gia đình anh Hồ Tuấn Thừa (phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM) lại có nỗi khổ riêng khi ngôi nhà của gia đình anh bị cưỡng chế và phải chuyển đến chỗ tạm cư.

IMG_7529 3

Anh Hồ Tuấn Thừa chia sẻ bức xúc của mình với PV. 

“Đại gia đình tôi có tất cả 30 người sống trong 6 căn nhà trên gần 1700m2 đất. Tháng 6/2013, gia đình tôi đã phải chuyển đến chỗ ở tạm cư chỉ ít ngày sau khi chính quyền đến dọa cưỡng chế.

Tuy nhiên, khi xem tấm bản đồ quy hoạch chung của quận 2 tôi mới biết vị trí gia đình mình ở không nằm trong diện quy hoạch KĐT Thủ Thiêm." - Anh Thừa chia sẻ.

Năm 2016, anh Thừa đồng ý để vợ ra Hà Nội cùng bà con đi khiếu nại, cầu cứu chính quyền Trung ương vì chính quyền địa phương và thành phố không giải quyết.

Nhưng sau này, vợ anh ở nhà chăm con nhỏ, anh phải bỏ lại công việc kĩ sư xây dựng của mình thay vợ ra Hà Nội.

Anh Thừa tâm sự: “Có an cư mới lập nghiệp được, lấy lại được căn nhà của mình rồi làm lại từ đầu vẫn chưa muộn”.

Vì là trụ cột trong gia đình nên khi nghỉ việc để ra Hà Nội khiếu nại, anh Thừa phải vay tiền bà con, người thân để chi trả mọi chi phí thường nhật của cả hai vợ chồng và con nhỏ ở cả hai nơi.

IMG_7537 4

 Người dân đang chỉ vị trí khu mình không nằm trong dự án quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm nhờ vào tấm bản đồ quy hoạch chung của quận 2. 

Hàng ngày, anh Thừa và những người dân Thủ Thiêm khác trong nhà trọ đều dậy từ sớm, đến những nơi làm việc cơ quan Trung ương để khiếu nại cầu cứu.

Buổi trưa, mọi người về khu trọ nghỉ ngơi, ăn uống rồi chiều lại đi tiếp đến tận chiều tối.

“Chúng tôi là dân ngoài quy hoạch nhưng lại bị quy cùng diện quy hoạch nên việc đền bù rất thấp, không thể đủ chỗ ở cho cả gia đình gồm 30 con người.

Chúng tôi chỉ mong chính quyền sớm vào cuộc, thanh tra lại toàn bộ dự án Thủ Thiêm để những người như chúng tôi không còn cảnh nay đây mai đó, yên tâm tập trung làm ăn.", anh Thừa bày tỏ.

Video: Người dân sống mòn từng ngày chờ dự án KĐT Thủ Thiêm

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn