• Zalo

Cuộc sống bấp bênh của những người dân Thủ Thiêm cố giữ đất

Thời sựChủ Nhật, 06/05/2018 10:36:00 +07:00Google News

Cho rằng không nằm trong diện quy hoạch nhưng vẫn bị chính quyền thu hồi đất để xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, hàng trăm hộ dân kiên quyết không chịu di dời, sống trong cảnh nhà cửa xập xệ, thấp thỏm lo sợ không biết căn nhà sẽ bị tháo dỡ khi nào.

Những ngày qua, vụ việc bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm 1/5.000 bị thất lạc khiến dư luận bức xúc.

Trong khi đó, nhiều năm liền, hàng trăm người dân sống tại Thủ Thiêm (Quận 2, TP. HCM) đã đi khắp nơi để khiếu kiện vì cho rằng chính quyền TP đã hu hồi đất nằm ngoài quy hoạch.

31948841_1652883274829910_1274371454477008896_n 5

Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm với nhiều tòa nhà cao tầng bao quanh.

Trưa 5/5, PV VTC News đã tìm đến khu quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm để tìm hiểu.

Vốn là khu đất tập trung nhiều dân cư nhưng nay khu vực này đã được quy hoạch, “khoác lên mình tấm áo mới” .

Những dự án với các con đường rộng thênh thang, khu đô thị, nhà cao tầng hiện đại bắt đầu mọc lên như nấm sau mưa khiến thị trường bất động sản ở khu vực này trở nên sôi động, giá đất nhảy vọt lên hàng trăm lần.

Nhưng, bên cạnh những dự án “siêu khủng” hiện đại, tại khu vực này còn có những ngôi nhà dân xuống cấp, xập xệ nghiêm trọng.

31901280_1653910008063532_1660532273298014208_n

Ngôi nhà của ông Nguyễn Thế Vinh người dân ở Thủ Thiêm xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng.

Chủ nhân của những ngôi nhà này chính là những người dân Thủ Thiêm nhiều năm nay đi khiếu kiện. Lý do, người dân cho rằng nhà ở của họ nằm ngoài khu quy hoạch của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng vẫn bị chính quyền giải tỏa.

Trong căn nhà cấp 4 dột nát, chắp vá bằng nhiều tấm xốp ghép lại, ông Nguyễn Thế Vinh (82 tuổi, ngụ phường Bình An, quận 2) buồn bã cho biết nhiều năm nay gia đình ông không chịu di dời.

“Nhà của tôi nằm ngoài quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm nên gia đình tôi không di dời, không đi đâu cả. Tôi có tấm bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm 1/5.000 có dấu mộc đỏ đàng hoàng để chứng minh tính pháp lí chứ không phải gia đình tôi chống đối hay lì lợm để kiếm thêm tiền đền bù.

Gia đình tôi không quan trọng giá cả đền bù mà quan trọng là nhà này nằm ngoài khu quy hoạch nên không ai có quyền yêu cầu chúng tôi đi.

Mặt khác, chính quyền đến bắt gia đình tôi di dời nhưng lại không có bản đồ quy hoạch để chứng minh”, ông Vinh bức xúc nói.

31902104_1653909714730228_2109407891042598912_n

Ông  Nguyễn Thế Vinh (82 tuổi, ngụ phường Bình An, quận 2)

Theo ông Vinh, căn nhà gia đình ông đang ở có diện tích 35m2, được mua năm 2000 với giá 100 triệu đồng. Căn nhà được mua bán hợp pháp, có giấy tờ, sổ đỏ đầy đủ.

Năm 2004 chính quyền đền bù giá 84 triệu đồng và sau đó là 100 triệu đồng yêu cầu gia đình ông Vinh phải di dời. Bức xúc, ông Vinh đi khiếu kiện khắp nơi .

“Hơn 10 năm qua gia đình tôi chạy vạy khắp nơi, làm đơn kêu cứu, khiếu nại từ cấp TP đến Trung Ương nhưng nay vẫn chưa được giải quyết.

Cả gia đình luôn sống trong trạng thái thấp thỏm, lo sợ không biết căn nhà sẽ bị tháo dỡ khi nào. Tôi là một cựu chiến binh vốn sức khỏe đã không tốt nay càng ốm yếu, đổ bệnh vì tôi bị áp lực ở nhà trong dự án mà không di dời.

Khổ nhất là căn nhà không biết sẽ đổ sập lúc nào vì chính quyền không cho sửa chữa. Trời nắng thì nóng như lò, còn trời mưa nước ngập đến đầu gối, rác thải trôi đầy nhà”, ông Vinh bức xúc.

31924969_1652883588163212_6554315957089599488_n 3

Vợ ông vinh đổ bệnh nằm trong căn nhà xuống cấp.

Theo ông Vinh, hiện giờ ở khu phố của ông còn hơn 10 hộ chưa di dời, còn hàng trăm hộ đã buộc phải di dời vì không chịu nổi cảnh ở cực khổ này.

“Tôi sẽ đấu tranh đến cùng để làm sáng tỏ, chứng minh nhà nằm ngoài dự án. Không có chuyện nói khống nhà tôi nằm trong dự án rồi đền bù với giá rẻ mạt mà tôi đi”, ông Vinh khẳng định.

Cùng chung cảnh ngộ, bà Lê Thị Sáu (52 tuổi, ngụ khu phố 1, phường Bình An, quận 2) nhiều năm nay vẫn đi tìm lời giải cho căn nhà "nằm ngoài dự án" của mình.

“Bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm 1/2.000 và 1/5.000 đều chứng minh nhà tôi năm ngoài khu quy hoạch nhưng không hiểu sao chính quyền vẫn bắt nhà tôi phải di dời.

Không chấp nhận, tôi nhiều lần đến Sở Quy hoạch – Kiến Trúc TP để xin xem bản đồ quy hoạch thì không được cung cấp”, bà Sáu cho hay.

Theo bà Sáu, vụ việc khiến bà phải bỏ công việc đang làm để tập trung khiếu kiện, chứng minh nhà mình nằm ngoài quy hoạch dự án.

“Trước đó tôi làm chủ cơ sở trường mầm non nhưng sau khi nhà xảy ra sự việc trên tôi phải nghỉ để giải quyết. Mười mấy năm nay kinh tế gia đình dựa vào chồng, còn tôi thì phải vay tiền đi khắp nơi để khiếu kiện.

Đến nay tôi gần 100 lần ra Hà Nội gửi đơn, làm việc với ban tiếp dân Trung ương và số tiền chi phí đi lại vay ngân hàng đến hàng trăm triệu đồng”, bà Sáu cho hay.

31949573_1652883471496557_118879613806968832_n 5

Bà Sáu với đống hồ sơ khiếu kiện trong nhiều năm qua. 

Theo bà Sáu, căn nhà bà có diện tích 70m2 được mua vào năm 1993 với giá 20 cây vàng. Năm 2000 chính quyền đòi thu hồi, đền bù với giá gần 1 tỷ đồng.

“Hàng nghìn hộ dân ở đây giờ đi hết rồi chỉ còn khoảng 100 hộ dân vẫn ở lại đây đòi công lý. Nhiều hộ dân chuyển đi nơi khác nhưng vẫn liên tục làm đơn cầu cứu Chính phủ.

Không ai cam lòng với việc quy hoạch, giá đền bù rẻ bèo như vậy được. Có nhà chính quyền đền bù với giá 2 triệu đồng/m2 nhưng sau đó đất được bán với giá 200 triệu đồng/m2”, bà Sáu bức xúc.

Video: Thất lạc bản đồ quy hoạch KĐT Thủ Thiêm: Dân bức xúc, khiếu kiện liên miên

gười dân TP.HCM tự nhận đang giữ bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm

Minh Hải
Bình luận
vtcnews.vn