• Zalo

Cuộc ‘kiểm tra’ đặc biệt việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh

Thời sựThứ Hai, 15/05/2017 17:45:00 +07:00Google News

Không trực tiếp đi đến từng bộ ngành để kiểm tra việc cải thiện môi trường kinh doanh như cách làm truyền thống nhưng thông qua Đối thoại – một hình thức kiểm tra thực hiện NQ19, nhiều vấn đề bức xúc, khó khăn của các doanh nghiệp đã được giải đáp và có biện pháp giải quyết kịp thời.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Văn Tùng cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, VPCP tổ chức buổi đối thoại giữa các Bộ: Y tế, TN&MT, Tài chính về các kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) liên quan tới Nghị định 38 của Chính phủ.

Cách làm này được xem như một đợt “kiểm tra đặc biệt” của lãnh đạo Chính phủ đối với các bộ ngành liên quan việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Đây là cách làm mới khi đi thẳng vào những bức xúc nổi cộm nhất của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được trực tiếp đối thoại với các bộ ngành liên quan ở những vấn đề cụ thể nhất đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. 

Thông qua đó, các bộ ngành liên quan sẽ phải thẳng thắn trả lời câu hỏi về trách nhiệm và sẽ phải đề ra các giải pháp để tạo sự thuận lợi cho các doanh nghiệp tự do kinh doanh và phát triển.

Hinh anh Cuoc ‘kiem tra’ dac biet viec trien khai thuc hien Nghi quyet 19 ve cai thien moi truong kinh doanh

 Đại diện VASEP. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Sáng 13/5, đại diện các doanh nghiệp thủy sản đã có cuộc đối thoại trực tiếp với các bộ, ngành về những vướng mắc liên quan đến quản lý của các Bộ: Y tế, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường về tiêu chuẩn nước thải; quy định an toàn thực phẩm; phí, lệ phí trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và tháo gỡ "bất đồng" về thời gian thủ tục hành chính giữa doanh nghiệp thủy sản và Bộ Y tế.

Cụ thể, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Tùng cho biết  VASEP có kiến nghị chủ yếu liên quan đến các quy định về công bố hợp quy và chuẩn an toàn thực phẩm (ATTP).

Theo đó, VASEP kiến nghị bỏ toàn bộ quy định của Nghị định 38 về công bố phù hợp về ATTP với lý do Luật ATTP không quy định, đang gây khó khăn cho doanh nghiệp khi mất thời gian tới 15 ngày, không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp nhận văn bản công bố hợp quy về ATTP, giảm thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, cấp giấy chứng nhận hợp quy về ATTP.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết theo luật quy định, trong vòng 15 ngày phải công bố, trả lời cho DN về việc tiếp nhận công bố hợp quy ATTP của doanh nghiệp là hợp lý vì cần phải có thời gian thẩm định, kiểm tra, đối chiếu, so sánh.

Trong khu vực thì Singapore, Malaysia áp dụng hậu kiểm nên chỉ tiếp nhận bản công bố của doanh nghiệp. Các nước còn lại đều kết hợp tiền kiểm, hậu kiểm với lý do quy mô sản xuất thực phẩm manh mún.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhận xét các bộ đã có sự hỗ trợ trong thời gian qua, rút ngắn thời gian rất nhiều nhưng vẫn chưa đủ so với nhịp độ phát triển của thị trường. VASEP thiết tha mong rằng bộ sẽ giảm thêm được thời gian làm thủ tục bằng cách tăng cường thời gian hoạt động chuẩn bị hơn.

"Khi sản phẩm đưa về rồi lại mất thêm 45 ngày để thực hiện thủ tục đưa ra thị trường thì rất ảnh hưởng đến doanh nghiệp, vấn đề kinh doanh, vấn đề lãi suất. Cái này cần quy định cụ thể từ phía cơ quan, thời gian tiếp nhận giống như anh Khánh nêu. Chúng tôi thống nhất là phải cho thời gian cụ thể ngay vào chủ trương rồi sau đó xét tiếp, nếu cái nào cần thiết thì ta cứ cấp sau đó ta hậu kiểm hoặc ta xếp loại doanh nghiệp", ông Hòe nói.

Ông Trương Đình Hòe đề nghị Bộ xem xét giảm được thời gian thì giảm nữa. Vì trên Bộ Y tế có thể làm thủ tục trong 8-9 ngày nhưng địa phương dài hơn, nên xem xét và giúp đỡ địa phương. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích: "Qua môi trường mạng thì làm sao có những phần mềm để các cơ quan bên dưới cùng một nền tảng với Bộ, làm thủ tục nhanh hơn. Đồng thời làm sao có những công cụ phát hiện tự động. BHYT còn làm giám định tự động với 21.000 loại thuốc. Còn về việc quản lý theo ngành hàng, Luật ATTP quy định phân công đầu mối theo ngành hàng, cả thế giới làm như vậy, cách làm rất tiên tiến. Như vậy, qua đối thoại, vấn đề này, các bên còn có ý kiến nào không?".

Đại diện Hiệp hội VASEP và Bộ Y tế thống nhất không còn ý kiến về vấn đề này.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thuỷ sản cũng cho ý kiến về các lĩnh vực liên quan đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Kết thúc buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của các bộ. Cùng với hình thức kiểm tra trực tiếp các bộ, thì các cuộc làm việc như thế này rất hiệu quả. Các bên ngồi trực tiếp với nhau mới thấy không phải tất cả kiến nghị của DN đều nên chấp thuận hết, vì cơ quan quản lý cũng có lý do. Tuy nhiên, sau khi cơ quan quản lý giải thích thì DN rất hài lòng. Có những thứ các bên đồng ý với nhau, nhưng do câu chữ nên có cách hiểu khác nhau. Và cũng có những vấn đề ý kiến DN là đúng, vì người làm văn bản chưa lường hết được”

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng  tinh thần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất cầu thị, thậm chí văn bản ra chưa thi hành mà có vấn đề thì vẫn sửa đổi. 

“Tôi cho rằng đây là việc rất tốt, tôi rất mong muốn có nhiều cuộc thế này, không cần có Phó Thủ tướng chủ trì”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.

 Thủ tướng đã giao Cổng TTĐT Chính phủ có một diễn đàn tiếp nhận ý kiến phản biện chính sách, kiến nghị của DN, khi nhận kiến nghị thì Cổng đã chuyển ngay các bộ rồi. Các cuộc làm việc như thế này thì giải quyết các vấn đề liên ngành hoặc đã xử lý rồi nhưng DN chưa thấy thuyết phục. Ta nên tiếp tục làm, nhưng sau này không nhất thiết phải có Phó Thủ tướng.

“Tôi đề nghị VPCP cùng với Bộ KH&ĐT lựa chọn các vấn đề để làm việc, trên tinh thần xây dựng và cởi mở, với sự tham gia rất quan trọng của báo chí. Thông điệp là DN không nên ngại, nếu có vướng mắc thì cứ mạnh dạn kiến nghị”, Phó Thủ tướng kết luận.

Video: Quan chức Quốc hội nói 'Quan chức không được đến doanh nghiệp ăn cơm'

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn