• Zalo

Cuộc hội ngộ xúc động ngày Thủ đô giải phóng

Thời sựThứ Sáu, 10/10/2014 06:48:00 +07:00Google News

(VTC News) - Với 5 anh em lão thành cách mạng họ Hoàng ấy, ngày thu lịch sử 10/10 là một rất ngày đặc biệt, bởi nhiều lẽ...

(VTC News) -  Với 5 anh em lão thành cách mạng họ Hoàng ấy, ngày thu lịch sử 10/10 là một rất ngày đặc biệt, bởi nhiều lẽ...

Cho đến giờ, đại tá Hoàng Thúc Cẩn (số 32 ngõ 10 phố Hồ Đắc Di) vẫn bồi hồi xúc động khi nhớ lại cuộc gặp gỡ định mệnh vào ngày giải phóng thủ đô ấy.

5 anh em ông đều đi kháng chiến và biệt tin nhau 9 năm ròng rã, thậm chí có người tưởng đã chết. Thế rồi, ngày 10/10 của 60 năm trước, họ trùng phùng, nghẹn ngào xúc động khi gặp lại nhau giữa lòng thủ đô, khi mà 5 người tiến theo 5 cánh quân theo 5 hướng, qua 5 cửa ô và hội ngộ tại đền Ngọc Sơn, điểm hẹn lịch sử ngày 10/10.

Đó là cuộc gặp gỡ của ông Hoàng Thúc Cảnh, Hoàng Thúc Tuệ, Hoàng Thúc Cẩn, Hoàng Thúc Tấn và Hoàng Quý Thân 60 năm về trước.


5 người đi 5 hướng

Lúc tôi đến, ông Cẩn đã yếu lắm, 87 tuổi, không đi lại được. Nhắc đến những ký ức mùa thu 60 năm về trước, ánh mắt ông lại sáng lên, rồi sôi nổi kể chuyện, thỉnh thoảng lại ho khù khụ. Cũng không khó lắm khi tôi nhận ra, có những lúc ông cười, có lúc ông lại khóc, nhưng đó là những giọt nước mắt của một niềm tự hào, vui sướng, khi cả mấy anh em của ông đã không phụ lại những lời răn dạy nghiêm khắc của bố mẹ, rằng “sống phải có ý nghĩa, phải làm được gì đó cho đời....”

Đại tá Hoàng Thúc Cẩn 
Ông Cẩn cho biết, gia đình ông có 7 anh em, người anh cả mất sớm và khi giải phóng, người em út vẫn còn nhỏ tuổi và sống ở quê, 5 anh em còn lại đều đi bộ đội.


Ngay từ nhỏ, cả 7 anh em đều được bố mẹ giáo dục rất nghiêm khắc. Bố ông luôn tâm niệm “dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng, không bằng kinh sử một vài pho”.

Cách mạng tháng 8 thành công, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, thực dân Pháp quay trở lại gây hấn, quyết tâm đô hộ đất nước ta lần thứ 2. Một lần nữa, cả 5 anh em đều được bố mẹ dạy bảo “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, đất nước loạn lạc, các con phải chiến đấu, vượt qua những khó khăn, nguy hiểm lập công cho đất nước, mang vinh quang cho gia đình và quê hương”.


Ngày mấy anh em lên đường nhập ngũ, hành trang cũng chỉ mấy củ hành tăm, củ gừng, và một bộ áo nâu. Bố mẹ tiễn chân con đi vẫn không quên dặn dò: “Đất nước có giặc thì chúng ta phải đi đánh giặc, không được có bất cứ một hiện tượng gì gọi là nản lòng, là sợ hãi, là thoái ý chí, gia đình không bao giờ chấp nhận”.


Clip: Xúc động xem lại hình ảnh Hà Nội 60 năm trước

VTC14
Anh em ông lên đường, mỗi người đi một hướng. Ông Cảnh ra Thanh Hóa bí mật hoạt động, trở thành cán bộ quân sự - chính trị đầu tiên phụ trách Văn phòng Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hóa, về sau chuyển ra Bắc, công tác tại Văn phòng Phủ Chủ tịch.

Ông Tuệ nhập ngũ, theo Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn vào Nam Trung bộ chiến đấu, gây dựng phong trào. Về sau ông Tuệ lại trở ra khu 4 xây dựng lực lượng, ra bắc và cả sang Lào đánh giặc.

Người em thứ 5 là ông Tấn đi học Thiếu sinh quân, ra trường tham gia chiến đấu trên chiến trường Liên khu 3-4. Còn ông Hoàng Quý Thân, khi đó chưa đến tuổi 18 nhưng cũng hăng hái tòng quân vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp.


Lễ truy điệu cho chính mình

Ông Cẩn tham gia Việt Minh, sau về chiến đấu ở Trung đoàn 9 – Đại đoàn 304. Nhờ những thành tích chiến đấu mưu trí dũng cảm, sáng tạo và gan dạ, mới 20 tuổi, ông Cẩn đã phụ trách một đội đặc nhiệm, trực tiếp chỉ huy đánh đòn phủ đầu quân Pháp khi đại tướng De Lattre De Tassigny - Cao ủy, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương sang nhận nhiệm vụ và bày mưu tính kế phá hoại cách mạng.


Ông Cẩn kể, đêm đầu tiên khi Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam mở chiến dịch Hà Nam Ninh (còn gọi là chiến dịch Quang Trung, 28/5 đến 20/6/1951), ông đã từng mang súng SKZ vào tận nơi diệt luôn cả một lô cốt địch, được đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện chúc mừng và khen ngợi.


Những ký ức thời chiến luôn làm ông xúc động nghẹn ngào mỗi khi kể lại 
1952, ông Hoàng Thúc Cẩn theo đơn vị tiến quân ra bắc, tham gia chiến dịch đánh Hòa Bình. Với lối đánh đầy mưu trí, sáng tạo, quân Pháp ở đây nhanh chóng tan rã hàng ngủ bỏ chạy. Ông cùng một nhóm nhỏ nhận nhiệm vụ đoạn hậu tiêu diệt địch ở cầu Cụt Tai (đường 6 cũ, Hòa Bình). Nhưng thực dân Pháp lại mang một số lượng quân lớn từ Hà Nội lên cứu viện, cả tổ chiến đấu của ông Cẩn lọt thỏm giữa vòng bao vây của giặc ròng rã hơn 10 ngày trời.


Về sau thoát ra được, về đến đơn vị, ông Cẩn mới biết các đồng đội đã làm lễ truy điệu cho mình. Vì trước đó, họ mất hẳn liên lạc, dù có tỏa ra tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy, không ai nghĩ rằng tổ chiến đấu của ông còn sống sót.


Một người bạn cùng quê lúc biết đơn vị tổ chức lễ truy điệu cho ông Cẩn, đã tìm cách để báo tin cho người anh thứ 3 là ông Tuệ, lúc ấy đang chiến đấu ở một chiến trường khác. Nghĩ em mình đã hy sinh rồi, mẹ cũng mới mất mà không về được ông Tuệ xúc động làm bài thơ: Khóc em giữa chiến trường Hòa Bình


Em Cẩn ơi! Sao em đi vội thế

Xuân này em mới chớm đôi mươi.
.....
Thề cùng hương hồn em, mẹ
Thù này anh quyết trả xong
Tất cả dâng lên đầu súng
Mưa bom, bão đạn chẳng nề...

Lúc đó, ông Tuệ vẫn đinh ninh rằng em mình đã hy sinh anh dũng ở chiến trường Hòa Bình. Hôm kể chuyện cũ cho tôi nghe, nhắc lại kỷ niệm ấy, ông Cẩn khóc nghẹn. Người lính già từng chinh chiến trận mạc, đi gần hết cuộc đời, tưởng đã chai lỳ qua bao lần đưa tiễn đồng đội, cùng thời gian và dâu bể cuộc đời, vậy mà nước mắt cứ chực trào mỗi khi có người chạm vào miền ký ức xa xưa ấy…


"Có ai thấy anh Cẩn, anh Tuệ của tôi đâu không?"

Nhiều đồng đội khác vẫn chưa biết tin ông Hoàng Thúc Cẩn còn sống, thì ông Cẩn đã có lệnh trên sư đoàn điều động đi đào tạo phi công. Tuy nhiên, ra đến Việt Bắc bồi dưỡng 6 tháng, chuẩn bị sang Liên Xô đào tạo, thì do tình hình thay đổi, ông Cẩn được lệnh chuyển sang pháo binh.


Hình ảnh những đoàn quân tiến vào giải phóng thủ đô 60 năm trước Ảnh: internet 
Hội nghị Giơ-Ne-Vơ kết thúc thắng lợi, Pháp cam kết trong 80 ngày sẽ rút quân ra khỏi Hà Nội. Với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, không thể chủ quan, ông Cẩn cùng đơn vị tiến về đóng chốt ở đường 5, chặn đánh nếu như bọn thực dân có ý đồ trở mặt.

Ngày 10/10/1954, đơn vị của ông Cẩn về qua Đông Anh, qua cầu Long Biên, Ô Quan Chưởng, tiến vào Hà Nội, cùng với những cánh quân khác ở những hướng khác.


Về sau ông Cẩn mới biết thêm, ông Tuệ lúc đó đang chiến đấu ở Trung đoàn 57, đóng ở Bắc Trung Bộ, cũng tiến ra giải phóng thủ đô, đi theo đường Ngã Tư Sở vào sân bay Bạch Mai.


Ông Tấn lúc đó đang đóng ở Hòa Bình, cũng theo đoàn quân tiến về theo đường Cầu Giấy.


Người em thứ 6 Hoàng Quý Thân, lúc đó đang là học sinh trường Huỳnh Thúc Kháng ở Vinh, mới 17 tuổi, nghe tin sắp sửa giải phóng thủ đô, đã xin nghỉ học và gia nhập một đội quân ở Nghệ An, cùng tiến ra Hà Nội, vui cùng không khí chiến thắng và thêm một niềm hy vọng nhỏ nhoi được gặp lại những người anh thân yêu của mình.


Sáng tháng 10 lịch sử, lúc xuống xe, ông Hoàng Quý Thân gặp ai cũng hỏi: “có ai thấy anh Cẩn, anh Tuệ... của tôi ở đâu không?”, có anh bộ đội dừng lại nói chuyện: “Cẩn nào?”, “Dạ, anh Hoàng Thúc Cẩn ạ!”, “Ờ, thế ở đơn vị Đại Lộc rồi (bí danh của trung đoàn pháo binh)”, họ chỉ cho ông Thân là anh mình đang bên Gia Lâm.


Video: Trước giờ Hà Nội được giải phóng
VTV1
Quên hết cả mệt nhọc, ông Thân vui mừng tìm mọi cách chạy sang Gia Lâm. 9 năm trước khi anh em chia tay, ông Thân còn quá trẻ, và ông Cẩn trông cũng khác, không nghĩ rằng chiến tranh chia cắt còn có ngày tìm gặp lại được nhau. Ông Thân cất tiếng gọi, ông Cẩn bỡ ngỡ , 2 anh em khóc lóc mừng mừng tủi tủi.


Đến lúc bình tâm, ông Cẩn bảo em cùng với mình quay lại cầu Long Biên. Mới đến giữa cầu, tự dưng ông Cẩn xúc động khi nhìn thấy một người đang lững thững bước đi trên cầu. “Tấn ơi, có phải em không?”, ông Cẩn cất tiếng gọi lớn, ông Tấn quay đầu lại và xúc động khi biết được rằng đó chính là người anh 9 năm xa cách của mình.

Cả 3 anh em lúc đầu cười lớn, sau ôm chầm lấy nhau ngồi xuống, nức nở, mặc cho xung quanh xe cộ vẫn qua lại nườm nượp, người dân xúm quanh khi nhìn thấy hiện tượng lạ, 2 anh bộ đội và 1 anh thanh niên ôm nhau khóc lóc giữa đường.


Trước đó, lúc tiến quân về thủ đô, ông Hoàng Thúc Cẩn cũng đã nhắn nhủ đồng đội rằng,  nếu như gặp anh em của mình, thì nhờ nhắn gửi cứ vào ngày chủ nhật, sẽ hẹn nhau ở đền Ngọc Sơn. Vì mấy anh em đều đi bộ đội, cũng chưa một ai đặt chân đến Hà Nội, ông Cẩn cũng chỉ biết rằng, ở đó có đền Ngọc Sơn giữa hồ.


Lúc 3 anh em ra, thì đã thấy ông Tuệ đứng chờ sẵn trên cầu Thê Húc rồi. Trông ông Tuệ cứ bồn chồn, lóng nga lóng ngóng, đi lại ngó hết chỗ này đến chỗ kia. Phút trùng phùng đầy nghẹn ngào xúc động, mấy anh em chỉ biết ôm nhau khóc ròng. Một thời gian ngắn sau, người anh lớn Hoàng Thúc Tuệ cũng hội ngộ.

5 anh em chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày kỷ niệm giải phóng thủ đô Ảnh do Đại tá Hoàng Thúc Cẩn cung cấp 
Về sau, ông Cẩn có về quê hương Quảng Bình đón người em út cuối cùng ra bắc, và tất cả đều sinh sống ở Hà Nội. Cho đến hiện tại, căn nhà số 32 , ngõ 10 ở phố Hồ Đắc Di, nơi ở của gia đình đại tá Hoảng Thúc Cẩn, từ lâu đã trở thành địa chỉ giao lưu của đại gia đình họ Hoàng mỗi khi có dịp đoàn tụ. Và gia đình họ còn có thêm một địa chỉ khác nữa mỗi khi thu về: Đền Ngọc Sơn.


Đều đã vào độ tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng với 5 anh em lão thành cách mạng họ Hoàng ấy, ngày thu lịch sử 10/10 của 60 năm trước lại còn rất đặc biệt và thiêng liêng, bởi nhiều lẽ...


Một câu chuyện đẹp trong muôn ngàn câu chuyện đẹp mang âm hưởng hào hùng từ những bước chân dồn dập của đoàn quân năm ấy.

Thúy Hồng (ghi theo lời kể của đại tá Hoàng Thúc Cẩn)

Bình luận
vtcnews.vn