• Zalo

Cuộc gặp gỡ lịch sử 40 năm

Thời sựThứ Hai, 28/01/2013 08:11:00 +07:00 Google News

Một cuộc hội ngộ những nhân chứng lịch sử đã góp phần quan trọng cho chiến thắng ngoại giao trên bàn đàm phán Hiệp định Paris 40 năm trước.

Một cuộc hội ngộ những nhân chứng lịch sử đã góp phần quan trọng cho chiến thắng ngoại giao trên bàn đàm phán Hiệp định Paris 40 năm trước.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (số 28 Võ Văn Tần, quận 3, TPHCM) sáng 28-1 tràn ngập tiếng cười và niềm vui gặp mặt của những vị khách đến từ khắp nơi trên thế giới và mọi miền Tổ quốc.


Sát cánh với Việt Nam

Ban tổ chức đã chọn ông Rabin Deb - người có nhiều hoạt động trong phong trào thanh niên Ấn Độ phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam cách nay hơn 40 năm phát biểu đầu tiên trong cuộc gặp gỡ của các nhân chứng lịch sử. Ông nói: “Lần đầu tôi đến Việt Nam sau hơn 40 năm đứng ở mặt trận đấu tranh chính trị phía sau bàn đàm phán Hiệp định Paris. Thế hệ chúng tôi ý thức được giá trị của độc lập dân tộc mà Việt Nam là tấm gương cho Ấn Độ và nhiều quốc gia trên thế giới noi theo. Chúng tôi đấu tranh để chống lại bọn đế quốc thực dân, để ngăn không cho bom đạn trút xuống Việt Nam…”.

Tiếp lời ông Rabin Deb, bà Hélène Luc, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt - chồng là Thị trưởng Choisy-le-Roi, nơi đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở - phát biểu ôn lại những cuộc xuống đường của nhân dân Pháp và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới 40 năm trước.

Bà nói: “Chúng tôi đã có những ngày đẹp nhất sát cánh cùng Việt Nam trong cuộc đấu tranh đòi hòa bình, công lý. Việt Nam đã làm cho cả thế giới biết được chiến thắng vĩ đại của mình từ trên chiến trường tới bàn đàm phán ngoại giao…”.

Với giọng Việt khá chuẩn, bà Mean Som An, thượng nghị sĩ Campuchia nói: “Chỉ sau này khi lớn lên tôi mới hiểu hết được ý nghĩa của bản hiệp định hòa bình cho 3 dân tộc anh em trên bán đảo Đông Dương. Cũng như dân tộc Lào, dân tộc Khmer luôn tự hào về những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đã đem đến hòa bình cho nhiều dân tộc trên thế giới”.
Bà Hélène Luc, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp-Việt trao đổi với các đại biểu tại buổi giao lưu.  
Cuộc gặp mặt thật cảm động khi được nghe ông Carlos Rey Gomez, cựu thành viên nhóm du kích quân Caracas của Venezuela tham gia bắt giữ đại tá Mỹ Michael Smolen để đánh đổi chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi và bà Phan Thị Quyên, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi nói về suy nghĩ và tình cảm của những người cùng chiến hào ở hai đầu trái đất.

Ông Carlos nói: “Trong cuộc đấu tranh của mình, nhân dân Venezuela luôn coi Việt Nam là biểu tượng của lòng dũng cảm và ý chí không chịu khuất phục kẻ thù. Việc đánh đổi viên sĩ quan Mỹ với anh Trỗi không thành, nhưng chúng tôi tin dân tộc Việt Nam sẽ thắng”. Bà Quyên nghẹn lời nói: “Cảm ơn những người bạn Venezuela đã sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh vì hòa bình…”.


Cảm ơn những người bạn quốc tế

Các phát biểu của ông Hà Văn Lâu, nguyên Phó đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; ông Trần Trọng Tân, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nụ cười chiến thắng Võ Thị Thắng, đã đem đến cuộc gặp những câu chuyện cảm động cách nay hơn 40 năm.

Bà Thắng kể: “Lúc Hiệp định Paris được ký kết, chúng tôi đang bị giam cầm trong chuồng cọp ở nhà tù Côn Đảo. Ai nấy đều vui mừng khóc òa lên, ngày chiến thắng đang đến gần. Chúng tôi luôn coi những người bạn quốc tế đã sát cánh đấu tranh cùng nhân dân Việt Nam để có được Hiệp định Paris là ân nhân và không bao giờ quên tình cảm cao quý đó…”.

Tiếp lời, ông Trần Trọng Tân nói: “Ở Đền tưởng niệm Bến Dược Củ Chi ngày nay có một không gian khá rộng dành làm biểu tượng “Đuốc thiêng vì nghĩa lớn” để tưởng nhớ đến 2 người bạn quốc tế đã tự thiêu trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi coi biểu tượng này còn là lòng tri ân của nhân dân Việt Nam - mãi mãi không bao giờ quên những người bạn quốc tế vĩ đại đã đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình ở Việt Nam và trên toàn thế giới…”.


Kết thúc cuộc gặp, bà Jeanne Ellen Mirer, Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ quốc tế đọc thông điệp đoàn kết của các đại biểu quốc tế tham dự các hoạt động kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Thông điệp nêu rõ: “Chúng tôi bày tỏ lòng tôn trọng và ngưỡng mộ đối với nhân dân Việt Nam, những người đã chiến đấu anh dũng chống ngoại xâm, đặc biệt đối với những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

Chúng tôi xin bày tỏ tình đoàn kết đối với các nạn nhân chiến tranh, đặc biệt các thế hệ đến nay vẫn phải gánh chịu hậu quả của chất độc da cam. Từ Việt Nam, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi tuyên bố đoàn kết với các dân tộc đang đấu tranh cho một thế giới hòa bình và một xã hội công bằng…”.


Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thay mặt nhân dân Việt Nam gửi lời cảm ơn đến tất cả các bạn bè quốc tế và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đã đồng hành, sát cánh với nhân dân Việt Nam trong cuộc trường chinh hơn 20 năm đấu tranh để đi đến thắng lợi cuối cùng. Nhân dân Việt Nam mãi mãi không bao giờ quên tình cảm quý báu mà bạn bè quốc tế đã dành cho Việt Nam.
Chiều 28-1, đoàn đại biểu quốc tế dự kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Paris thăm nạn nhân chất độc da cam tại Làng Hòa Bình (Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ) và có cuộc gặp thân mật với lãnh đạo UBND TPHCM.
Tối cùng ngày, lãnh đạo UBND TPHCM đã mở tiệc chiêu đãi đoàn đại biểu quốc tế và những nhân chứng lịch sử đã làm nên chiến thắng trên bàn đàm phán Hiệp định Paris 40 năm trước.

Theo SGGP

Bình luận
vtcnews.vn