• Zalo

Cuộc đua Mặt Trăng - 'cơn sốt vàng' của thế kỷ 21

Khám pháThứ Năm, 24/08/2023 07:57:03 +07:00Google News

Sức hút của các chương trình khám phá Mặt Trăng là điều dễ hiểu và đây không phải là một cuộc đua mới.

Vào ngày 6/12/1968, tạp chí Time xuất bản một số báo với phép ẩn dụ được minh họa trên trang bìa: một nhà du hành vũ trụ Liên Xô và một nhà du hành vũ trụ người Mỹ đang chạy nước rút tới Mặt Trăng. Cuộc chạy đua vào không gian thực tế bắt đầu từ thập kỷ trước, khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên, Sputnik, vào năm 1957.

Cuộc đua đó kết thúc chưa đầy một năm sau khi Time đăng một tấm ảnh bìa khác: Các phi hành gia tàu Apollo 11 của Mỹ đáp xuống Mặt Trăng vào ngày 20/7/1969. Sự hào hứng nhanh chóng giảm đi khi phi hành đoàn của tàu Apollo 17 thực hiện điều tương tự vào năm 1972. Kể từ đó tới nay, con người vẫn chưa quay trở lại Mặt Trăng.

Điều đó đang thay đổi. NASA cam kết đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng vào năm 2025 như một phần của Chương trình Artemis. Trung Quốc có kế hoạch đưa con người lên Mặt Trăng vào năm 2030.

Sức hút của các chương trình khám phá Mặt Trăng là điều dễ hiểu và đây không phải là một cuộc đua mới. (Ảnh minh họa: KT)

Sức hút của các chương trình khám phá Mặt Trăng là điều dễ hiểu và đây không phải là một cuộc đua mới. (Ảnh minh họa: KT)

Các sứ mệnh đưa tàu thăm dò lên Mặt Trăng cũng đang gia tăng, trong đó có nỗ lực trở lại Mặt Trăng của Nga sau 47 năm, sứ mệnh Luna-25 (đã thất bại), và sứ mệnh tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Ấn Độ.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang hướng tới Mặt Trăng, liệu thế giới có đang đứng trước cuộc đua không gian lần thứ hai?

Cơn sốt vàng của thế kỷ 21

Theo bà Cathleen Lewis, người phụ trách các chương trình vũ trụ quốc tế tại Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Smithsonian (Mỹ), sức hút của cuộc đua không gian là điều dễ hiểu.

“Theo tôi, đây không phải là cuộc đua mới. Nếu so sánh với một sự kiện lịch sử, thì nó giống cơn sốt vàng hơn”, bà Lewis đánh giá. Nói chính xác hơn, đây là cơn sốt băng.

Vào năm 2018, các nhà khoa học phát hiện ra băng nước được lưu trữ trong khu vực bóng tối vĩnh cửu của các miệng hố ở vùng cực. Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đang nhắm mục tiêu vào cực Nam Mặt Trăng, nơi có thể có nguồn tài nguyên bị đóng băng đó.

Nếu tồn tại với số lượng đủ thì băng nước có thể sẽ là nguồn nước uống phục vụ sứ mệnh khám phá Mặt trăng và giúp làm mát thiết bị. Băng nước cũng có thể được phân hủy để tạo ra hydro làm nhiên liệu và oxy để thở, hỗ trợ các sứ mệnh lên sao Hỏa hoặc khai thác tài nguyên của Mặt trăng. Việc phóng tàu chở nước từ Trái Đất rất nặng và tốn kém.

Theo bà Lewis, các cơ quan vũ trụ “chưa hoàn toàn tìm ra” cách họ sẽ sử dụng lớp băng này hoặc “công nghệ nào sử dụng vào mục đích gì”. “Nhưng mọi người đều muốn đến đó vì bây giờ chúng ta biết rằng có thể tìm thấy băng nước”.

Cực Nam của Mặt Trăng, ảnh được chụp ngày 23/6/1996. (Ảnh: NASA)

Cực Nam của Mặt Trăng, ảnh được chụp ngày 23/6/1996. (Ảnh: NASA)

Nhưng vấn đề không chỉ là về băng nước. Cơ sở công nghệ cho tất cả các hoạt động này hoàn toàn khác so với giữa thế kỷ 20, Khi đó, Mỹ và Liên Xô lần đầu tiên phát triển công nghệ để lên Mặt Trăng.

Tổng thống Kennedy ủng hộ chương trình Mặt Trăng vì các cố vấn đã thuyết phục ông rằng cuộc đua này có thể giành chiến thắng về mặt công nghệ. Mặc dù cuộc cạnh tranh này đã ngã ngũ, nhưng nó cũng cho thấy “Liên Xô chạy đua với công suất tối đa trong giới hạn công nghệ của họ”.

Liên Xô gặp khó khăn trong việc phát triển các phương tiện đủ mạnh để thực hiện một sứ mệnh đưa phi hành đoàn lên Mặt Trăng. Mỹ đã tạo ra tên lửa Saturn V, một công nghệ có khả năng đặc biệt, mạnh nhất từng được phóng cho đến chuyến bay đầu tiên của tên lửa Hệ thống Phóng Không gian (SLS) mới của NASA vào cuối năm 2022.

Chương trình mang tính sống còn 

Ngày nay, nhiều quốc gia và thậm chí cả các công ty tư nhân cũng có năng lực công nghệ để đưa tàu vũ trụ lên Mặt Trăng. Không gian giờ đây cũng đông đúc hơn, chứa các vệ tinh gắn liền với các nền kinh tế trên mặt đất: mang thông tin liên lạc, cung cấp tín hiệu hướng dẫn và quan sát nguồn nước và các tài nguyên khác trên mặt đất.

Mục tiêu giờ đây không còn là thể hiện sự vượt trội về công nghệ nữa. Thay vào đó, các quốc gia đang ráo riết tìm cách sở hữu các công nghệ có thể trở thành điều kiện tiên quyết để đạt được sự độc lập và thịnh vượng về kinh tế.

“Đây là một phần của thế giới trong thời đại không gian chín muồi. Các chương trình không gian không còn mang tính tự chọn nữa mà đã trở thành những chương trình thiết yếu, mang tính sống còn cho sự tồn tại trong thế kỷ 21”, bà Lewis nói.

Theo hướng này, làn sóng các chương trình Mặt Trăng hiện tại khác với các chương trình trong quá khứ vì chúng tập trung chủ yếu vào kinh tế hơn là một cuộc cạnh tranh phi quân sự giữa hai siêu cường. Bà Lewis lưu ý rằng Trung Quốc đã mở rộng quy mô khám phá không gian để phù hợp với sự phát triển kinh tế của nước này trong 30 năm qua.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó sẽ tiếp tục diễn ra theo hướng như vậy. Cơn sốt vàng trong lịch sử đã dẫn đến xung đột về chính nguồn tài nguyên quý giá đó. Một khi các nước hoạt động thường xuyên trên Mặt Trăng, khả năng xảy ra tranh chấp sẽ tăng lên.

“Ai được chọn chúng ta làm gì với Mặt Trăng?” bà Lewis đặt câu hỏi. “Chúng ta vẫn chưa giải quyết được vấn đề ai có quyền khai thác tài nguyên ở đó”.

Hiệp ước không gian vũ trụ năm 1967 cấm các quốc gia tuyên bố lãnh thổ đối với các thiên thể, nhưng cho phép sử dụng tài nguyên ở đó. Tuy nhiên, mục đích sử dụng tài nguyên, bao gồm việc khai thác để kiếm lời trên Trái Đất vẫn chưa được quy định rõ ràng.

“Chúng ta vẫn chưa phải giải quyết vấn đề lợi nhuận đó trong không gian. Tôi mừng vì mình không phải là luật sư chuyên về những vấn đề này”, bà Lewis nói.

Có thể còn nhiều thời gian để các luật sư không gian và các nhà ngoại giao xác định cụ thể, bởi khi nói đến Mặt Trăng, ngay cả những cơn sốt vàng cũng phải chậm lại.

Theo bà Lewis, thế giới đã chứng kiến các sứ mệnh thất bại, chẳng hạn như sứ mệnh Chandrayaan-2 của Ấn Độ bị rơi trên Mặt Trăng vào năm 2019, hay gần đây nhất là sứ mệnh Luna-25 của Nga. Việc bay lên Mặt Trăng đã dễ dàng hơn rất nhiều so với 60 năm trước, nhưng việc đặt chân đến đó vẫn rất khó khăn.

Hoàng Phạm/VOV.VN(Nguồn: Popular Science)
Bình luận
vtcnews.vn