Ông Chirac sinh ngày 29/11/1932 tại Paris trong gia đình có bố là giám đốc điều hành công ty máy bay và mẹ làm nội trợ.
Năm 1959, sau khi tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia Pháp, ông trở thành công chức cấp cao ngành dân chính trước khi bắt đầu sự nghiệp chính trị từ xuất phát điểm là lãnh đạo bộ máy nhân viên của Thủ tướng Georges Pompidou.
Theo đề nghị của Thủ tướng Pompidou, ông Chirac ra tranh cử và giành được ghế trong Quốc hội năm 1967. Khi cuộc bất ổn của công nhân và sinh viên gây chấn động nước Pháp tháng 5/1968, ông Chirac đóng vai trò then chốt trong quá trình đàm phán.
Từ đó, ông bắt đầu có chỗ đứng nhất định trong chính trường Pháp.
Sự nghiệp chính trị của Chirac thực sự khởi sắc khi ông được cất nhắc trở thành Bộ trưởng Nông nghiệp rồi Bộ trưởng Nội vụ những năm 1973-1974.
Tháng 5/1974, ông Chirac được Tổng thống Giscard chỉ định trở thành Thủ tướng trong nỗ lực hoà giải giữa các phái "Giscard" và "không Giscard" trong nghị viện đa số. Ở tuổi 41, ông Chirac hiện lên như một hình mẫu của "những con sói trẻ" trong đời sống chính trị Pháp.
2 năm sau, ông từ bỏ cương vị người đứng đầu nội các Pháp sau khi sáng lập đảng Tập hợp vì nền cộng hoà (RPR), một đảng Gaulle kiểu mới.
Những năm tháng sau đó chứng kiến thăng trầm trong sự nghiệp chính trị của ông Chirac. Ông nhiều lần chạy đua vào điện Elyssee nhưng bất thành nên ngồi ghế Thị trưởng Paris trong 18 năm và thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng Pháp.
Mặc dù thất bại nhiều lần, ông Chirac vẫn nuôi hy vọng trở thành Tổng thống Pháp. Trong lần tranh cử năm 1995, ông làm mới hình ảnh bản thân, đưa ra các đề xuất đột phá để thay đổi bộ mặt nước Pháp. Nỗ lực không mệt mỏi giúp ông đặt chân vào điện Elyssee.
Ông Chirac tiếp tục đắc cử nhiệm kỳ 2 vào năm 2005 và góp công lớn trong việc xây dựng khối đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).
Trong suốt những năm tháng tại vị, ông Chirac ghi dấu ấn với các quyết định cắt giảm nhiệm kỳ tổng thống từ 7 xuống còn 5 năm, đưa nước Pháp vào cộng đồng sử dụng đơn vị tiền tệ euro của châu Âu và đặc biệt là tuyên bố phản đối công khai với cuộc chiến của Mỹ tại Iraq năm 2003.
Câu nói phản đối chiến tranh nổi tiếng của Chirac vẫn được nhớ cho đến nay: "Chiến tranh luôn là giải pháp cuối cùng. Nó luôn là minh chứng một sự thất bại. Nó luôn là giải pháp tồi tệ nhất bởi vì nó mang đến cái chết và sự khốn khổ".
Một trong những điều khiến ông Chirac được xem là vĩ đại chính là di sản hòa giải quốc gia với lịch sử bằng cách thừa nhận rằng Pháp chịu trách nhiệm trong việc dẫn tới khoảng 76.000 người Do Thái bị gửi tới các trại giam của Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới lần thứ II.
Năm 2007, ông kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 khi tình trạng sức khỏe xấu đi rõ rệt.
Trong những năm tháng cuối đời, ông đối mặt với hàng loạt cáo buộc tham nhũng trong thời gian giữ chức Thị trưởng Paris. Bất chấp điều đó, ông Chirac vẫn được xem là một trong những chính trị gia được yêu mến nhất nước Pháp.
Ngày 26/9/2019, ông Chirac qua đời ở tuổi 86.
Sự ra đi của ông để lại tiếc nuối đối với các chính trị gia ở Pháp và trên khắp châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker bày tỏ "niềm thương tiếc" khi nghe tin ông Chirac qua đời. Ông Juncker bày tỏ "thán phục và ca ngợi nỗ lực suốt cuộc đời của ông Chirac", khẳng định di sản mà ông để lại cho nước Pháp và Liên minh châu Âu (EU) sẽ mãi ở lại với lục địa già,
Người phát ngôn EC Mina Andreeva dẫn lời ông Juncker cho biết: "Châu Âu không chỉ mất đi một chính khách vĩ đại, mà một người bạn lớn".
Bình luận