Cuộc đời làm vợ của người phụ nữ ấy chỉ biết đến sự tảo tần, thương yêu, chăm sóc cho chồng và các con, nhưng chỉ vì 4 lần sinh toàn con gái nên bố mẹ chồng thường xuyên kiếm cớ giận dỗi và luôn miệng quát tháo “đồ đàn bà không biết đẻ”.
Đã thế, người chồng viện vào lý do kiếm một đứa con trai nối dõi tông đường “trăng hoa” bên ngoài. Sóng gió gia đình cứ theo nhau kéo đến cho đến một ngày, anh ta đem nhân tình và con riêng về yêu cầu chị phải chăm sóc cho thật chu đáo.
Sau phút giây ấm ức trước hành vi của người chồng, tấm thân còm cõi của chị như muốn đổ gục. Nước mắt chị rơi không biết bao nhiêu đêm cùng với những ánh nhìn nháo nhác của những đứa con gái khiến chị đứng trước quyết định khó khăn: Nhường chồng của mình cho người đàn bà khác.
Chuyện tình chiếc giậu mồng tơi
Người vợ rơi vào tình thế oái ăm đó là chị Lương Thị Ngát (SN 1970, ngụ xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai) vợ của ông Đỗ Văn Sản (SN 1968). Đúng 23 năm trở về trước, có một đám cưới diễn ra trong lời chúc mừng của hai họ và những bà con xóm làng.
Cô dâu Lương Thị Ngát cất bước theo chồng với tâm nguyện một lòng một dạ cả đời yêu thương, chăm sóc cho chồng con, mà không thể ngờ rằng có ngày chị lại rơi vào thảm cảnh như hôm nay.
Trong cơn mưa ngâu đầu mùa nơi rừng xanh núi thẳm, nỗi sầu hằn trên khuôn mặt của người phụ nữ, chị trầm lặng kể về quãng đời làm dâu đầy chua chát của mình. Chị sinh ra và lớn lên ở vùng quê nước mặn, đồng chua Đô Lương - Nghệ An, trong một gia đình nhà có tới 7 chị em, nên từ nhỏ chị Ngát quen với đồng ruộng, với sự tảo tần chịu khó.
Kết thúc chương trình phổ thông trung học, chị từ bỏ ước mơ thi vào đại học vì gia cảnh túng bấn. Là người duyên sắc chẳng mấy mặn mà nhưng được cái đảm đang, hiền dịu… nên rất nhiều chàng trai đem lòng yêu chị.
Không hiểu sao, người lọt xanh vào mắt xanh của chị lại là một anh chàng nhà ngay cạnh bên, chung nhau một chiếc giậu mồng tơi. Anh ta sinh ra trong một nhà nông thực thụ, là con thứ 2 trong 3 chị em.
Sản chỉ học hết lớp 7 nhưng được cái cao to, điển trai lại khéo mồm nên cũng được rất nhiều cô gái trong làng để ý. Cuối năm 1988, sau ba năm tham gia nghĩa vụ quân sự, vừa trở về quê nhà thì bố mẹ Sản giục phải cưới vợ gấp để có cháu bế bồng.
Năm 1989, sau một năm yêu nhau, hai người quyết định đi tới hôn nhân. Đám cưới diễn ra trong sự chứng kiến của quan viên hai họ, gia đình hai bên ai cũng tin đôi vợ chồng trẻ sẽ sống hạnh phúc bên nhau.
Mắc tội bất hiếu vì đẻ toàn 'vịt giời'
Sau khi kết hôn không lâu, chị Ngát mang bầu, cả nhà chồng vui mừng và luôn mong chờ đứa cháu đầu phải là một thằng cu. Không ngờ chị vừa mang thai đến tháng thứ 7 thì bị xẩy. Đến năm 1991, một bé gái bụ bẫm ra đời.
Gia đình thêm một thành viên là thêm một gánh nặng. Năm 1993, khi đứa con vừa tròn hai tuổi thì chị Ngát phải bồng bế con theo chồng và gia đình nhà chồng vào Tây Nguyên tìm cơ hội lập nghiệp nơi vùng đất mới.
Vừa mới đến Tây Nguyên thì chị sinh tiếp đứa thứ hai, lần này cũng là con gái. Sau lần ấy, chị nhận ra vết nứt tình cảm giữa bố mẹ chồng và nàng dâu ngày càng lớn. Dù chị cố gắng duy trì đến mấy nhưng cũng không thể nào làm vơi bớt không khí căng thẳng với bố mẹ chồng.
Khi cuộc sống chung đã không thể hài hòa được nữa chị bàn với chồng quyết định ra ở riêng.
Thời gian này cả hai vợ chồng xin làm công nhân của Nông trường cà phê Gia Lai, vì thế cuộc sống có phần vơi bớt khó khăn. Sau nhiều lần căn cơ, chọn giờ để đạt được “sự nghiệp sinh con trai” thì năm 1998 chị mang thai lần thứ 4.
Nghe mọi người nói, mới mang thai ăn những thứ quả gì để sinh được con trai chị đều đã thử cả nhưng khi sinh vẫn là một…bé gái.
Ngày chị sinh, anh chồng hồi hộp chạy vào đón con nhưng nhìn thấy bé gái thì mặt chau lại, sự tức giận đã bộc phát ra thành tiếng: “Đẻ gì mà toàn một lũ vịt giời”.
Nghe thấy chồng nói vậy chị ấm ức khóc, trong thâm tâm của mình, chị cũng muốn chồng mình được mở mày mở mặt, chị cũng muốn bố mẹ chồng vui vẻ nên mới quyết định sinh thêm một lần nữa.
Chị cũng không hiểu tại sao cái số mình nó khổ đến thế, đến nước này chỉ còn cách than trách ông trời. Lấy nhau không lâu, chị Ngát đã nghe thấy thiên hạ đàm tiếu chồng mình có tính trăng hoa. Lúc đó, chị không tin rằng đó là sự thật.
Mãi đến năm 1998, chị tận mắt chứng kiến người chồng bạc nghĩa đang vui vẻ ở bên nhân tình. Chị giữ bình tĩnh, trò chuyện cùng người đàn bà kia rồi yêu cầu người ấy chấm dứt quan hệ với chồng mình. Còn với chồng, chị nhẹ nhàng nói, anh có quan hệ với ai thì kín kín một chút, đừng để dân làng họ biết được, họ nói em không ra gì.
Tưởng anh chồng nghe thấy thế sẽ cảm phục, không ngờ anh ta thẳng tay tát chị rồi lớn tiếng quát: “Đồ đàn bà không biết đường đẻ còn to mồm dạy dỗ tôi à? Thằng chồng của cô trăng hoa, tằng tịu với con đàn bà khác là để lấy một thằng cu để nối dõi gia tộc. Cô hiểu chưa?”.
Trong nước mắt chị đáp lại: “Em biết, em không sinh được con trai cho anh, em cũng buồn lắm! Chuyện anh đi bên ngoài em đâu có cấm, nếu anh kiếm được con trai bên ngoài anh cứ đem về đây em sẽ nuôi nấng, nhưng xin anh quan tâm tới các con mình một chút”.
Từ đó, cuộc sống gia đình trôi đi trong sự buồn lặng, cứ mỗi lần uống rượu say vào là chồng lại đem chuyện chị không biết đẻ ra để nói, để đay nghiến. Năm 2005, cà phê rớt giá thậm tệ, làm vườn không đủ tiền tiêu, hai vợ chồng quyết định bán vườn cà phê duy nhất đi rồi mua về một máy kéo để chồng vừa có việc vừa tăng thu nhập cho gia đình.
Cũng từ đó, người chồng đi biền biệt trong các buôn làng, một mình chị vò võ ở nhà nuôi con. Khi cần tiền, chị đi tìm hỏi thì chồng bảo rằng, tiền công nợ làm rẫy cho người ta vẫn còn nợ nên chị lại nai lưng ra đi làm vườn thuê.
Khoảng thời gian này, những khó khăn liên tiếp tìm tới, trong khi sinh con cần nhiều khoản chi tiêu, đứa con gái đầu lại vào học đại học năm thứ nhất, hai đứa đang học trung học.
Trong lúc túng quẫn không biết trông vào đâu, chị đành đem con nhờ hàng xóm trông giúp để đi tìm chồng. Khi tìm được chồng đang say sưa rượu chè trong buôn làng, chị mới sững sờ khi phát hiện ra chồng chị đã bán chiếc máy kéo từ lúc nào.
Những khó khăn trong cuộc sống đã khiến thân hình chị chỉ còn da bọc sương, đôi mắt trũng sâu trong vòng tròn thâm quầng. Chị không muốn con mình bỏ học, nhưng chị không biết cách nào để xoay sở ra tiền để một lúc nuôi 3 đứa con lớn ăn học, rồi mua sữa cho đứa con gái mới sinh. Và thế là chị lại lao như con thiêu thân đi làm thuê, làm mướn, vay chỗ nọ đập vào chỗ kia.
Nuôi 'nhân ngãi' cho chồng
Suốt thời gian đó, xích mích gia đình liên tục xảy ra, kèm theo đó là những trận đòn giáng xuống tấm thân gày gò của người phụ nữ.
Dù đã có với nhau 4 cô con gái (lớn nhất sinh năm 1991, nhỏ nhất sinh năm 2008) nhưng chưa một lần người chồng an ủi, chưa một lần hiểu suy nghĩ của chị. Và cũng chỉ tại chị sinh con một bề nên chồng ít quan tâm đến chị và những đứa con.
Cho đến một ngày vào tháng 7/2008, khi đứa con gái thứ hai bị đi viện, chị vô tình phát hiện ra chồng mình đang đi lại với một người đàn bà tên Oanh. Họ thuê nhà và sống với nhau như vợ chồng (người này cũng đã có chồng và 2 con).
Biết chuyện, gia đình nhà chồng chị Ngát cũng có lời khuyên răn nhưng anh Sản không nghe mà họ lại dắt nhau lên TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) sinh sống. Sau một thời gian lặn mất tăm, đến năm 2011, anh ta về nhà.
Thời gian này, anh Sản có tham gia phụ giúp chị Ngát làm thuê cà phê nhưng với điều kiện chị phải trả 1 triệu đồng/tháng để anh ta lấy tiền nuôi đứa con riêng của mình.
Chị đồng ý, miễn sao là anh ta phải ở nhà, dù sao thì nhà có một người đàn ông thì chị bớt lo nhiều hơn. Không ngờ đến đầu năm 2012, anh chồng lại vui mừng thông báo với chị là nhân tình của anh ta đã có bầu đứa thứ hai, đã đi siêu âm, là con trai. Anh Sản đề nghị đưa nhân tình của mình về nhà sinh nở và nhờ chị nuôi dưỡng đứa con gái.
Chị không chấp nhận, anh Sản kiếm cớ mắng chửi, đánh đập. Không thể chịu đựng tiếp chuỗi ngày đó, chị Ngát đã làm đơn ly hôn nhưng anh Sản không ký và còn văng lời đe dọa, chửi bới. Sau nhiều lần yêu cầu thì anh Sản cũng đồng ý với điều kiện chia đôi gia sản (bao gồm một ngôi nhà và 700m2 đất), chị đồng ý.
Video: Vượt hơn 1000km gặp nhân tình, người đàn ông bị chồng người tình đánh giữa phố
Ngày 15/7/2012, TAND huyện Chư Sê đã đưa vụ ly hôn trên ra xét xử. Kết thúc phiên tòa, chị Ngát được quyền nuôi 4 đứa con, anh Sản có trách nhiệm mỗi tháng phải trợ cấp 1 triệu/tháng tiền để nuôi đứa con gái út (4 tuổi) cho đến lúc cháu trưởng thành.
Bước ra khỏi phiên tòa, chị đau đớn, cũng bởi có ai muốn gia đình mình lại tan đàn, xẻ nghé như vậy nhưng suy cho cùng chị cũng đâu có cách lựa chọn nào khác.
Ai cũng biết, trong tất cả các vụ án ly hôn, người thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ, khi buộc phải sống nốt quãng đời ấu thơ của mình với một trong hai người thân yêu nhất cũng là điều khó khăn với các em.
Nhưng suy cho cùng, khi mà cuộc sống gia đình không thể dung hòa các mối quan hệ được nữa, khi vợ chồng đã không còn tình cảm và người chồng đã hành xử một cách tráo trở như thế thì quyết định của chị Ngát sẽ khiến cho chị sống thanh thản hơn.
Chị Ngát tâm sự: “Đời tôi nó khổ thế đấy. Nào ai có muốn gia đình mình lại như thế! Cũng chỉ tại vì không có con trai mà đời tôi thành ra thế này… Tâm nguyện lớn nhất của tôi bây giờ là nuôi 4 đứa con gái nên người, còn về họ (chồng và nhân tình của chồng – PV), tôi mong họ được hạnh phúc.”.
Theo các quy định của Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì việc chồng chị Ngát chung sống như vợ chồng với người khác và có con chung thì đã có dấu hiệu của tội vi phạm chế độ một vợ một chồng.
Chị Ngát có thể làm đơn yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật và có quyền đơn phương làm đơn khởi kiện “về việc yêu cầu ly hôn” gửi Tòa án Nhân dân nơi chồng chị cư trú để yêu cầu Tòa án giải quyết cho chị được ly hôn với chồng theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Dân sự năm 2005; khi ly hôn tài sản và quyền nuôi con, cấp dưỡng nuôi con được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp chồng bà có hành vi hành hạ, ngược đãi, chửi bới chị và các thành viên khác trong gia đình thì chị có quyền đề nghị Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn xử phạt theo Nghị định số 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng – chống bạo lực gia đình.
Theo quy định của Luật Hôn nhân Gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành: Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình, hiện chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…
Người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này theo Điều 147 Bộ luật Hình sự khi thuộc một trong các trường hợp sau đây, a) Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ hoặc ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát…; b) Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
Bình luận