Đại tá, nhà văn Nguyễn Trần Thiết qua đời sáng ngày 20/7. Với giới văn chương, ông được coi là người dành cả đời để viết. Dù trải qua trận tai biến mạch máu não, đột quỵ, ông vẫn không ngừng sáng tác. Cuốn Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng được ông hoàn thành sau trận tai biến năm 2000.
Gia tài văn chương đồ sộ
Nhà văn Nguyễn Trần Thiết qua đời sáng 20/7, hưởng thọ 95 tuổi. Nhà văn Nguyễn Trần Thiết sinh năm 1929 tại thôn Tự Nhiên (xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Ông từng là chiến đấu viên rồi chính trị viên đại đội thuộc đại đoàn chủ lực 312 có mặt ở nhiều chiến dịch lớn, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1953 ông làm phóng viên mặt trận báo Quân đội nhân dân và công tác tại đây đến năm 1989, về hưu với quân hàm Đại tá.
Nhà văn Nguyễn Trần Thiết ham mê làm việc. Không qua trường lớp đào tạo nghiệp vụ nhưng nhờ sự thông minh lại cần cù, được chứng kiến những thời khắc lịch sử như Điện Biên Phủ (1954), Đường 9 - Nam Lào (1971), trong Phái đoàn Liên hợp quân sự 4 bên, hai lần ở trại Davis (1973 và 1975), trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng ngày 30/4/1975... ông chuyển hóa thành những tác phẩm sinh động.
Với vốn sống phong phú, ông có cả kho tàng tư liệu để xây dựng tác phẩm. Trong sự nghiệp gần 60 năm làm báo, viết văn, ông xuất bản 97 đầu sách. Một số tác phẩm được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh, dựng phim phát sóng nhiều tập.
Với gần 100 cuốn sách trong đó nhiều tác phẩm nổi tiếng, Nguyễn Trần Thiết là một trong những người có nhiều tác phẩm báo chí, văn học viết về QĐND Việt Nam nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn. Tặng giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng (1994), Giải thưởng văn học Bộ Nội vụ (1995), Giải báo chí (Hội Nhà báo) với tác phẩm Dọc ngang trong lòng địch (1981) và Kẻ cuồng vọng mang mật kế Z (1985).
Phải kể tới những tác phẩm nổi bật của ông như Trưởng thành (truyện, 1978), Chiến công thầm lặng (truyện, 1981), Dọc ngang trong lòng địch (truyện ký, 1981), Điệp viên 04 (truyện ký, 1982), Người giao liên tình báo (truyện ký, 1983), Gia đình biệt động (truyện ký, 1984), Kẻ cuồng vọng mang mật kế Z (truyện ký, 1988), Tham vọng mù quáng (tiểu thuyết, 1988), Viên chuẩn tướng (truyện ký, 1989), Tôi đi tìm cái chết của tôi (tiểu thuyết, 1992), Ông tướng tình báo và hai bà vợ (tiểu thuyết, 1994)...
Trong đó, tiểu thuyết Ông tướng tình báo và hai bà vợ được đạo diễn NSƯT Bùi Cường dựng thành phim, đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan phim truyền hình toàn quốc.
Cuốn tiểu thuyết thứ 93 của nhà văn Nguyễn Trần Thiết Dương Văn Minh - tổng thống cuối cùng được tái bản nhiều lần, được giới thiệu ở Anh, Mỹ, Pháp và đang được dựng phim với quy mô cả trăm tập.
Với số lượng tác phẩm đồ sộ, nhà văn Nguyễn Trần Thiết được đánh giá là người dành cả cuộc đời để viết.
"Nhà văn Nguyễn Trần Thiết là người tôi nghĩ chỉ có hai hành động chính trong suốt cuộc đời mình. Một là ngước mắt lên để nhìn cuộc sống, hai là cúi xuống để viết. Ông không chỉ là một nhà văn mà ông là một người chép sử", nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết.
Sống chết với nghề
Nhà thơ Trần Anh Thái khẳng định sức viết của đại tá, nhà văn Nguyễn Trần Thiết rất ấn tượng. Ông nổi bật trong mảng viết về truyện trong, sau chiến tranh, đề tài tình báo...
"Ông là người đam mê viết. Trong cuộc đời ông ra mắt gần 100 đầu sách. Ông là người lao tâm khổ tứ, sống chết với nghề", nhà thơ Trần Anh Thái chia sẻ với Tiền Phong.
Mỗi lần trở lại báo Quân đội nhân dân, nhà văn Nguyễn Trần Thiết đều tặng sách và tâm sự chuyện đời, chuyện nghề với nhà thơ Trần Anh Thái.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật T.Ư (LLPBVHNT) - nhận định nhà văn Nguyễn Trần Thiết là người có tinh thần làm việc nghiêm túc, miệt mài. Ông cũng là người có đức tính giản dị, khiêm tốn.
"Nhà văn Nguyễn Trần Thiết là một nhà văn, nhà báo được tôi luyện trong thử thách, chiến tranh và có nhiều tác phẩm văn học, báo chí nổi tiếng, được nhiều người quan tâm, ngưỡng mộ. Nếu cần trao đổi với ông về những vấn đề liên quan đến các nhân vật lịch sử, ông sẵn sàng ngồi nghe, trao đổi với thái độ rất cầu thị, trách nhiệm", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ kể với Tiền Phong.
Đối với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhà văn Nguyễn Trần Thiết không chỉ là một chiến sĩ mà còn là một nghệ sĩ.
Trách nhiệm của nghệ sĩ, nhà báo cách mạng và trách nhiệm của công dân hòa quyện với nhau trong con người nhà văn Nguyễn Trần Thiết.
Trước đó, nhà văn Nguyễn Trần Thiết gặp khó khăn khi xuất bản cuốn sách Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ lúc đó là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đã góp ý với ông về cuốn sách này.
"Thời điểm đó, tôi và ông phải bàn bạc rất nhiều. Hai chú cháu trao đổi tâm tình, thủ thỉ với nhau và đi đến sự đồng thuận. Giữa chúng tôi gần như không có khoảng cách về tuổi tác, không có vách ngăn giữa cơ quan quản lý với văn nghệ sĩ", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết.
Cuối cùng, tác phẩm được cấp giấy phép xuất bản, ra mắt độc giả ngày 29/03/2011.
"Tôi chưa bao giờ bị mất ngủ, thế mà khi nhận được tin đã 'bấm máy in', tôi trằn trọc không sao chợp mắt nổi. Hạnh phúc quá! Vui sướng tột cùng!... Là người cầm bút, tôi rất vui vì tôi được phép in 'Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng' là hoàn toàn khách quan, vô tư, không có lý do gì buộc tôi uốn cong ngòi bút, viết sai sự thật. Tôi đã thành công sau 31 năm chờ đợi!", lời của nhà văn Nguyễn Trần Thiết.
Bình luận